Doanh nghiệp
Phó thủ tướng: Phấn đấu trước Tết Nguyên đán 2022 không còn xe ùn tắc tại cửa khẩu
Thế Hải - 09/01/2022 10:18
Phó thủ tướng Lê Văn Thành giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương làm việc với Trung Quốc đẩy nhanh thông quan phấn đấu trước Tết Nguyên đán 2022 không còn xe ùn tắc tại các cửa khẩu.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương làm việc với Trung Quốc đẩy nhanh thông quan phấn đấu trước Tết Nguyên đán không còn xe ùn tắc tại các cửa khẩu tại cuộc họp trực tuyến về tình hình xử lý hàng hóa ùn ứ các cửa khẩu biên giới phía Bắc, chiều 8/1.

Đây là cuộc họp thứ 2 trong vòng hai tuần do Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì về vấn đề này với sự tham dự của một số bộ ngành, địa phương có cửa khẩu, có vùng sản xuất nông sản lớn.

Đã giảm được 2.500 xe hàng chờ xuất khẩu

Báo cáo của Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, sau khoảng 10 ngày kể từ cuộc họp lần trước của Phó thủ tướng Lê Văn Thành (ngày 26/12/2021), tính đến sáng 7/1/2022, tổng số lượng xe còn tồn tại các cửa khẩu là 3.609 xe, giảm khoảng 2.500 xe, trong đó tại tỉnh Lạng Sơn còn tồn 2.015 xe (giảm 2.189 xe), tại tỉnh Quảng Ninh còn tồn 1.260 xe (giảm 295 xe).

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, Trần Quốc Khánh, lượng xe hàng hóa ùn ứ tại các cửa khẩu hiện đã giảm 2.500 xe so với 2 tuần trước (Ảnh VGP)

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết thêm, sau nhiều cuộc làm việc tích cực giữa các bộ ngành, địa phương của hai nước, tình hình đã được cải thiện hơn. Tỉnh Quảng Tây đã tiến hành đánh giá tình hình thực tế công tác phòng, chống dịch tại từng cửa khẩu để khôi phục hoạt động thông quan.

“Hiện nay, trên tuyến biên giới phía Bắc đã có 10 cửa khẩu, lối mở hoạt động”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói. Trong đó, cửa khẩu quốc tế đang hoạt động là 4/7 cửa khẩu là Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), Ga quốc tế đường sắt Đồng Đăng (Lạng Sơn); Ga quốc tế đường sắt Lào Cai, cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành  (Lào Cai); cửa khẩu chính đang hoạt động là 4/6 cửa khẩu; cửa khẩu phụ đang hoạt động là 2/21; các lối mở/điểm thông quan vẫn đang tạm thời đóng.

 “Mặc dù các tỉnh biên giới đã liên tục khuyến cáo nhưng rải rác vẫn còn tình trạng tiếp tục đưa nông sản (chủ yếu là dưa hấu) lên cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), trung bình khoảng 10 xe/ngày”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.

Hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã có những chuyển biến bước đầu. Tuy nhiên, rủi ro vẫn còn, khó khăn vẫn có thể phát sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Theo Phó thủ tướng Lê Văn Thành, thời gian qua, các bộ ngành, địa phương, nhất là các tỉnh có cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc, đã có nhiều cố gắng trong xử lý tình trạng ùn tắc hàng hóa. Lượng xe ùn tắc tại các cửa khẩu đã giảm khá nhiều, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Trong đó, nhiều xe đã phải đổ bỏ hàng hóa, gây thiệt hại lớn cho người sản xuất.

Số xe ùn tắc tại các cửa khẩu còn lớn, 3.609 xe, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải tích cực làm việc với các cơ quan hữu quan Trung Quốc, đẩy nhanh thông quan và "phấn đấu trước Tết Nguyên đán 2022 không còn tình trạng xe ùn tắc tại các cửa khẩu".

Nỗ lực xuất khẩu chính ngạch

Phó thủ tướng cũng đặt vấn đề về việc mở thêm các kênh tiêu thụ nông sản bị ùn tắc như đưa vào hệ thống phân phối của các trung tâm, đô thị lớn, đưa vào các nhà máy chế biến, xuất khẩu bằng đường sắt, đường thủy…

"Các bộ, ngành, trong đó có ngành đường sắt, hàng hải nghiên cứu, có các giải pháp phục vụ việc đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch", Phó thủ tướng lưu ý.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, dự kiến vào ngày 12/1, Bộ sẽ tổ chức cuộc làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp chủ lực để xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc bằng đường biển. Hiện nhiều doanh nghiệp tại Bình Thuận, Long An và Tiền Giang đã đồng ý xuất khẩu qua đường biển.

Đại diện Bộ Giao thông - Vận tải khẳng định, hoàn toàn có thể xuất khẩu qua đường sắt, đường biển sang Trung Quốc, riêng đường sắt, có thể chuyên chở 80 container hàng hóa mỗi ngày vào thị trường này. Tuy nhiên, phải là xuất chính ngạch, có hồ sơ đầy đủ.

Theo ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, việc chuyển đổi từ đường bộ, sang đường thủy, đường sắt phụ thuộc vào tiêu chuẩn, nguồn gốc truy xuất, thủ tục giấy tờ. 

“Hàng xuất đường tiểu ngạch chỉ cần mở tờ khai và có giấy phép biên mậu, trong khi hàng chính ngạch cần nhiều tiêu chuẩn, thủ tục, giấy tờ nên ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí”, ông Trung lưu ý, nếu doanh nghiệp xuất hàng có thể đáp ứng thủ tục, muốn chuyển từ đường bộ sang đường biển, Tổng công ty Hàng hải và các doanh nghiệp logistics sẵn sàng điều chuyển tàu đi chuyến quốc tế đưa về Quảng Ninh, Hải Phòng để chuyển hàng nông sản sang Trung Quốc. 

Về các giải pháp lâu dài, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương xây dựng chương trình, kế hoạch tổng thể từ khâu quy hoạch, kế hoạch sản xuất, tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, mẫu mã, truy xuất nguồn gốc; nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ logistics; xác định rõ các thị trường tiêu thụ, để bảo đảm hàng hóa nông nghiệp đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch.

“Phải làm bài bản, căn cơ để chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch là chủ yếu sang xuất khẩu chính ngạch”, Phó Thủ tướng nêu yêu cầu với các bộ, ngành, địa phương.

Về các giải pháp lâu dài, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương xây dựng chương trình, kế hoạch tổng thể từ khâu quy hoạch, kế hoạch sản xuất, tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, mẫu mã, truy xuất nguồn gốc; nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ logistics; xác định rõ các thị trường tiêu thụ, để bảo đảm hàng hóa nông nghiệp đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch.

Tin liên quan
Tin khác