Doanh nghiệp khởi nghiệp kêu không đủ tiền lót tay
Cuộc gặp gỡ với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ với Top 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2016 diễn ra sáng nay, 3/6, như một cuộc hội thảo thẳng thắn. Hàng loạt các kiến nghị liên quan đến thủ tục hành chính cũng như các vấn đề liên quan đến ứng xử của các công chức đã được đặt ra.
Là người phát biểu mở đầu, doanh nhân trẻ Võ Thị Tuyết Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Song Long (Khánh Hòa) đã không ngần ngại “kêu bị làm khó”.
Song Long là công ty sản xuất thức ăn và thuốc thảo dược trong lĩnh vực thủy sản. Nhưng, việc đăng ký sản phẩm này đang khó quá vì “chưa có cơ quan chuyên phân tích và công bố điều kiện cho kinh doanh sản phẩm thảo dược trong lĩnh vực thức săn thủy sản nên công ty vẫn đang phải đăng ký theo quy định của… tân dược”.
“Vấn đề này làm khó cho chúng tôi, vì khi khởi nghiệp, tôi muốn phát triển dòng sản phẩm thảo dược để góp phần giảm bớt việc sử dụng kháng sinh, đảm bảo sản phẩm thực phẩm sạch”, doanh nhân trẻ Tuyết Hà đề nghị có quy định cho dòng sản phẩm này.
Cùng với đó, cô cũng “kêu hộ” các hộ kinh doanh là đối tác bán sản phẩm của mình về vấn đề thanh tra, kiểm tra quá nhiều: “Họ phải đón rất nhiều đoàn kiểm tra đủ các ngành vào các thời điểm khác nhau”, doanh nhân trẻ Tuyết Hà kiến nghị với Phó Thủ tướng xem xét.
Đây cũng là than phiền của doanh nhân trẻ Đỗ Huy Hiệu, Tổng giám đốc Công ty TNHH DVH – Bransons - công ty làm về lĩnh vực đào tạo doanh nhân, nhưng hiện tại, thủ tục hành chính đang làm khó các kế hoạch của họ.
“Chúng tôi phải mất 1 tháng để xin giấy phép chương trình đào tạo khi mời chuyên gia nước ngoài về. Quy định là phải nộp hồ sơ trước 1 tháng, ở TP.HCM thì tại Sở Văn hóa Thông tin, còn ở Hà Nội thì ở Sở Ngoại vụ, để được xét duyệt. Có lần chúng tôi chỉ nộp chậm có 2 ngày thôi nhưng bị trả lại. Rồi tôi nhận được lời đề nghị của 1 công ty thứ ba nói là đưa 15 triệu đồng họ sẽ xin giấy phép cho”, doanh nhân trẻ Đỗ Huy Hiệu kêu với Phó thủ tướng.
Đề nghị minh bạch quy định về thuế
Doanh nghiệp đang phải tìm cách đối phó một cách tốt nhất với cơ quan thuế, chứ không phải là tìm cách làm ăn tốt nhất cũng là vấn đề được các doanh nhân trẻ nêu lên với Phó thủ tướng. Lý do, quy định không rõ ràng, làm làm tăng chi phí của doanh nghiệp.
Doanh nhân trẻ Đỗ Huy Hiệu còn gửi tới các cơ quan nhận hồ sơ của doanh nghiệp, nhất là cơ quan thuế rằng thông cảm cho doanh nghiệp đang còn nhỏ, không đủ tiền để lót quá nhiều cửa.
“Khi cán bộ của chúng tôi đến làm việc, có người nói là công ty thành lập 3 năm rồi mà giờ mới đến thăm. Nói thế là sao?”, Tổng giám đốc Bransons đặt vấn đề.
Doanh nhân trẻ Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Thuế Trọng Tín đề nghị, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần môi trường thông thoáng, công bằng thực sự, nói đi đôi với làm của lãnh đạo và công chức nhà nước.
“Đề nghị những dịch vụ công nào có thể xã hội hóa được thì nên làm, như các thủ tục về thuế, cấp các loại chứng chỉ… Đề nghị các cơ quan nhà nước đối thoại với doanh nghiệp nhiều hơn”, doanh nhân trẻ Nguyễn Văn Được nói.
Vị doanh nhân trẻ này còn tranh thủ đề xuất thêm ý kiến của doanh nhân bên cạnh chưa đến lượt phát biểu là “đề nghị thực hiện kiểm tra liên ngành, chứ không nên kiểm tra nhiều lần...”.
Doanh nhân trẻ Vương Công Văn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thiên Bằng đề nghị có đường dây nóng của Chính phủ để doanh nghiệp có chỗ kêu.
Quang cảnh buổi gặp gỡ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đáp lại các ý kiến của doanh nghiệp trẻ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, các ý kiến đều sẽ được xem xét.
Phó thủ tướng nói: “Chính phủ đang quyết liệt cải thiện cơ chế, chính sách để cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh. Nhưng để làm được việc này, từ người đứng đầu Chính phủ đến các bộ ngành và từng công chức đều phải chuyển động, chứ không chỉ từ Chính phủ. Chính phủ sẽ tăng cường kỷ luật công chức, tạo động lực và áp đặt kỷ luật với các công chức. Những người nào không làm được thì phải đứng ra một bên. Sẽ xử lý người đứng đầu, các công chức vi phạm quy tắc hành xử, đạo đức...”.
Đặc biệt, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Chính phủ sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp cũng phải đi lên bằng con đường sáng tạo, liêm chính chứ không phải bằng con đường thân hữu.
“Doanh nghiệp siêu nhỏ muốn vươn lên thì cần chí lớn. Doanh nghiệp nhỏ muốn lớn hơn thì cần phải đổi mới sáng tạo. Cơ chế chính sách sẽ chỉ hỗ trợ doanh nghiệp thực sự đủ năng lực đứng được trên chân của mình, vượt qua được thử thách của thị trường”, Phó thủ tướng nói.
Ông cũng đề nghị các doanh nghiệp nhỏ phải liên kết để lớn lên. “Nếu doanh nghiệp còn dìm hàng, cạnh tranh không lành mạnh thì không thể hình thành các chuỗi sản xuất được”.
Theo kế hoạch, chỉ có 5 doanh nhân trẻ khởi nghiệp được phát biểu, nhưng chốt lại, đã có 15 ý kiến của các doanh nhân trẻ có mặt tại cuộc gặp với Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ sáng 3/6 được chia sẻ. Vẫn còn những cánh tay giơ lên nhưng thời gian đã hết.
Cũng phải nói thêm, cuộc gặp gỡ giữa Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Top 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2016 diễn ra vài giờ trước lễ khai mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VPSF) nên Phó thủ tướng hẹn sẽ tiếp tục trao đổi các vấn đề doanh nghiệp trẻ quan tâm tại Diễn đàn. “Có khó khăn, vướng mắc gì, đề nghị các doanh nghiệp cứ nói trực tiếp, thẳng vào vấn đề. Chính phủ sẽ không bao che”, Phó thủ tướng cam kết.