Tuy nhiên, dòng tiền hoạt động khá tích cực đã giúp thị trường cân bằng trở lại, nhiều mã lớn cũng đã hồi nhẹ hoặc trở lại mốc tham chiếu, tạo cơ hội tốt cho VN-Index tiến sát mốc tham chiếu.

Dù chưa thể lấy lại sắc xanh, nhưng đà giảm đã được thu hẹp đáng kể cùng thanh khoản thị trường sôi động, giúp giới đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ sớm hồi phục.

Không làm nhà đầu tư thất vọng, sau gần 30 phút giao dịch lình xình dưới mốc tham chiếu ở phiên chiều, lực cầu hấp thụ tăng mạnh cùng áp lực bán được tiết chế giúp sắc xanh lan rộng toàn thị trường, kéo VN-Index vượt qua mốc tham chiếu và dành lại ngưỡng kháng cự 935 điểm.

Đóng cửa phiên cuối tuần, sàn HOSE khá tích cực với 187 mã tăng và chỉ 96 mã giảm, VN-Index tăng 1,87 điểm (+0,2%) lên 935,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 225,73 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 6.481,52 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 25,97 triệu đơn vị, giá trị 2.005,7 tỷ đồng. Riêng VNM thỏa thuận 6,45 triệu đơn vị, giá trị 1.109,48 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 24/11

Nhóm VN30 cũng diễn biến tích cực hơn phiên sáng khi có tới 18 mã tăng, chỉ 9 mã giảm và 3 mã đứng giá. Trong đó, “ông lớn” VNM đã hồi phục sắc xanh trong phiên chiều và hiện tăng nhẹ 0,1%, kết phiên tại mức giá 185.000 đồng/CP.

Đáng kể, cổ phiếu có vốn hóa lớn thứ 2 thị trường là SAB đã tăng tốc mạnh trong nửa cuối phiên chiều sau diễn biến lình xình giằng co quanh mốc tham chiếu kể từ đầu phiên sáng. Với mức tăng 9.800 đồng/CP, tương ứng tăng 3,2%, cổ phiếu SAB đã leo lên mức giá kỷ lục 318.800 đồng/CP.

Không chỉ dừng lại ở SAB, thị trường cũng say theo hơi men của cổ phiếu bia khi BHN cũng có màn lội ngược dòng và bứt phá mạnh trong phiên cuối tuần. Kết phiên, BHN đã tăng 3,6% lên mức 139.900 đồng/CP, xác lập phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp của cổ phiếu này.

Tuy nhiên, VCB, GAS, VIC, VRE, VJC tiếp tục tạo gánh nặng cho thị trường do áp lực bán chốt lời tăng mạnh.

Điểm sáng trong phiên cuối tuần là sự khởi sắc của nhóm vừa và nhỏ với nhiều mã đóng cửa ở mức giá trần, trong đó có nhiều cổ phiếu bất động sản NBB, DXG, TDH, QCG. Cùng các mã khác như PNC, DGW, RDP, OCG, DLG, ICF, KPF, NVA, BCG, AMD, PXS.

Tương tự, trên sàn HNX, sau 30 phút đầu phiên chiều rung lắc, chỉ số sàn cũng đã bứt mạnh và đóng cửa ở mức cao nhất ngày nhờ sự khởi sắc của các cổ phiếu bluechip.

Kết phiên, HNX-Index tăng 0,65 điểm (+0,59%) lên mức 110,83 điểm với tổng khối lượng khớp lệnh đạt 59,96 triệu đơn vị, giá trị 757,75 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 3,4 triệu đơn vị, giá trị 28,57 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 đóng vai trò là trụ cột dẫn dắt thị trường khi có tới 18 mã tăng, chỉ 6 mã giảm và 6 mã đứng giá.

Trong đó, nhóm cổ phiếu họ P tăng khá tốt như PVC tăng 2,7% lên 11.400 đồng/CP, PVS cũng duy trì đà tăng 2,2% lên mức giá 18.300 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 9,8 triệu đơn vị; PVB tăng 7,1% lên mức 18.000 đồng/CP, PLC tăng 4% lên mức 26.000 đồng/CP…

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng có diễn biến khởi sắc như BVS tăng 1% lên mức 19.400 đồng/CP, VND tăng 0,9% lên mức 22.200 đồng/CP, APS tăng 6,7% lên mức 3.200 đồng/CP, CTS tăng 3,5% lên mức 10.400 đồng/CP, MBS tăng 1,5% lên mức 13.500 đồng/CP, ORS tăng 4,8% lên mức 2.200 đồng/CP, SHS tăng 1,1% lên mức 18.200 đồng/CP, VIX tăng 6,5% lên mức 9.800 đồng/CP…

Cổ phiếu ACB cũng lấy lại sắc xanh sau những nhịp rung lắc với mức tăng nhẹ 0,3%, đóng cửa tại mức giá 34.100 đồng/CP và chuyển nhượng thành công 1,54 triệu đơn vị.

Trong khi đó, SHB đã lấy lại mốc tham chiếu 8.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 7,9 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản trên sàn HNX sau PVS.

Điểm sáng trên sàn là màn tăng tốc ngoạn mục của PIV. Sau khi hồi phục sắc xanh trong phiên sáng, cổ phiếu PIV tiếp tục bứt mạnh trong phiên chiều và nhanh chóng khoác áo tím sau chưa tới 30 phút giao dịch. Hiện PIV tăng 9,5% lên mức giá trần 17.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh sôi động đạt 2,35 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, mặc dù đã nỗ lực về cuối phiên nhưng chỉ số sàn chưa thể hồi phục.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,16 điểm (-0,29%) xuống 54,1 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 11,8 triệu đơn vị, giá trị 182,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,29 triệu đơn vị, giá trị 46,27 tỷ đồng.

Lực cầu tiếp tục hấp thụ mạnh LPB đã giúp cổ phiếu này hồi nhẹ với mức tăng 0,76% lên mức 13.300 đồng/CP và khối lượng giao dịch đạt hơn 2 triệu đơn vị, duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM.

Đứng thứ 2 về thanh khoản là ART với khối lượng giao dịch đạt 1,38 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 2,03% lên mức 13.300 đồng/CP.

Tuy nhiên, các mã lớn như DVN, HVN, GEX, ACV, SCS, MCH… vẫn tạo sức ép lên thị trường. Trong đó ACV giảm khá mạnh 4,7% xuống mức 81.000 đồng/CP.

Thị trường chứng khoán phái sinh phiên 24/11 có 13.862 hợp đồng được giao dịch, giá trị 1.310,51 tỷ đồng, giảm 19% về lượng và 21,9% về giá trị so với phiên hôm qua.