Sự tiêu cực ở 2 nhóm cổ phiếu trên nhanh chóng lan ra toàn thị trường khiến đà giảm càng về cuối càng mạnh. Trong khi thị trường tuột dốc thì cầu bắt đáy lại tỏ ra quá thận trọng, bởi vậy thanh khoản thị trường cũng không được cải thiện, tổng giá trị giao dịch chỉ đạt gần 2.300 tỷ đồng.
Đóng cửa, VN-Index giảm mạnh 8,95 điểm (-1,56%) xuống 565,2 điểm với 165 mã giảm và 56 mã tăng. Chỉ số VN30-Index cũng giảm tới 10,37 điểm (-1,36%) về 57,54 điểm với 25 mã giảm và 5 mã tăng.
Tổng giá trị giao dịch đạt 107,43 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.850,31 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với hơn 15,85 triệu đơn vị, giá trị hơn 316 tỷ đồng. Ngoài TDH và GMD, đáng chú ý trong giao dịch thỏa thuận chiều nay còn có hơn 2,67 triệu cổ phiếu AMD, giá trị 28,3 tỷ đồng; 1,3 triệu cổ phiếu HNG, giá trị 36,79 tỷ đồng; 2 triệu cổ phiếu MBB, giá trị 29,6 tỷ đồng; 1,5 triệu cổ phiếu PTC, giá trị 15 tỷ đồng…
Diễn biến VN-Index phiên 9/12 |
Còn với 118 mã giảm so với 72 mã tăng, HNX-Index giảm 0,54 điểm (-0,67%) về 79,65 điểm với 118 mã giảm và 72 mã tăng. Chỉ số HNX30-Index giảm 2,15 điểm (-1,55%) xuống 141,66 điểm với 21 mã giảm và 6 mã tăng.
Tổng giá trị giao dịch chỉ đạt 38,8 triệu đơn vị, giá trị 425,32 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 3,77 triệu đơn vị, giá trị hơn 46 tỷ đồng. Ngoài CEO, đáng chú ý còn có hơn 1,35 triệu cổ phiếu CEO được thỏa thuận, giá trị 16,3 tỷ đồng.
Diễn biến HNX-Index phiên 9/12 |
Việc các mã dầu khí giảm mạnh không có gì bất ngờ khi mà các mã này vốn chịu ảnh hưởng của giá dầu thế giới trong suốt thời gian vừa qua. Tuy nhiên, việc nhóm này càng lúc càng giảm mạnh về cuối phiên cũng đã “góp công” lớn trong việc kéo thị trường lao dốc. GAS giảm 600 đồng xuống 38.700 đồng/CP. PVD giảm 1.000 đồng xuống 29.000 đồng/CP và khớp 1,32 triệu đơn vị. PVS giảm 600 đồng xuống 18.100 đồng/CP và khớp 1,48 triệu đơn vị.
Trong số các mã dầu khí lớn, chỉ PLC đi ngược chiều thị trường với mức tăng mạnh 800 đồng lên 39.600 đồng/CP. Việc PLC tăng mạnh có lẽ xuất phát từ việc PLC sẽ trả 30% cổ tức bằng tiền và ngày mai (11/12) là ngày giao dịch không hưởng quyền.
Còn với nhóm ngân hàng, sau phiên tăng khá tốt ngày 8/12, nhóm này cũng đã bị chốt lời ngay khi bước vào phiên giao dịch sáng nay và áp lực đã mạnh hơn hẳn trong phiên chiều. VCB là mã giảm mạnh nhất khi mất tới 1.700 đồng, xuống còn 41.400 đồng. Tiếp đó là STB giảm 600 đồng, BID giảm 400 đồng, CTG giảm 300 đồng…
Đà giảm từ 2 nhóm cổ phiếu dẫn dắt này nhanh chóng lan ra nhiều mã lớn khác, trong đó bao gồm cả các mã trụ như VNM, VIC, MSN…, bởi vậy ,VN-Index khó thoát khỏi phiên giảm sâu. Trong khi HNX-Index giảm nhẹ hơn khi mã vốn hóa lớn ACB bất ngờ về được mốc tham chiếu 19.600 đồng, còn SHB cũng chỉ giảm tối thiểu 100 đồng. Cộng thêm lực đỡ dù nhỏ nhoi từ PLC, LAS, SD6, SD9…Tương tự, BVH, KDC, HSG, HVG là các bluechips xanh hiếm hoi của HOSE. KDC tăng 300 đồng lên 28.200 đồng/CP và khớp 1,98 triệu đơn vị.
Trong khi đó, giao dịch thị trường vẫn chỉ tập trung ở một số mã thị trường như HQC, OGC, DLG, ITA, KBC, FLC, SBT (HOSE) hay TIG, VIX, PVX, SCR, DCS… Ngoại trừ một số mã xanh như SBT, PVX còn lại hầu hết giảm điểm.
Gần như không ai dám xuống tiền với DLG trong phiên chiều nay, nên mã này vẫn giữ nguyên mức sàn và khớp 2,5 triệu đơn vị. FLC vươn lên khớp lệnh mạnh nhất HOSE, với gần 6,6 triệu đơn vị, kết phiên giảm 300 đồng xuống 7.900 đồng/CP. Còn HQC khớp 5,68 triệu đơn vị, giảm 200 đồng về 5.900 đồng/CP.
TIG vẫn dẫn đầu sàn HNX với 4,09 triệu đơn vị được khớp và giảm 1.00 đồng xuống 11.600 đồng/CP. DCS bất ngờ tăng trần 1.600 đồng lên 17.900 đồng/CP và khớp 1,48 triệu đơn vị. Ngược lại, KSQ tiếp tục nằm sàn ở mức 3.700 đồng/CP và khớp 1,18 triệu đơn vị.