“Trong thời gian này, cả tỉnh sẽ tập trung khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân di dời, khôi phục sản xuất. Vì vậy, rất mong người dân đồng lòng, phối hợp, không nên tụ tập đông người phản ứng sẽ ảnh hưởng tại địa phương và bắt đầu ảnh hưởng đến hình ảnh thủy sản Việt Nam, hình ảnh con tôm trên trường quốc tế và nhất là làm cuộc sống của bà con vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn”- mở đầu buổi họp, ông Trần Hữu Thế mong muốn.
Tôm hùm thương phẩm đến kỳ thu hoạch bỗng nhiên lăn đùng ra chết |
Ước thiệt hại 700 tỉ đồng
Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, vùng nuôi tôm hùm lồng vịnh Xuân Đài tập trung tại xã Xuân Phương và phường Xuân Yên có 13.300 lồng, trong đó xã Xuân Phương có 7.150 lồng/631 hộ hộ với tỉ lệ 60% tôm bông và 40% tôm xanh; Phường Xuân Yên tổng số lồng nuôi 3.200 lồng tôm ương và 2.950 lồng tôm thịt với 315 hộ nuôi; trong đó tôm xanh chiếm 70%, tôm bông chiếm 30%.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có những diễn biến bất thường, không những vậy, các hộ dân nuôi tôm hùm phản ánh vào giữa tháng 5 xảy ra hiện tượng nước có màu đỏ, một số loài cá, cua, ghẹ... ở tầng đáy bị chết bất thường, nổi lên mặt nước. Kết quả khảo sát sơ bộ của Chi cục Chăn nuôi và Thú y ngày 19/5 cho thấy cá tự nhiên chết không có biểu hiện bệnh lý.
Cao điểm từ ngày 24/5 trên địa bàn thị xã Sông Cầu thời tiết nắng nóng, mưa dông lớn, nước trong khu vực nuôi chuyển sang màu nâu đỏ; tôm hùm chết hàng loạt nhất là các lồng đặt sát đáy. Theo thống kê các xã, phường có tôm chết đến 9g30 ngày 1/6, đã có 769.175 con tôm chết/502 hộ tại các vùng nuôi với số lượng lớn (từ 350 – 400 tấn), ước thiệt hại trên 700 tỉ đồng. Trong số các hộ nuôi bị thiệt hại, tỷ lệ nuôi mất trắng đến 70-80%, số còn lại đều thiệt hại trên 50%, đời sống các hộ dân khó khăn và bị áp lực về nợ nần.
Để xác định nguyên nhân, từ ngày 11/5, từ đề nghị của UBND tỉnh Phú Yên, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Tổng Cục thủy sản, Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Trung; Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III; Đề tài nghiên cứu về tôm hùm của Đại học Nông lâm Thủ Đức phối hợp với Chi cục Thủy sản Phú Yên... lấy mẫu môi trường và mẫu tôm hùm để phân tích, tổng hợp kết quả phân tích từ ngày 11-26/5. Kết quả ban đầu cho thấy: cảm quan nước có mùi hôi tanh, màu chuyển sang nâu không bình thường; nước đục; hàm lượng ô xy hòa tan thấp; nhiệt độ trong nước cao; Hàm lượng tại vị trí ven bờ vượt ngưỡng cho phép; hàm lượng chất hữu cơ và sulfua trong mẫu trầm tích cao...
Từ Sông Cầu, đừng đánh mất hình ảnh Thủy sản Việt Nam
Hiện nay, tỉnh Phú Yên đang chỉ đạo các Sở, ngành địa phương liên quan giúp hỗ trợ người dân đưa lồng nuôi tôm lên gần mặt nước để đảm bảo các điều kiện sống của tôm, san thưa mật độ trong lồng, di chuyển lồng đến địa điểm phù hợp.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tri Phương, do số lồng nuôi quá nhiều nên di chuyển không kịp. Vì vậy, Sở kêu gọi bà con khẩn trương thu hoạch tôm hùm nuôi lồng đã đạt kích cỡ thương phẩm, sử dụng viên ô xy treo ở các góc độ tạo dưỡng khí cho tôm.
Buổi họp đánh giá tình hình thiệt hại tôm hùm chết và bàn phương án hỗ trợ người nuôi. |
Về việc có công bố tình trạng thiên tai không, ông Thế cho rằng hiện nay, vấn đề cấp bách là chỉ đạo Sở NN&PTNT xem xét các mức độ để tham mưu UBND tỉnh xem có công bố tình trạng thiên tai hay không. Mà điều này, theo ông Thế phụ thuộc vào kết quả kiểm nghiệm bệnh phẩm.
“Do tôm chết trên diện rộng, phải lấy mẫu ở nhiều điểm khác nhau dẫn đến chỉ số kiểm định sẽ khác nhau, nên để kết luận được, về phía tỉnh chuyên môn có giới hạn đã đề xuất Bộ NN&PTNT, Bộ TN-MT, các cơ quan chức năng có sự hỗ trợ, cùng đưa ra những kết quả kiểm định mẫu đó ở nhiều vị trí thu thập khác nhau để có đối chiếu, so sánh, lúc đó mới đưa ra kết luận khách quan, đúng đắn nhất. Chưa có kết quả kiểm định cụ thể tôm chết vì dịch hay do thiên tai nên chưa có cơ sở để công bố tình trạng thiên tai”- ông Thế nhấn mạnh.
Về những thiệt hại của người nuôi và nguy cơ lâm vào nợ nần, tái nghèo, theo ông Thế, UBND tỉnh đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Chính sách - Xã hội. Dù chưa có công bố nguyên nhân và mức độ thiệt hại nhưng các Ngân hàng đã rà soát danh sác các hộ là khách hàng để có sự chuẩn bị các phương án xử lý. Số người dân thiệt hại đã rõ rồi, nhưng chắc chắn sau thiệt hại này, sẽ có một số hộ dân rơi vào nguy cơ tái nghèo, hộ nghèo sẽ xuất hiện nên địa phương rà soát báo cáo để các ngân hàng có chính sách phù hợp.
Ông Thế cho rằng qua sự việc lần này, để tái cho vay sản xuất thì người dân cũng phải đảm bảo quy trình nuôi, quy chuẩn kĩ thuật nuôi sao cho an toàn nguồn vốn của Ngân hàng cho vay và người nuôi cũng giữ được tài sản.
Để giải quyết phần nào khó khăn cho người nuôi tôm đang gặp phải, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Chính phhủ hỗ trợ người dân vùng thiệt hại. “Thiệt hại là cực kỳ khủng khiếp. Việc thiệt hại lớn như vậy nên người dân mất bình tĩnh, UBND tỉnh xin chia sẻ với người dân. Tuy nhiên, chưa xác định được nguyên nhân chính khiến tôm chết nên UBND tỉnh chưa có cơ sở quy kết trách nhiệm cho cá nhân, tập thể nào gây ra”- ông Trần Hữu Thế chia sẻ.
Theo lãnh đạo UBND TX Sông Cầu: 6 ngày trước, có tình trạng người dân tụ tập trước Nhà máy Nguyễn Hưng tại Sông Cầu vì cho rằng đây là đối tượng gây ra tôm chết. Trước tình hình đó, UBND TX Sông Cầu đã trực tiếp xuống gặp bà con chia sẻ khó khăn, mất mát, vận động dân bình tĩnh, kiềm chế chờ kết quả chính xác, trung thực từ các cơ quan chuyên môn, tránh kích động dẫn đến vi phạm pháp luật không đáng có.