Thời sự
Phiên toàn thể Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2019
Tại Phiên toàn thể Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2019 diễn ra chiều nay (19/9), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự, đồng điều hành và có bài phát biểu quan trọng.
TIN LIÊN QUAN

Tham dự Phiên toàn thể của Diễn đàn có ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam; ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng ông Ousmane Dione đồng chủ trì Phiên toàn thể.

Trước đó, trong buổi sáng, Diễn đàn đã có 2 phiên thảo luận về nội dung cải cách thể chế và đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng điều hành Phiên toàn thể VRDF 2019 (Ảnh: Đức Thanh)

VRDF 2019 diễn ra trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị kết thúc Chiến lược phát triển kinh tế - Xã hội 10 năm lần thứ ba của mình cho thời kỳ 2011-2020 để bước sang một thập kỷ, kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội phát triển mới đi liền với nhiều thách thức lớn.

Do đó, VRDF 2019 được tổ chức sớm hơn VRDF 2018 nhằm mục đích thu nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong nước và quốc tế có uy tín cho nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2020, phương hướng và nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 dự kiến trình Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 (Khóa XII) vào tháng 10 tới.

Đồng thời, VRDF 2019 sẽ cung cấp đầu vào cho việc xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 thông qua việc đề xuất các ưu tiên, các trọng tâm cải cách và phát triển cho giai đoạn phát triển tới của đất nước.

Chủ đề và nội dung của VRDF 2019 được lựa chọn mang tính bao trùm hơn, bao gồm cả các vấn đề về cải cách thể chế kinh tế thị trường, đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và ưu tiên và hành động vì một Việt Nam thịnh vượng.

 
09/19/2019 14:25

Mở đầu Phiên toàn thể, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tóm tắt kết quả Phiên 1 và Phiên 2 của Diễn đàn VRDF 2019 diễn ra buổi sáng. Bộ trưởng nhấn mạnh, 10 bài trình bày của các chuyên gia hàng đầu và hai phần thảo luận chung với các ý kiến bình luận, trao đổi rất có giá trị.

Tóm tắt nội dung Phiên 1 và Phiên 2 của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Nội dung Phiên 1 và Phiên 2 của Diễn đàn VRDF 2019

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tóm tắt nội dung các phiên làm việc buổi sáng (Ảnh: Đức Thanh)
 
09/19/2019 14:42

Tiến lên trên chuỗi giá trị toàn cầu nhằm tăng năng suất

Bà Pinelopi Koujianou Goldberg (Ảnh: Đức Thanh)

Là chuyên gia đầu tiên trình bày tham luận trong Phiên toàn thể, bà Pinelopi Koujianou Goldberg, Chuyên gia kinh tế trưởng, Nhóm Ngân hàng Thế giới chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và hàm ý đối với Việt Nam trong việc tiến lên trên chuỗi giá trị toàn cầu nhằm tăng năng suất.

Theo bà Goldberg, một chuỗi giá trị là tất cả các khâu, các bước trong kinh doanh để đưa sản phẩm, dịch vụ từ dây chuyền đến nhà kho, người dùng, xuyên biên giới. Các quốc gia có thể gia chuỗi giá trị toàn cầu theo nhiều cách khác nhau. Việt Nam đang tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cả trong công đoạn trước và sau, nhưng mới ở mức hạn chế.

Bà Goldberg khuyến nghị, Việt Nam cần ưu tiên tăng tỷ trọng giá trị nội đia.

Để chuyển sang sản xuất công nghiệp và dịch vụ tiên tiến trong chuỗi giá trị toàn cầu, mức độ mở cửa thương mại của nền knih tế và kỹ năng người lao động là nhân tố quyết định. Bên cạnh đó, chống lại sự cám dỗ của các chính sách bảo hộ, tham gia sâu vào các hiệp định thương mại sẽ làm tăng trưởng chuỗi giá trị toàn cầu.

 
09/19/2019 15:00

Chúng tôi đã sai khi chỉ tập trung vào giáo dục đại học

Chia sẻ kinh nghiệm vượt bẫy thu nhập trung bình với Việt Nam, ông K. Yogeevaran, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp trồng trọt và Hàng hóa Malaysia, cho biết, Malaysia đã sai khi chỉ tập trung vào giáo dục đại học, mà lơ là đào tạo nghề. Đây cũng chính là vấn đề mà Việt Nam đang gặp phải.

Ông K. Yogeevaran (Ảnh: Đức Thanh)

Dẫn câu chuyện Hàn Quốc chỉ mất 26 năm để nâng cấp nền kinh tế từ thu nhập thấp lên thu nhập cao, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp trồng trọt và Hàng hóa Malaysia K. Yogeevaran cho biết, Malaysia dù đã tăng trưởng nhanh nhưng vẫn chưa được như mong muốn.

“Chúng tôi đã mất 27 năm để đi từ một nền kinh tế thu nhập thấp lên thu nhập trung bình, và mất 22 năm để đi từ một nền kinh tế có thu nhập trung bình lên thu nhập cao”, ông K. Yogeevaran nói.

Vấn đề của Malaysia, theo ông K. Yogeevaran, còn là tăng trưởng không đồng đều giữa các vùng miền, các khu vực khác nhau, phân bổ chưa công bằng, năng suất lao động cũng thấp, TFP giảm theo thời gian, chi phí sống tăng lên, dư địa tài khóa hạn hẹp, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung…

“Mặc dù chúng tôi cũng đã tiếp nhận nhiều FDI, nhưng có giai đoạn phần lớn FDI cũng chỉ đầu tư vào công nghệ thấp, vào các ngành thâm dụng lao động”, ông K. Yogeevaran thừa nhận.

Một vấn đề nữa với Malaysia, như chia sẻ của ông K. Yogeevaran, là sự mất cân đối ở thị trường lao động, khi mà có tới 48% nhân lực là lao động có kỹ năng, trong khi nhu cầu của thị trường chỉ là 5%. Điều này cũng dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ tương đối cao, do đối tượng này thường được đào tạo bài bản ở bậc đại học.

“Chúng tôi đã sai khi thúc đẩy đào tạo nhiều vào bậc đại học mà lơ là đào tạo nghề. Tới đây, chúng tôi sẽ tập trung nhiều vào đào tạo nghề”, ông K. Yogeevaran thừa nhận.

Chia sẻ kinh nghiệm của Malaysia, ông K. Yogeevaran cũng cho biết, vấn đề của đất nước này cũng là “năng suất”, giống như Việt Nam. “Vấn đề năng suất phải được xử lý ở cả 3 cấp, bao gồm cấp độ can thiệp là quốc gia, ngành và doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp phải đóng vai trò tiên phong và có vai trò quan trọng”, ông K. Yogeevaran nói.

Trong khi đó, về đổi mới sáng tạo, với Malaysia, đây cũng là “chủ đề mới” và Malaysia cũng đang chuyển đổi hành động, làm sao chuyển ý tưởng, sáng kiến thành sản phẩm để có giá trị gia tăng cao hơn.

“Để trở thành quốc gia có thu nhập cao, chúng tôi xác định, phải tăng cường vào vốn con người; chuyển đổi sang các ngành phức hợp và giá trị cao trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ cho chế tạo và chế biến; giải quyết chênh lệch thu nhập và bất cân đối vùng miền để phát triển bao trùm; tăng cường bền vững môi trường qua tăng trưởng xanh; cải cách thể chế và quản trị nhà nước; nâng cao năng suất ở cả 3 cấp độ can thiệp là quốc gia, ngành và doanh nghiệp; và đổi mới sáng tạo để hướng tới thịnh vượng”, ông K. Yogeevaran nói.

Kết luận bài phát biểu của mình, ông K. Yogeevaran nhấn mạnh, bài học rút ra là tăng trưởng dựa vào đầu vào sẽ không bền vững trong dài hạn, mà cần tăng trưởng dựa vào năng suất và đổi mới sáng tạo; đổi mới sáng tạo cần được định hướng để tạo giá trị và lợi ích kinh tế; phải cải cách thể chế và quản trị để hình thành hệ sinh thái hỗ trợ và đảm bảo rằng, FDI sẽ đem lại lợi ích tối đa cho nền kinh tế trong nước.

“Chúng tôi cũng xác định phải cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước và tăng cường phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông K. Yogeevaran nói.

 
09/19/2019 15:06

Các chuyên gia trao đổi tại bên lề Diễn đàn:

Ảnh: Đức Thanh
Ảnh: Đức Thanh
 
09/19/2019 15:23

Chuyển dịch Việt Nam lên tầm phát triển mới

TS. Jan Rielaender (Ảnh: Đức Thanh)

Trình bày tham luận với chủ đề "Chuyển dịch Việt Nam lên tầm phát triển mới: Lộ trình và kinh nghiệm quốc tế", TS. Jan Rielaender, Trưởng Bộ phận Đánh giá quốc gia đa chiều (MDCR) của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho rằng, các khu vực khác nhau ở Việt Nam có chênh lệch lớn về tốc độ phát triển và Việt Nam cần có giải pháp cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng suất để khắc phục tình trạng này.

Giá trị GDP của Việt Nam đạt ở mức trung bình, nhưng Việt Nam đạt kết quả tốt về phát triển hạ tầng, nhà cửa, giáo dục và chăm sóc y tế.

Tuy nhiên, vấn đề việc làm hay ô nhiễm môi trường do tăng trưởng nhanh gây ra đang là thách thức đáng kể đối với nền kinh tế. Biến đổi khí hậu ngày càng trở thành vấn đề đáng lo ngại như hạn hán… ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách phải có kế hoạch phát triển gắn với giảm thiểu tác động môi trường, đặc biệt ở các thành phố lớn.

Về mặt thể chế, Việt Nam cần cải thiện tính minh bạch và khả đoán trong việc thực thi pháp luật, để doanh nghiệp nắm bắt thị trường vận hành ra sao và cho đúng theo quy định pháp luật.

OECD đang cố gắng xây dựng và cung cấp khung ưu tiên cho phía Việt Nam, trong đó đề cập đến việc tập trung liên kết các thành phần trong chuỗi giá trị, tăng cường kết nối giữa khu vực công - tư, ưu tiên cho đầu tư giáo dục, đảm bảo bền vững môi trường.

 
09/19/2019 15:59

Một Việt Nam không ngừng mơ ước

Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Phát triển quốc tế Úc (AusAid) và các đối tác phát triển của Việt Nam tổ chức Diễn đàn Thường niên về Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ hai với chủ đề: Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và Hành động.

“Diễn đàn lần này với nội dung bao trùm hơn, sự tham gia rộng rãi hơn của các nhà hoạch định chính sách, các đối tác phát triển, các chuyên gia trong, ngoài nước, khu vực tư nhân…”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, mục tiêu quan trọng nhất của Diễn đàn năm nay là cung cấp đầu vào giúp Việt Nam xây dựng Chiến lược phát triển 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 2021-2025”; đồng thời, là dịp để các học giả, chuyên gia quốc tế trao đổi, thảo luận về những phương hướng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cũng như Việt Nam chia sẻ với các nước có cùng trình độ phát triển kinh nghiệm về thành công và thất bại của mình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Diễn đàn (Ảnh: Đức Thanh)

Chia sẻ về “một Việt Nam không ngừng mơ ước”, Thủ tướng cho biết, vào những thập niên đầu sau chiến tranh, đất nước Việt Nam khi đó còn muôn vàn khó khăn, tỷ lệ nghèo đói rất cao, những gia đình Việt Nam chỉ mơ ước có được bữa cơm no, có áo mặc ấm, con em được đến trường học hành tử tế, một cuộc sống không còn đói rét và vất vả.

Từ năm 1986, công cuộc Đổi mới lan tỏa sâu rộng, đã chắp cánh cho bao giấc mơ được hiện thực hóa, để rồi hơn 70 triệu người, gần 1,3% dân số thế giới, trong những thập niên sau đó, đã vươn lên vượt qua cái đói, cái nghèo, muôn nhà ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành như chính mong ước bình dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong 30 năm Đổi mới, kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng cao và đó là cơ sở để tỷ lệ đói nghèo ở mức rất cao là 53%, năm 1992 (tính theo mức 1,9 USD/ngày và theo tỷ giá PPP năm 2011), giảm 10 lần còn 5,23% năm 2018, theo chuẩn nghèo đa chiều. Đồng thời tầng lớp trung lưu cũng tăng lên hơn 15% dân số và đang tăng nhanh. "Xét về quy mô dân số, có thể nói rằng đây là một trong những cuộc vượt đói nghèo vĩ đại trong lịch sử các nước", Thủ tướng nhấn mạnh.

Những trẻ em sinh ra từ thập niên đầu Đổi mới nay đã trưởng thành. Có những ước mơ trong họ nay đã thành hiện thực, nhiều người có thể đã là thầy cô giáo, bác sỹ, kỹ sư, luật sư, ca sỹ, vận động viên… song có thể vẫn còn đó nhiều ước mơ dang dở với nhiều day dứt.

Những con trẻ ngày nay đang lớn lên trong điều kiện cuộc sống tốt đẹp hơn trước và có những ước mơ tiếp nối mơ ước của các bậc cha mẹ, thế hệ đi trước với những khát vọng bay cao hơn, vươn xa hơn. Chúng ta có vinh dự, trách nhiệm để nuôi dưỡng, tiếp sức cho những ước mơ đó trở thành hiện thực.

“Phải chăng điều đó là sự tương đồng với phát biểu “Chúng ta trở nên lớn lao bởi những ước mơ”  của vị Tổng thống Hoa Kỳ thứ 28, ngài Woodrow Wilson”, Thủ tướng nói.

 
09/19/2019 16:37

Với quan điểm nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém, Thủ tướng đồng tình với nhiều nhận định xác đáng của các chuyên gia quốc tế về những tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro; khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài của Việt Nam còn yếu; năng lực tiếp cận nền kinh tế số còn nhiều hạn chế. Gần đây, tốc độ tăng GDP có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu còn cao. Năm 2018, dân số Việt Nam đứng thứ 3 trong ASEAN, nhưng quy mô kinh tế là thứ 6… 

"Những hạn chế yếu kém đó không làm chúng tôi chùn bước mà càng thôi thúc chúng tôi không chỉ có khát vọng, ước mơ mà phải hành động, phải vươn lên mạnh mẽ và trong tiến trình còn nhiều gian khó thách thức này rất mong có sự hợp tác, đồng hành của quý vị và cộng đồng quốc tế", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Theo Thủ tướng, Việt Nam xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều biến động, khó lường với nhiều dự báo đầy lo âu về căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, suy thoái kinh tế, thương mại toàn cầu, biến đổi khí hậu nặng nề,...

Trong tình hình đó, đòi hỏi Việt Nam phải có bản lĩnh vững vàng, phát huy những thành tựu, kinh nghiệm vừa qua để tự tin tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng và phát huy nguồn nhân lực với những quan điểm và hành động mạnh mẽ.

Thủ tướng nêu 5 định hướng, đó là:

Thứ nhất là phải gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định chính trị xã hội cho phát triển nhanh, bền vững;

Thứ hai là thực hiện Đổi mới mạnh mẽ thể chế kinh tế, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện đại hội nhập, phục vụ người dân, doanh nghiệp, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số;

Thứ ba là phát huy nội lực, giải phóng các nguồn lực tiềm năng trong xã hội trên cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ mới, phát triển khu vực tư nhân năng động, sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, động lực cho phát triển; đặc biệt là đầu tư cho giáo dục thế hệ trẻ dám ước mơ, dám hành động để vươn xa.

Thứ tư là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có sức chống chịu và khả năng thích ứng cao; thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững SDG 2030 của LHQ mang thịnh vượng đến mọi nhà, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ năm là mở rộng đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện hiệu quả các Hiệp định FTA đã ký, tích cực tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu...

 
19/09/2019 17:00

Doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới thu được “tiền lẻ” khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu

Thủ tướng cho biết, tăng trưởng thương mại, GDP tích cực của Việt Nam thời gian qua là nhờ sự nỗ lực hợp tác FDI, tham gia các Hiệp định FTA quy mô lớn, theo đó đã hướng được “dòng chảy” đi qua Việt Nam của các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, điển hình như hợp tác sản xuất và xuất khẩu hàng hóa “có địa chỉ” nằm trong các kênh phân phối của Samsung, LG, Fujitsu, Aeon, Nestle, Nike, Intel,…

Tuy vậy, chỉ mới có 21% doanh nghiệp Việt Nam tham gia liên kết với chuỗi cung ứng nước ngoài, thấp hơn tỷ lệ của Thái Lan là 30%, Malaysia là 46%. Tỷ lệ nội địa hóa bình quân của Việt Nam mới đạt 33%, nên mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp , doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới thu được “tiền lẻ” khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.

 
19/09/2019 17:01

Nâng cao “quốc lực” để tự tin phát triển nhanh, bền vững

"Không có cách nào khác là Việt Nam phải hành động vươn lên, phát huy nguồn nhân lực năng động, sáng tạo", Thủ tướng nói và lưu ý, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới nhằm nâng cao trình độ để ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, mạnh mẽ tiến lên những “nấc thang” có giá trị gia tăng cao hơn, thu được nhiều hơn khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhìn rộng ra, phải chăng đây là một phương cách để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế, góp phần giúp Việt Nam nâng cao “quốc lực” để tự tin phát triển nhanh, bền vững, không bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình. "Bẫy thu nhập trung bình đe dọa trực tiếp đến sự phát triển của Việt Nam", Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn VRDF 2019 (Ảnh: Đức Thanh)

Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương lắng nghe những chia sẻ về kinh nghiệm và kiến thức quốc tế, những ý kiến nhận định, đề xuất của các chuyên gia quốc tế và trong nước, để tìm ra những cách làm phù hợp cho Việt Nam, đóng góp trực tiếp cho việc hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, trở thành nước công nghiệp, thuộc nhóm dẫn đầu các nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa  vào năm 2045.

 
19/09/2019 17:06
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng các diễn giả, chuyên gia (Ảnh: Đức Thanh)
 
09/19/2019 17:20

6 định hướng phát triển để Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng

Là diễn giả cuối cùng phát biểu đề dẫn tại Diễn đàn VRDF 2019, ông Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển đã đề cập 6 định hướng quan trọng để Việt Nam có thể trở thành quốc gia thịnh vượng.

Ông Bùi Tất Thắng (Ảnh: Đức Thanh)

Thứ nhất, phải nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. 

“Mặc dù đã trải qua gần 35 năm chuyển sang nền kinh tế thị trường với rất nhiều cải cách về thể chế và đến nay, những yếu tố và các quan hệ thị trường đã phủ khắp mọi hoạt động của nền kinh tế; nhưng chất lượng của thể chế kinh tế thị trường vẫn còn thấp và chưa đồng đều ở các ngành nghề, lĩnh vực; chưa đồng bộ, đầy đủ để bảo đảm thị trường vận hành thông suốt theo nguyên tắc thị trường”, ông Thắng nói.

Bên cạnh đó, thị trường chưa thực sự là cơ sở, căn cứ để huy động và phân bổ các nguồn lực phát triển. Chất lượng của một số văn bản pháp lý chưa cao, chưa đủ rõ ràng, minh bạch và còn chồng chéo. Việc thực thi pháp luật còn nhiều vướng mắc khiến cho môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, an toàn, lành mạnh và nhất quán…

“Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra trước mắt là phải nhanh chóng hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế. Nhiệm vụ này là tiếp tục thực hiện một trong ba đột phá chiến lược ‘hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ được nêu trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 nhưng không phải trọng tâm chỉ đạo là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính, mà còn phải bao quát một phạm vi rộng hơn, với trọng tâm chính xây dựng bộ máy nhà nước có cấu trúc và phương thức hoạt động phù hợp, hiệu lực và hiệu quả theo tinh thần Nhà nước pháp quyền, kiến tạo phát triển, cung cấp dịch vụ công đầy đủ, kịp thời cho người dân và doanh nghiệp”, ông Thắng nhấn mạnh.

Thứ hai là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế một cách thực chất để nhanh chóng định hình mô hình tăng trưởng kinh tế mới.

“Thời gian qua, tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng đã làm được nhiều việc và đạt được nhiều kết quả tốt, nhưng việc ‘gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng’ thì chưa thực sự rõ nét. Một mô hình tăng trưởng mới dựa trên tăng năng suất lao động, trình độ công nghệ - kỹ thuật sản xuất cao chưa được hình thành”, ông Thắng thừa nhận.

Thứ ba, phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực chủ yếu của mô hình tăng trưởng kinh tế mới. 

Thứ tư, phát triển mạnh mạng lưới kết cấu hạ tầng và hệ thống đô thị. Đây chính là một trong ba nội dung của đột phá chiến lược thời kỳ 2011 - 2020. 

Thứ năm là tập trung phát triển con người và văn hóa - xã hội.

Thứ sáu là bảo vệ tốt môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu. 

“Thực tế kinh nghiệm phát triển kinh tế nhanh của một số quốc gia gần đây như Trung Quốc hay Việt Nam cho thấy, đã có những bài học cần được nghiêm túc xem xét của thời kỳ chiến lược 2011-2020. Con người ngày càng nhận ra rằng, việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học có ý nghĩa cực kỳ to lớn đối với cuộc sống của con người và mức độ bền vững về kinh tế”, ông Thắng khẳng định.

 
19/09/2019 17:30

Các diễn giả và đại biểu tham gia phiên thảo luận chung.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và ông Ousmane Dione đồng điều hành phiên thảo luận (Ảnh: Đức Thanh)
Bà Caitlin Wiesen, Điều phối viên lâm thời của Liên hợp quốc tại Việt Nam, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam (Ảnh: Đức Thanh)
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế (Ảnh: Đức Thanh)
 
09/19/2019 17:47

Phát biểu trao đổi tại diễn đàn, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, cần đánh giá kỹ lưỡng kết quả phát triển kinh tế xã hội 10 năm qua ra sao, bao trùm đến đâu, còn điểm nghẽn gì để tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Đối với giai đoạn 2021-2030, ông Lực cho rằng cần làm ra mối quan hệ giữa ba yếu tố: phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, bao trùm, bởi chúng ta thường lúng túng xác định các tiêu chí này.

Hiện có nhiều tiêu chí về phát triển bền vững như trong Quyết định 622/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành năm 2017 hay chiến lược phát triển bền vững năm 2030… Do vậy, sắp tới cần xây dựng những tiêu chí tinh gọn, đắt hơn.

Về giải pháp cho thời gian tới, ông Lực cho rằng chúng ta dường như chưa rõ chọn đâu là đột phá trong giai đoạn tới, phải chăng vẫn là 3 đột phá được xác định năm 2011.

 
19/09/2019 17:49

Việt Nam vẫn có thể phát triển ổn định trước sự giảm tốc của kinh tế thế giới

Giải đáp các kiến nghị đề xuất, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chúng ta đã thực hiện đánh giá rất kỹ, “công phu” trên tất cả mọi mặt phát triển kinh tế xã hội 10 năm qua, trong đó lưu ý đánh giá phát triển bền vững, bao trùm…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Hồng Hạnh)

Quan điểm của Tổ biên tập là nền kinh tế Việt Nam đang ổn định tốt, nên chúng ta cần tiếp tục mục tiêu duy trì phát triển ổn định, nhưng vẫn hướng đến tăng trưởng cao hơn mà vẫn bền vững. Làm thế nào để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước… trở thành những bài toán cần giải quyết. Do đó, đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới, để đi nhanh hơn, bền vững hơn.

Qua các cuộc làm việc gần đây với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chuyên gia nhà khoa học Hoa Kỳ đều đề xuất nhấn mạnh đến vấn đề xã hội; rõ ràng cách tiếp cận nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã thay đổi, hướng về các vấn đề xã hội.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các chuyên gia thế giới nhận định kinh tế thế giới có xu hướng giảm tốc thời gian tới, đây là xu hướng không thể đảo ngược. Các chuyên gia khuyến nghị nếu tìm ra con đường phù hợp, Việt Nam vẫn có thể phát triển ổn định trước sự giảm tốc của kinh tế thế giới.

Về giải pháp đột phá, Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá: phát triển hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong 10 năm tới, 3 đột phá này vẫn còn nguyên giá trị. Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện 3 đột phá này hiệu quả hơn nữa. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề xuất 2 nội dung trọng tâm mới: đổi mới sáng tạo và phát huy được giá trị văn hóa và con người Việt Nam - đây là nguồn lực mềm to lớn và nếu được khơi dậy và tạo môi trường phát triển thì sẽ tạo sức mạnh phát triển vô giá.

Sau phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019 đã bế mạc, hoàn thành và kết thúc tốt đẹp mục tiêu của chương trình.

Tin liên quan
Tin khác