Ông Hoàng Khải khoe hình chuẩn bị mở quán trên facebook cá nhân |
Hoàng Khải là một trong những doanh nhân nổi tiếng với Facebook nghìn like, đây cũng là một công cụ được ông tận dụng rất hiệu quả để đánh động thị trường. Con đường kinh doanh phở vừa bắt đầu nên Hoàng Khải cho biết giai đoạn này có thể chỉ lời 60% thay vì 70% khi mọi thứ đi vào ổn định.
Vị doanh nhân quyết định khởi nghiệp ở tuổi Ngũ Thập Nhi Tri Thiên Mệnh này cho biết, hệ thống phở ông Khải được chọn theo phong cách phở Bắc vì có hương vị dung hòa từ tất cả các vùng miền.
“Người miền Bắc di dân vào trong này cũng khá đông. Rồi tính cách người miền Nam khá thoải mái, dễ dàng chấp nhận và sẵn sàng thử cái mới. Đó là lý do vì sao phở ông Khải theo phong cách ,mùi vị của phở Bắc để phát triển thành chuỗi với 100 cửa hàng”, Hoàng Khải cho biết.
Từ khi bắt đầu khởi nghiệp với chuỗi Phở, có không ít nhận xét cho rằng Hoàng Khải thiếu tiền nên đầu tư vào mặt hàng này. Chủ tịch Khaisilk lại khẳng định, quan niệm hết tiền đi bán phở là khái niệm của người nghèo. Và ông cũng không vì bạc cắc mà làm ảnh hưởng đến tình yêu phở của mình.
Ông tả, một bát phở ngon thì thịt phải mềm, ngọt. Thịt bò trong chuỗi phở ông Khải có công thức sơ chế và bảo quản riêng từ 3-4 ngày sau đó mới được sử dụng trong bát phở. Thịt nấu chín xong phải để nguội sau đó cho vào tủ mát, theo một khoảng thời gian và canh thịt vừa chớm cứng lại thì mang đi thái bằng máy, khi đó thịt mới mềm và ngon. Một yếu tố quan trọng khác quan trọng không kém là không được phép sử dụng mỳ chính (bột ngọt), nếu không sẽ khiến cơ thể bị dị ứng và có cảm giác mỏi các khớp. Còn đối với nước phở phải dùng xương thật tươi, hầm thật kĩ để nước phở được trong...
Ông và mẹ của mình đã đi hết tất cả những tiệm phở nổi tiếng tại Việt Nam để cùng đưa ra một công thức chung cho phở ông Khải. Mẹ của doanh nhân này cũng chọn nước, chọn thịt, chọn nơi cung cấp thịt, thử nước phở, cho Hoàng Khải công thức làm tương ớt Bắc.
Dù vậy, ông cho rằng, “Không thể khẳng định bát phở của Hoàng Khải ngon hơn các tiệm phở nổi tiếng khác. Và bát phở nào cũng na ná giống nhau. Sự khác nhau có thể chỉ ở chỗ phở ông Khải có sự chuyên nghiệp hơn từ giấy, tô phở in logo đến thiết kế nhà hàng, máy lạnh hay phục vụ...”.
Phở ông Khải cũng không chỉ bán phở mà còn bán không khí ăn phở, cảm giác ăn phở và cả hoài niệm cho người ăn phở. Họ mở đài (radio) phát những câu chuyện bất kỳ thay vì mở nhạc như những nhà hàng khác. Hoàng Khải cho biết, ở miền Bắc đặc biệt khu vực làng xã hay phố cổ thì hàng sáng khi thức dậy, mọi người có thói quen vừa ăn phở vừa kể một câu chuyện nào đó từ đài. Đó cũng là cách để chuỗi phở này tái hiện lại ký ức, hoài niệm ngày xưa cho người thưởng thức phở.
Được biết, sau khi chuỗi ông Khải đạt đến năm cửa hàng (hoặc 10 cửa hàng), vị doanh nhân này sẽ tổ chức một buổi khai trương, thay vì chỉ một cửa hàng như hiện nay vì “không tạo ra giá trị marketing gì cả”. Cũng khi đạt được ngần ấy cửa hàng, Hoàng Khải cũng sẽ mở bếp trung tâm- nơi cung cấp nước phở, thịt, bánh phở cho toàn hệ thống các cửa hàng nhằm đảm bảo sự đồng nhất.
Cửa hàng thứ hai trong chuỗi này sẽ được khai trường tại trung tâm thương mại Paragon (quận 7- địa điểm đầu tiên theo kế hoạch). Trong mục tiêu mở rộng chuỗi tại nước ngoài, Hoàng Khải sẽ mở tại Nhật Bản và Trung Quốc- hai quốc gia mà ông đánh giá có nhiều điểm tương đồng với ẩm thực Việt Nam.
“Phở có thể được thổi lên thành giấc mơ toàn cầu bởi nó có thể công thức hóa được trong khi cơm thì không. Mọi nguyên liệu ở trong hay ngoài nước (bánh phở, thịt bò)... đều có thể đáp ứng nhưng cái quan trọng để hiện thực hóa giấc mơ này thì phải có bí kíp gia truyền của phở”, một chuyên gia thương hiệu chia sẻ với báo Đầu tư.