Thời sự
Phó thủ tướng: Để dân thiếu điện là còn có lỗi
Hà Tâm - 26/04/2014 13:21
Sáng 26/4, Bộ Công thương diễn ra Hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm điện khí hóa nông thôn. Việt Nam được coi là hình mẫu của thế giới về điện khí hóa nông thôn khi nâng tỷ lệ hộ gia đình có điện từ 2,5% lên 97% trong thời gian ngắn. Dù vậy, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vẫn nhấn mạnh, Việt Nam vẫn là nước thiếu năng lượng, và để xảy ra thiếu điện cho nền kinh tế là còn có lỗi.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Lỗ vẫn lo kéo điện về nông thôn
Ngành điện cam kết không cắt điện khi nóng trên 36 độ
Tổng giám đốc EVN nói chuyện "động chạm tới 90 triệu dân"
   
  Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Ảnh: Chí Cường  

Việt Nam là hình mẫu của thế giới về điện khí hóa nông thôn

Phát biểu khai mạc hội nghị sáng nay, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, điện khí hóa nông thôn ở Việt Nam đã phát triển vượt bậc, nhất là trong 15 năm gần đây.

Nếu như năm 1975, cả nước chỉ có 2,5% số hộ dân có điện thì đến năm 2013, hơn 98% hộ dân cả nước đã có điện. Trong đó, gần 97% hộ dân nông thôn đã có điện. Thành công của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá là nước đang phát triển nhưng thành công về tỷ lệ điện khí hóa nông thôn cao nhất trên thế giới.

Bà Victoria Kwa Kwa, Giám đốc WB tại Việt Nam khẳng định, Viêt Nam đã thành công rất ấn tượng trong điện khí hóa nông thôn, trở thành mô hình mà thế giới muốn nhân rộng. Chương trình điện khí hóa nông thôn là một trong những dự án thành công nhất mà WB hỗ trợ Việt Nam.

Bà Kwa Kwa cũng cho rằng, sở dĩ Việt Nam đạt được thành công này là nhờ sự cam kết của Chính phủ về điện khí hóa nông thôn.

"Chính phủ đã lắng nghe ý kiến của người dân và hành động thực tế, đưa ra chính sách đúng đắn là ưu tiên chương trình điện khí hóa nông thôn, thực hiện theo từng giai đoạn khác nhau với quyết tâm chính trị lớn. Bài học thành công thứ hai ở Việt Nam là có sự chia sẻ về kinh phí và trách nhiệm giữa các bên tham gia. Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách linh hoạt về xây dựng, quản lý mạng lưới điện trong nhiều năm".

Được biết, WB đã hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn EVN từ năm 1995, đã cho vay hơn 4 tỷ USD đối với các dự án trong lĩnh vực điện năng. Riêng chương trình điện khí hóa nông thôn, WB chính thức hỗ trợ từ năm 1998, tập trung vào mở rộng mạng lưới hạ áp và kết nối điện tới vùng sâu, vùng xa.

Cùng với WB, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tài trợ 4 dự án với tổng vốn hơn 250 triệu USD. Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) với số tiền tài trợ 152 triệu USD, trong đó 121 triệu USD dành cho Dự án Phát triển lưới điện truyền tải và phân phối. Ngân hàng Tái thiết Đức dành 152,96 triệu USD cho Dự án Nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn...

Nhờ có sự đầu tư lưới điện nông thôn mà diện mạo nông thôn đã thay đổi. Giá trị sản xuất nông nghiệp từ năm 1998 đến 2013 đã tăng 6,6 lần; công nghiệp chế biến tăng 3,5 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng 8 lần, cơ cấu kinh tế các địa phương thay đổi, bộ mặt nông thôn cả nước khởi sắc.

Theo ông Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, nhờ có chương trình điện khí hóa mà đến nay, 100% ố xã tại Hà Tĩnh đã có điện. Số hộ nghèo và cận nghèo giảm từ 50% xuống còn dưới 10%.

Để thiếu điện là có lỗi

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định:, chương trình điện khí hóa nông thôn nâng tỷ lệ hộ dân có điện từ 2,5% lên 97,5%  vào năm 2013. Qua đó, đã tác động to lớn đến sự phát triển kinh tế đất nước, đóng góp 30 - 40% vào phát triển kinh tế xã - hội khu vực nông thôn, góp phần tích cựcthay đổi cơ cấu kinh tế nông thôn và cải thiện đời sống người dân. Phó Thủ tướng cũng biểu dương EVN và các công ty điện lực ở nhiều vùng miền đã nỗ lực đưa chương trình này thành công.

   
  Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến Tổng kết 15 năm điện khí hóa nông thôn
(Ảnh: Chí Cường)
 

Dù đạt được nhiều thành tích lớn, song Phó Thủ tướng cũng cho rằng, thách thức với ngành điện với điện khí hóa nông thôn giai đoạn trước mắt còn rất lớn. Hiện cả nước còn 91 xã chưa được nối điện quốc gia, trong đó có 57 xã trắng về điện, có khoảng 550.000 hộ gia đình chưa được tiếp cận với điện. Mục tiêu chính phủ đề ra là đến năm 2015, 98% hộ gia đình nông thôn có điện, phấn đấu đến năm 2020, cơ bản 100% hộ dân nông thôn có điện. Tổng mức đầu tư lên tới gần 30.000 tỷ đồng.

Không chỉ đầu tư cấp điện mới cho các vùng chưa có điện, từ nay đến năm 2020, ngành điện còn cần khoảng 2,5-3 tỷ USD để cải tạo lưới điện trung, hạ áp nông thôn để giảm tỷ lệ tổn thất điện năng. Bởi hệ thống mạng lưới này được đầu tư từ những năm 1990 hiện nay đã cũ nát và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao.

Trước những khó khăn này, Phó Thủ tướng cảnh báo: "Việt Nam vẫn là nước thiếu năng lượng, khẩu hiệu “điện đi trước một bước” không bao giờ cũ. Ngày nào còn để thiếu điện cho nền kinh tế là còn có lỗi".

Để thực hiện mục tiêu năm 2015 tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có điện là 98%, đến năm 2020 cơ bản 100% hộ có điện, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và EVN phát huy kết quả đạt được, bố trí và huy động các nguồn vốn để thực hiện.

Hiện cả nước đang có 15 dự án BOT về điện, trị giá 30 tỷ USD đang triển khai, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương, các bộ ngành phải bảo đảm các dự án đó thành công, nếu không ngành điện sẽ khó thực hiện được các mục tiêu đề ra.

Đánh giá cao sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như WB, ADB, Sida, Jica, IDA… trong việc hỗ trợ ngành điện và chương trình điện khí hóa nông thôn vừa qua, Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn ngành điện sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức này thời gian tới.

Về vấn đề này, bà Kwa Kwa tin tưởng, Việt Nam sẽ huy động được nguồn lực để đạt được mục tiêu chương trình điện khí hóa nông thông giai đoạn tới. WB cũng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ ngành điện Việt Nam và chương trình điện khí hóa nông thôn giai đoạn tiếp theo.

Tin liên quan
Tin khác