Vinasun “tố” Grab vi phạm Quyết định 24
Mở đầu buổi xét xử, luật sư bên phía nguyên đơn đã đưa ra một số ý kiến phản biện, đối đáp với nội dung trình bày của bị đơn tại phiên trước. Cụ thể, đại diện Vinasun cho rằng, khi thực hiện đề án 24, Grab đã hoạt động như một doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi. Chưa kể, việc xử phạt tài xế là trái với pháp luật và trái với Quyết định 24.
. |
Ông Trương Đình Quý, Phó tổng giám đốc Vinasun cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh taxi như Vinasun phải đóng thuế VAT 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, các loại bảo hiểm theo quy định cho lái xe là 32%. Trong khi đó, Grab được áp thuế VAT là 3%, thuế kinh doanh phần mềm 2% (tổng cộng là 5%) và không bị ràng buộc bởi các loại bảo hiểm đối với lái xe, “Dù kinh doanh cùng dịch vụ nhưng khách hàng đã đổ dồn vào sử dụng xe của Grab chứ không phải của Vinasun vì có giá thành rẻ hơn. Nhưng trên thực tế, vào giờ cao điểm thì khách hàng lại sử dụng taxi truyền thống bởi giá của Grab đã thay đổi”, ông Quý nói.
Đại diện Vinasun cũng cho biết thêm, trên thực tế, thiệt hại của Vinasun như giảm giá trị doanh nghiệp, giảm lợi nhuận và tăng chi phí phát sinh... nhiều hơn con số mà công ty giám định thiệt hại đưa ra. Nhưng vì để nhanh chóng ngăn thiệt hại nên Vinasun chỉ kiện Grab và đòi bồi thường với số tiền 41,2 tỷ đồng, nhỏ hơn mức thiệt hại rất nhiều (?).
“Chúng tôi vẫn giữ nguyên nội dung khởi kiện và số tiền yêu cầu Grab bồi thường như ban đầu”, đại diện nguyên đơn nhấn mạnh.
Grab phản pháo
Phản đối những ý kiến trên của phía nguyên đơn, Luật sư Lưu Tiến Dũng, người đại diện bảo vệ quyền lợi cho Grab chia sẻ, luật sư bên nguyên đơn và đại diện đã sai khi nói bị đơn thừa nhận việc điều xe khi khách hàng có nhu cầu.
“Chúng tôi hoàn toàn không điều động xe, mà trên thực tế, với sự trợ giúp của công nghệ, Grab chỉ cung cấp phần mềm giúp tài xế kết nối với khách hàng”, Luật sư Dũng nhấn mạnh.
Còn đối với việc nguyên đơn cho rằng việc Grab xử phạt tài xế là vi phạm pháp luật và trái với Quyết định 24... đại diện Grab cho biết, đây là hành động để bảo vệ người tiêu dùng, nếu Grab vi phạm pháp luật thì đây là nhiệm vụ và chức năng của các cơ quan chức năng. Điều đáng nói là việc Grab xử phạt tài xế không hề ảnh hưởng gì đến Vinasun.
Hơn nữa, về thiệt hại của Vinasun, nguyên đơn không chứng minh được rằng việc làm của bị đơn là lý do trực tiếp và duy nhất. Trên thực tế, việc sụt giảm doanh thu của nguyên đơn bị tác động bởi rất nhiều yếu tố. Chưa kể, kết quả giám định của đơn vị thứ 3 đến nay vẫn còn nhiều nghi vấn. Do đó, “Grab kiến nghị HĐXX cân nhắc lại kết quả giám định của đơn vị thứ 3 là Công ty Cửu Long”.
Bổ sung thêm phần tranh luận của Grab, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam cho biết, đại diện nguyên đơn cho rằng Grab vi phạm đề án 24 cũng như pháp luật địa phương. Nhưng trên thực tế, chính Vinasun từng vi phạm Quyết định 24. Cụ thể, tại phiên xét xử lần trước, chính nguyên đơn thừa nhận việc kinh doanh Vcar là không có hợp đồng điện tử cũng như hợp đồng giấy….
Hơn nữa, Vinasun cho rằng, chương trình khuyến mại của Grab là vi phạm pháp luật nhưng trong năm 2016, chính Vinasun cũng có nhiều chương trình khuyến mại. Trong đó có chương trình giá 0 đồng, và mô hình này không được Bộ Tài chính ủng hộ nhưng phía Vinasun vẫn thực hiện.
“Phía nguyên đơn cho rằng, chúng tôi vi phạm pháp luật và tạo thiệt hại cho nguyên đơn nên kiện ra tòa để đòi bồi thường. Vậy tôi xin hỏi, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phía nguyên đơn đã làm được gì chưa? Đã từng xem xét việc kinh doanh của mình như giảm giá cước, tăng chất lượng dịch vụ không?... Câu trả lời là không nên mới kiện chúng tôi?", ông Lim nói.
Phát biểu trong phần xét hỏi buổi chiều, ông Jerry Lim cho biết, “Grab đã có dịp tiếp cận lời khai của 9 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) vận tải và có một số hợp tác xã được triệu tập lấy lời khai có đội xe khá nhỏ. Căn cứ vào các lời khai của HTX và đối tác vận tải, chúng tôi cho rằng các HTX đã không có cơ hội đưa ra những lời khai mang tính toàn diện về quan hệ hợp tác chia sẻ lợi ích chung giữa họ và Grab, cũng như về những nội dung họ đã ủy quyền cho Grab để thực hiện nhằm hỗ trợ việc quản lý hoạt động kinh doanh doanh vận tải một cách hiệu quả nhất khi ứng dụng khoa học công nghệ. Ngoài ra, các lời khai này cũng không phản ánh sự thật về các mối quan hệ và lợi ích chung hiện nay mà chúng tôi đang có với hơn 300 doanh nghiệp vận tải và HTX - những đơn vị được thụ hưởng lợi ích từ nền tảng công nghệ mở và toàn diện của Grab”.
Do vậy, theo đại diện Grab, Tòa án dựa vào lời khai của các HTX nhỏ, thay vì của các HTX có đội xe hơn 10.000 xe, để đưa ra những nhận định, xem xét bản chất hoạt động kinh doanh của Grab, giả định rằng Tòa án có thẩm quyền được làm điều này trong một vụ án dân sự. Mô hình hợp tác kinh doanh giữa Grab và các đối tác kinh doanh vận tải về cơ bản hoàn toàn phù hợp với đề án thí điểm theo Quyết Định 24 của Bộ Giao thông Vận tải, đề án đưa ra các quy định phù hợp nhằm phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực kết nối vận tải trong giai đoạn chờ đợi Chính Phủ ban hành một khung pháp lý hoàn thiện cho hoạt động này.
Mô hình kinh doanh của các hợp tác xã đã phát triển vượt bậc kể từ khi Chính phủ cho phép triển khai xe hợp đồng điện tử tại Việt Nam. Thông qua cơ hội được hợp tác với các nền tảng công nghệ như Grab, các HTX này có thể quản lý tài xế và đội ngũ phương tiện hiệu quả hơn và điều này dẫn đến kết quả là có doanh thu và lợi nhuận cao hơn, từ đó đóng góp nhiều thuế hơn vào ngân sách nhà nước và góp phần phát triển đất nước. Lợi ích từ mô hình kinh tế chia sẻ này là hoàn toàn tương thích với chính sách phát triển của đất nước trong thời đại thúc đẩy phát triển công nghệ cao, một điều mà liên tục được khẳng định bởi Chính phủ Việt Nam trong suốt những năm qua.
Kết thúc buổi xét xử thứ 4, cả 2 bên đều đã đưa ra ý kiến của mình và không có gì bổ sung thêm. Đại diện HDXX cho biết, ngày mai sẽ tiếp tục xét xử vào buổi chiều và nghe phát biểu của đại diện VKS.
Phóng viên Báo Đầu tư sẽ tiếp tục ghi nhận sự việc và thông tin tới độc giả khi có tình tiết mới.