Diễn biến VN-Index phiên ngày 30/11 |
Thực tế giao dịch cho thấy, áp lực bán ra từ khối ngoại đã suy giảm rõ rệt trong phiên giao dịch sáng nay, không chỉ ở VNM, HPG, mà còn ở một số bluechips khác. Sự biến chuyển này khiến tâm lý thận trọng được đẩy lên cao độ. Hoạt động giao dịch theo đó chững hẳn lại, thanh khoản suy giảm mạnh khoảng 33% so với phiên sáng hôm trước. Cũng chính sự thận trọng này mà VN-Index giảm trở lại trong nửa cuối phiên sáng khi áp lực bán gia tăng.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng trong phiên giao dịch chiều. Ngay sau giờ nghỉ trưa, khối ngoại bắt đầu giao dịch tích cực tại nhóm cổ phiếu bluechips, đặc biệt là tại VNM và HPG, 2 mã bị “vùi dập” liên tục trong nửa tháng qua.
Động thái bất ngờ này đã giúp tâm lý thị trường như trút được gánh nặng. Hoạt động giao dịch càng về cuối càng trở nên hào hứng. Việc dòng tiền chảy mạnh vào nhóm bluechips không chỉ giúp VN-Index có phiên phục hồi mạnh, lấy lại toàn bộ những gì đã mất phiên 29/11, mà còn khiến thanh khoản tăng vọt trở lại, khi tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn đạt gần 3.500 tỷ đồng, tăng mạnh 25% so với phiên trước.
Đóng cửa phiên giao dịch 30/11, với 151 mã tăng và 98 mã giảm, VN-Index tăng 6,81 điểm (+1,03%) lên 665,07 điểm. Chỉ số VN30-Index tăng 6,11 điểm (+0,98%) lên 631,89 điểm, với 18 mã tăng và 8 mã giảm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 155,53 triệu đơn vị, giá trị 3.236,67 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khá đáng kể với 40,22 triệu đơn vị, giá trị gần 471 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 28,922 triệu cổ phiếu TTF, giá trị 127,4 tỷ đồng; 1,150 triệu cổ phiếu VHC, giá trị 49,5 tỷ đồng và 1 triệu trái phiếu VIC, giá trị 104,49 tỷ đồng.
Tương tự, với 84 mã tăng và 68 mã giảm, HNX-Index tăng 0,34 điểm (+0,43%) lên 80,35 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 2,04 điểm (+1,43%) lên 144,78 điểm, với 10 mã tăng và 3 mã giảm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 28,66 triệu đơn vị, giá trị 251,45 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khá đáng kể với 7,85 triệu đơn vị, giá trị hơn 84 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 4 triệu cổ phiếu PSI, giá trị 29,2 tỷ đồng.
Như đã nêu ở trên, trong phiên giao dịch sáng, khối ngoại đã hãm mạnh việc bán ra VNM, HPG và ngay khi bước vào phiên chiều, khối này cuống cuồng mua mạnh trở lại. Trong số 4,356 triệu cổ phiếu VNM và 2,944 triệu cổ phiếu HPG được khối ngoại mua vào trong phiên hôm nay, thì hầu hết trong đó được thực hiện tại phiên chiều. Trừ đi lượng bán ra, phiên này khối ngoại mua ròng gần 3 triệu cổ phiếu VNM và hơn 2,4 triệu cổ phiếu HPG, qua đó chính thức chấm dứt chuỗi 15 ngày ròng rã bán ra.
Đóng cửa, VNM tăng mạnh 2,8% lên 138.000 đồng/CP, thậm chí có lúc còn lên 142.000 đồng/CP và khớp lệnh 5,14 triệu đơn vị, mức cao nhất kể từ ngày 16/9/2016. Còn HPG tăng 4,3% lên 42.100 đồng/CP và khớp 6,1 triệu đơn vị.
VCB cũng được khối ngoại mua vào mạnh với 1,22 triệu đơn vị, qua đó mua ròng tổng cộng 0,25 triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ lên 35.200 đồng/CP và khớp 2,063 triệu đơn vị.
Ngoài các mã trên, khối ngoại cũng giao dịch tích cực mở một số mã bluechips khác như PPC, HSG, HCM…
Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh tại STB (hơn 2,17 triệu đơn vị), VIC (hơn 1 triệu đơn vị), BID, SSI… song chỉ STB là giảm điểm, còn lại đều tăng, cùng với đó là thanh khoản cao: STB, SSI đều khớp trên 1 triệu đơn vị, VIC, BID, HSG đều khớp trên 2 triệu đơn vị…
Mã ROS phiên này cũng có được mức tăng mạnh 5,5% lên 125.000 đồng/CP và khớp 2,14 triệu đơn vị, trong đó 1,19 triệu đơn vị được khớp trong đợt ATC.
Sự tích cực từ nhóm bluechips nói chung và vốn hóa lớn nói riêng đã lan tỏa ra nhiều cổ phiếu khác trong đó có nhóm cổ phiếu đầu cơ, khi nhiều mã tăng kịch trần như BGM, KPF, KSA, LCM, QBS, TNT, TTF, VNH… Tuy nhiên, những mã có thanh khoản dẫn đầu thì vẫn giảm điểm hoặc đứng tham chiếu.
Chẳng hạn, FLC giảm 4,2% về 5.900 đồng/CP và khớp 16,94 triệu đơn vị, dẫn đầu toàn thị trường; ITA đứng giá tham chiếu và khớp 7,4 triệu đơn vị, FIT cũng giậm chận tại tham chiếu và khớp 4,27 triệu đơn vị… Thực tế giao dịch cũng cho thấy, thanh khoản của những mã này đã giảm đáng kể trong phiên giao dịch chiếu, ví dụ FLC, cả phiên chiều chỉ khớp gần 4 triệu đơn vị.
HQC giảm sàn về 4.390 đồng/CP (-6,8%) và khớp 2,996 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại bán ròng mạnh gần 0,8 triệu đơn vị.
Trên HNX, các mã như NTP, PVS, LAS, DBC, VND, VCS, VC3… đồng loạt tăng điểm, trong khi sức nặng của nhóm dầu khí tiếp tục được hạn chế, đã giúp HNX tăng khá tốt.
Tâm điểm của sàn này vẫn là KLF, nhưng do nguồn cung đã cạn nên thanh khoản không được cải thiện, kết phiên giữ vững sắc tím 3.300 đồng/CP, khớp lệnh 5,65 triệu đơn vị và còn dư mua trần cùng ATC hơn 6,3 triệu đơn vị.