Hội nghị xúc tiến đầu tư và anh sinh xã hội vào Tây Nguyên sẽ chính thức diễn ra vào 17/5 tới. Đây là sự kiện được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, bởi lĩnh vực nông nghiệp, thủy điện, giao thông - những lĩnh vực thế mạnh của Tây Nguyên - đang nóng lên thời gian gần đây.
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, trong năm 2015, các NHTM cam kết số tiền dự kiến đầu tư vào Tây Nguyên khoảng 15.000 tỷ đồng để tập trung cho các lĩnh vực như: thủy điện, nhiệt điện, giao thông, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ …. Các ngân hàng thương mại tham gia tiêu biểu là Vietcombank, VietinBank, Agribank, LienVietPostBank, BIDV...
Tính đến 31/3/2015, tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay hơn 2.800 khách hàng doanh nghiệp đến cuối quý 1 năm 2015 đạt hơn 25.000 tỷ đồng; các hình thức hỗ trợ khác như cơ cấu nợ, điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ… đạt dư nợ hơn 4.000 tỷ đồng.
Tính chung đến 31/3/2015, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn các tỉnh vùng Tây Nguyên đạt 152.427 tỷ đồng, tăng 4,78% so với 31/12/2014, cao hơn bình quân của cả nước (2,65%) và chiếm 3,74% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn khu vực Tây Nguyên đạt 72.971 tỷ đồng, tăng 3,29% so với cuối năm 2014 và chiếm tỷ trọng 47,87% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế của cả khu vực. Riêng dư nợ cho vay đối với ngành cà phê tại khu vực Tây Nguyên tính đến cùng thời điểm trên đạt 32.526 tỷ đồng, tăng 8,37% so với cuối năm 2014 (chiếm 78,58% dư nợ cho vay ngành cà phê toàn quốc).
Đối với công tác an sinh xã hội, ngành Ngân hàng nhiều năm qua góp phần hiệu quả vào việc nâng cao chất lượng đời sống cho người nghèo, giảm nghèo bền vững tại các tỉnh thuộc Tây Nguyên, trong đó tập trung vào các chương trình hỗ trợ cho mục đích y tế, giáo dục và hỗ trợ hộ nghèo … tính từ năm 2008 đến 2014 ngành Ngân hàng đã dành trên 556 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội.
Báo cáo của ông Trần Việt Hùng, Phó ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho thấy, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ II (11-12/4/2013) tổ chức tại thành phố Pleuku, tỉnh Gia Lai, UBND các tỉnh Tây Nguyên đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 13 dự án của 11 doanh nghiệp đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký là 16.149,09 tỷ đồng và 11,5 triệu USD. Các ngân hàng cam kết đầu tư vốn tín dụng cho các dự án, tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của khu vực Tây Nguyên như : cho vay chăm sóc cà phê, cao su, cho vay xây dựng, thuỷ điện... với tổng số 28 dự án và số tiền cam kết đầu tư lên tới 23.899 tỷ đồng.
Thời gian qua, các ngân hàng đã chỉ đạo các chi nhánh, các tổ chức tín dụng trên địa bàn phối hợp với các địa phương và các chủ dự án tổ chức thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án như đã cam kết. Đến nay, các ngân hàng đã giải ngân cho vay nhiều dự án, việc thực hiện giải ngân sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới tùy theo tính chất và mục đích của các cam kết tài trợ.
Cụ thể, ngân hàng Agribank Việt Nam đã giải ngân được trên 1.000 tỷ đồng. Ngân hàng BIDV đã phê duyệt tài trợ vốn, ký hợp đồng tín dụng và giải ngân cho 5 dự án xây dựng, thủy điện, trồng mới cao su. Ngân hàng SHB đã ký hợp đồng tín dụng và giải ngân cho 7 dự án hỗ trợ trồng, tái canh, chăm sóc và phát triển cao su. Ngân hàng VietinBank đã ký hợp đồng tín dụng và giải ngân cho 6 dự án hỗ trợ trồng, xuất khẩu mủ cao su, cà phê, sản xuất điện năng. Ngân hàng Vietcombank đã ký hợp đồng tín dụng và giải ngân 4 dự án cho các lĩnh vực: thủy điện, trồng, chăm sóc, khai thác cao su tự nhiên...