Trong phiên giao dịch sáng, VN-Index giằng co quanh tham chiếu, trước khi đảo chiều tăng nhẹ cuối phiên nhờ sự hồi phục của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Trong khi nhóm cổ phiếu dầu khí chịu sức ép lớn do thông tin giá dầu thô lao dốc.

Bước vào phiên giao dịch chiều, dù một số mã ngân hàng quay đầu giảm trở lại, nhưng với sự đảo chiều ngoạn mục của VNM, đà tăng vững của ROS, VIC, BVH, HSG, giúp VN-Index nới rộng đà tăng. Tuy nhiên, do VN-Index đang ở vùng kháng cự mạnh, nên rất nhanh chóng, lực cung gia tăng đã đẩy chỉ số này đảo chiều trở lại, có lúc đã chớm sắc đỏ, trước khi lực cầu gia tăng, giúp thị trường lấy lại sắc xanh.

Trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa, với việc VNM, VIC nhận được lực cầu lớn và đóng cửa ở mức cao nhất ngày, VN-Index cũng được kéo tăng mạnh trở lại. Thanh khoản vẫn duy trì ở mức tốt nhờ dòng tiền chảy mạnh, chỉ khác là dòng tiền đã chảy đều vào nhiều nhóm cổ phiếu, chứ không tập trung vào một số mã như trước đó.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index tăng 1,5 điểm (+0,20%), lên 743,41 điểm với 134 mã tăng và 127 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 193,18 triệu đơn vị, giá trị 4.460,73 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 10,6 triệu đơn vị, giá trị 502,54 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 26/5

Trong khi đó, HNX-Index lại dao động theo hình răng cưa, trước khi bật mạnh trọng đợt ATC nhờ sự khởi sắc của nhóm chứng khoán.

Cụ thể, HNX-Index tăng 0,22 điểm (+0,23%), lên 93,69 điểm với tổng khối lượng khớp lệnh đạt 53 triệu đơn vị, giá trị 569 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,8 triệu đơn vị, giá trị 17 tỷ đồng.

Trên HNX, HQC đã vươn lên dẫn đầu về thanh khoản với 14,88 triệu đơn vị được khớp. Tuy nhiên, mã này đã không còn duy trì được đà tăng khi đóng cửa giảm 1,11%, xuống 3.560 đồng. Dù vậy, với những phiên tăng trước đó sau những thông tin tích cực đưa ra tại ĐHCĐ, HQC vẫn có mức tăng gần 10% trong tuần qua.

OGC, KSA, MCG vẫn duy trì được sắc tím đến hết phiên, nhưng thanh khoản không được cải thiện thêm do lực cung hạn chế.

Ngoài 3 mã trên, nhiều mã khác cũng tăng trần trong phiên hôm nay như TNT, PPI, MHC, C32, DHG, DQC, KSH, DTA, NVT, POM, STT, COM, AGM, NAV.

Tuy nhiên, tâm điểm chú ý trong phiên chiều lại là cặp đôi BHS và SBT. Ngay sau thông tin sáp nhập với tỷ lệ chuyển đổi 1 cổ phiếu BHS đổi 1,02 cổ phiếu SBT và dự kiến cổ phiếu sau sáp nhập sẽ niêm yết vào tháng 9, cổ phiếu BHS đã nổi sóng trong phiên chiều nay.

Phương án sáp nhập này đã được cổ đông của SBT thông qua trong cuộc họp ĐHCĐ bất thường tổ chức hôm qua (25/5) và cũng được cổ đông của BHS chấp nhận trong cuộc họp ĐHCĐ bất thường tổ chức sáng nay (26/5).

Đây là thông tin có lợi với những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu BHS, bởi hiện thị giá của BHS đang thấp hơn SBT. Giá tham chiếu của BHS trong phiên hôm nay là 20.050 đồng, trong khi của SBT là 28.450 đồng.

Ngay sau khi phương án trên được 2 công ty thông qua, lực cầu tại BHS đã nhanh chóng gia tăng trong phiên chiều, giúp BHS nhảy thẳng lên mức trần 21.450 đồng với thanh khoản tăng vọt lên 5,64 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần khá lớn.

Dù phương án sáp nhập được cho là có phần “thua thiệt” với cổ đông SBT, nhưng nhà đầu tư nắm giữ SBT vẫn không quá lăn tăn. Bằng chứng là SBT vẫn nhận được lực cầu lớn trong phiên chiều này, giúp mã này tăng 3,16%, lên 29.350 đồng với hơn 2,23 triệu đơn vị được khớp.

Trong nhóm ngân hàng, trong khi các mã khác lần lượt đảo chiều về tham chiếu, hoặc giá giá, thì BID, MBB vẫn duy trì đà tăng khá tốt, dù biên độ có thu hẹp hơn chút ít so với phiên sáng. Chốt phiên, BID tăng 2,09%, lên 19.500 đồng với 6,66 triệu đơn vị được khớp. MBB tăng 1,83%, lên 19.450 đồng với 2,16 triệu đơn vị được khớp.

Trong khi đó, VNM và VIC lên mức giá cao nhất ngày 152.000 đồng (+1,33%) và 40.500 đồng (+1,12%), ROS cũng nới rộng đà tăng lên 129.000 đồng (+1,18%)…

Trong khi đó, nhóm dầu khí, bia lại chìm trong sắc đỏ, FPT cũng giảm, nhưng biên độ đã được thu hẹp hơn nhiều so với phiên sáng và nhất là so với phiên hôm qua.

Hôm nay HOSE đón tân binh TCD của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ và vận tải với giá tham chiếu 16.000 đồng.

Ngay trong phiên chào sàn, TCD đã có biên độ dao động mạnh, tới 32%. Mở cửa, mã này nhanh chóng bị đẩy xuống mức sàn 12.800 đồng, nhưng lực cầu đỡ giá sau đó đã giúp TCD đảo chiều ngoạn mục để lên mức giá cao nhất ngày 16.9000 đồng. Tuy nhiên, đà tăng không giữ được khi chốt phiên do lực cung khá mạnh. Đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên trên sàn, TCD giảm 3,13%, xuống 15.500 đồng, với 4,34 triệu đơn vị được khớp.

Trên HNX, nhóm ngân hàng, dầu khí vẫn chìm trong sắc đỏ, nhưng đà giảm đã được thu hẹp nhiều, chỉ còn 1-2 bước giá. Trong đó, có thanh khoản nhất vẫn là SHB với 9,43 triệu cổ phiếu.

Trong khi đó, nhóm chứng khoán lại tăng khá mạnh, trong đó SHS tăng 6,36%, CTS tăng 1,89%, BVS tăng 1,6%, VND tăng 1,58%...

Trên UPCoM, chỉ số trên sàn này chỉ lình xình quanh mức điểm của phiên sáng và đóng cửa ở mức 57,64 điểm, tăng 0,25 điểm (+0,43%) với 11,54 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị 182 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 0,64 triệu đơn vị, giá trị 6,6 tỷ đồng.

Điểm nhấn trên sàn này vẫn là DVN với lượng khớp 4,17 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức trần 28.600 đồng và còn dư mua giá trần.