Ngân hàng
Phó thống đốc Đào Minh Tú: Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, kiểm soát rủi ro nợ xấu
T.V - 20/02/2024 13:52
Các ngân hàng cần đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trong năm nay để kích cầu tiêu dùng, sức mua, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song cần kiểm soát rủi ro nợ xấu.

Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ông Đào Minh Tú đã nhấn mạnh nội dung trên tại hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 do NNHNN tổ chức sáng ngày 20/2/2024. 

Theo Phó thống đốc Tú, các ngân hàng cần đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trong năm nay để kích cầu tiêu dùng, sức mua, từ đó đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp được khơi thông thì cầu vốn của khách hàng tăng trở lại...

Các ngân hàng cần đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trong năm nay để kích cầu tiêu dùng, sức mua, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Đối với tín dụng tiêu dùng, mặc dù còn khó khăn, nhưng theo Phó thống đốc Tú, cần đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Bởi chỉ có đẩy mạnh cho vay tiêu dùng thì mới có thể kích cầu được sức mua từ đó đẩy mạnh được tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, thông qua việc đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng chính thống từ ngân hàng và công ty tài chính sẽ đẩy lùi được tín dụng "đen" đang hoành hành hiện nay.

Hiện đã có 2 ngân hàng tham gia gói 10.000 tỷ đồng/ngân hàng cho vay tiêu dùng là HDBank và VPBank qua hai công ty tài chính là FE Credit và HD SAISON. Tuy nhiên, Phó thống đốc Tú cũng đề nghị, nếu các ngân hàng khác có nhu cầu tham gia gói cho vay tiêu dùng này cũng nên mạnh mẽ để tham gia.

Sở dĩ cần đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng nhằm kích cầu sức mua hiện vẫn chưa tăng trưởng nhiều. Thế nhưng, trước bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay, để kích cầu tín dụng tiêu dùng không dễ. Số liệu của NHNN cho thấy, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính giảm mạnh trong thời gian gần đây.

Cụ thể, dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính giảm khoảng 40% so với cuối năm ngoái. Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính chỉ còn 134.000 tỷ đồng, trong khi nợ xấu tăng 10-15%.

Theo Phó thống đốc Tú, việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng của ngân hàng và công ty tài chính sẽ đẩy lùi được tín dụng "đen", song cũng cần kiểm soát được rủi ro nợ xấu, nhất là trước bối cảnh thị trường còn khó khăn nhất định hiện nay. 

Tổng giám đốc VPBank ông Nguyễn Đức Vinh cũng cho hay, hiện lãi suất cho vay đã giảm mạnh so với đầu năm 2023, kể cả với lãi suất cho vay tiêu dùng, song nhu cầu vốn của thị trường chưa cao, thậm chí sụt giảm.

"Dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính sụt giảm mạnh, với 16 công ty tài chính tiêu dùng nhưng trong năm qua dư nợ cho vay giảm hơn 20%, kể cả Fe Credit trực thuộc VPBank cũng khó tránh giảm", ông Vinh nói.

Theo Tổng giám đốc VPBank, mặc dù cần đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, song các ngân hàng và công ty tài chính cũng thận trọng cho vay để kiểm soát rủi ro nợ xấu, do đó không thể đẩy mạnh cho vay bằng mọi giá, nhất là khi xu hướng nợ vay tiêu dùng gia tăng.

Ông Vinh cũng kiến nghị cần gia hạn Thông tư 02 thêm thời gian khoảng 12 tháng so với quy định đến hạn vào tháng 6/2024 tới đây để tạo điều kiện cho khách hàng trong việc trả nợ.

Bởi việc thu hồi nợ hiện nay gặp không ít khó khăn, nhất là đối với việc thu hồi nợ tín dụng tiêu dùng càng khó hơn nên nhân sự trong bộ phận thu hồi nợ cũng sụt giảm mạnh. Riêng tại FE Credit nhân viên thu hồi nợ giảm đến 50%.

Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA) ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho hay, hiện room tín dụng không còn là vấn đề, dư địa cho vay nhiều nhưng quan trọng là ngân hàng phải kiếm được khách hàng tốt để cho vay, kể cả cho vay cá nhân. 

Đặc biệt, trước bối cảnh nợ xấu có xu hướng gia tăng hiện nay đòi hỏi ngân hàng tăng cường kiểm soát rủi ro, nhất là đối với tín dụng tiêu dùng. Hiện đối với tín dụng tiêu dùng xuất hiện các hội nhóm bùng nợ trên mạng xã hội gia tăng, nhưng không có cơ quan quản lý nào xử lý, người vay chây ì trả nợ...

Do đó các công ty tài chính không dám mạnh tay cho vay. Đây cũng là cơ hội để  tín dụng "đen" len lỏi vào đời sống người dân và nguy cơ gia tăng.

Tin liên quan
Tin khác