Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các đại biểu cắt băng khánh thành hầm đường bộ Hải Vân 2 |
Ngày 11/1, tại khu vực cửa hầm phía Nam thuộc địa phận quận Liên Chiểu, Tp. Đà Nẵng, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo Bộ GTVT; lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, Tp. Đà Nẵng đã cắt băng khánh thành hầm Hải Vân 2 - một trong 4 hầm đường bộ quy mô rất lớn thuộc Dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả trên Quốc lộ 1.
Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, đèo Hải Vân là một cung đường quan trọng trên tuyến Quốc lộ 1. Trong quá khứ cung đường đèo là điểm đen tai nạn và ùn tắc giao thông. Sau khi hầm Hải Vân 1 do Nhật Bản tài trợ được hoàn thành vào năm 2005 đã cải thiện cơ bản điều kiện giao thông trên tuyến đường, rút ngắn hành trình trên tuyến xuyên Việt. Tuy nhiên, phương tiện tăng trưởng rất nhanh đã dẫn tới quá tải, việc xây dựng hầm Hải Vân 2 là một nhu cầu cấp thiết. Việc giao cho Tập đoàn Đèo Cả đầu tư trong Dự án BOT hầm Đèo Cả chính là sự ghi nhận sự tiến bộ, vươn lên của doanh nghiệp Việt.
“Việc công trình hoàn thành đúng tiến độ, chất lương đã đánh dấu sự vươn lên làm chủ những công nghệ phức tạp nhất trong thi công cầu đường. Đây thực sự là tin vui lớn của ngành GTVT, là món quà quý giá chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, trong đó có đóng góp rất lớn của các cán bộ, kỹ sư Tập đoàn Đèo Cả. Điều này khẳng định Tập đoàn Đèo Cả là đơn vị số 1 tại Việt Nam trong việc đầu tư, quản lý những dự án hạ tầng giao thông lớn của đất nước”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phó thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương xem xét tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng giao thông, trong đó có những khó khăn, vướng mắc của Tập đoàn Đèo Cả tại Dự án BOT hầm Đèo Cả.
Theo Tập đoàn Đèo Cả, hạng mục hầm Hải Vân 2 có chiều dài 6,2 km (chiều dài tuyến 12,4 km bao gồm cả đường dẫn) là công trình hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á. Hầm Hải Vân 2 được Tập đoàn Đèo Cả đề xuất đầu tư, triển khai sau khi thực hiện một loạt công trình hầm Đèo Cổ Mã, Đèo Cả, Đèo Cù Mông. Đây là một công trình kỷ lục, khẳng định năng lực của Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam trong việc thực hiện một dự án mang tầm cỡ quốc tế.
Được biết, khi tiếp nhận dự án này, Tập đoàn Đèo Cả đã ý thức được tầm quan trọng to lớn và những khó khăn thách thức gay gắt phải đối mặt. Đó là những khó khăn về kỹ thuật - công nghệ, về cơ chế chính sách, về nguồn vốn.
Tuy nhiên, Tập đoàn Đèo Cả xác định đây là một sứ mệnh lịch sử, một trọng trách mang tính thách thức chưa từng thấy đối với Tập đoàn. Tư tưởng xuyên suốt và chi phối toàn bộ quá trình thực hiện dự án của Tập đoàn là tham gia dự án không chỉ vì lợi nhuận, doanh thu, mà còn vì mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ đất nước, là để khẳng định năng lực, tầm vóc của doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc đua tranh quốc tế.
Trên thực tế, trong quá trình xây dựng, nhà đầu tư phải xử lý các khâu kỹ thuật phức tạp, vừa thi công hầm Hải Vân 2 lại vừa phải đảm bảo an toàn công trình, an toàn giao thông cho hầm Hải Vân 1.
Nhưng với kinh nghiệm đã có, tinh thần quyết tâm và năng lực đổi mới sáng tạo, Tập đoàn Đèo Cả đã giải quyết xuất sắc tất cả trở ngại kỹ thuật trong quá trình đào hầm.
Cụ thể, ngày 21/6/2018 Đèo Cả đã xử lý thành công sự cố sụt đất và phun mạch nước ngầm, với hàng nghìn khối đất đá đổ xuống, lấp toàn bộ một đoạn tuyến hầm dài hàng chục mét khi đang chuẩn bị hợp long, bảo đảm an toàn tuyệt đối và giữ vững tiến độ thi công.
“Tinh thần quyết tâm cộng với nỗ lực đổi mới công nghệ đã giúp dự án hầm Hải Vân 2 được hoàn thành chỉ sau 4 năm thi công”, Tập đoàn
Một so sánh nhỏ, thời hạn hoàn thành đào Hầm Hải Vân 1 là sau 5 năm, do một trong những nhà thầu đào hầm hàng đầu của Nhật Bản thi công. Trong khi đó, trong quá trình thi công hầm Hải Vân 2, nhà đầu tư phải đương đầu với khó khăn không hề nhỏ về tài chính - do khối lượng vốn cần thực hiện cho dự án là không hề nhỏ và tiến độ cấp vốn thường xuyên bị động và gián đoạn nhưng với nỗ lực cao độ, sự phối hợp tuyệt vời của nhà đầu tư, các nhà thầu thi công và các ngân hàng hợp vốn, dự án đã giữ được nhịp liên tục triển khai và về đích đúng hẹn chỉ sau 4 năm.
Điều đáng nói là ở khía cạnh thể chế - tài chính, đến nay tổng thể dự án Đèo Cả vẫn tồn tại những vướng mắc kéo dài cần được tích cực giải quyết để bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư khi dự án đã được đưa vào khai thác, sử dụng.
Đó là, phần vốn Ngân sách nhà nước cam kết đóng góp vẫn còn 1.180 tỷ đồng chưa được giải ngân; tình trạng tranh chấp trạm thu phí Bắc Hải Vân đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư ước tính 486 tỷ đồng; việc điều chỉnh cơ chế thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án so với hợp đồng đã ký đến nay vẫn chưa được cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm, gây thiệt hại cho nhà đầu tư hơn 186 tỷ đồng; việc hoàn thuế VAT gặp khó khăn vì cơ chế, phương án thực hiện chưa thống nhất, gây thiệt hại cho nhà đầu tư 200 tỷ đồng; hướng tuyến cao tốc đoạn Bình Định - Phú Yên theo quy hoạch về phía Tây hầm Cù Mông khiến việc đầu tư xây dựng cao tốc giai đoạn sau sẽ gây thêm lãng phí.
Nhận thức nhu cầu đi lại của người dân trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán rất cần thiết (đảm bảo ATGT, giảm thời gian đi lại) tuy nhiên việc đưa Dự án vào khai thác, vận hành sẽ phát sinh rất nhiều chi phí (Điện, nước, nhân công, bảo trì, bảo dưỡng hàng tháng lớn…) trong khi đó các vướng tài chính đã kéo dài vẫn chưa được giải quyết.
Vì vậy, Tập đoàn Đèo Cả cả sẽ cố gắng tổ chức vận hành cho các phương tiện lưu thông qua 2 ống hầm trong 20 ngày, từ ngày 1/2/2021 đến hết ngày 21/02/2021 (tức từ ngày 20 tháng Chạp năm Canh Tý đến ngày 10 tháng Giêng năm Tân Sửu). Sau thời gian trên, hầm Hải Vân 2 sẽ tạm dừng vận hành (Hầm Hải Vân 1 vẫn hoạt động bình thường) để chờ cơ quan nhà nước có chức năng giải quyết các kiến nghị mà nhà đầu tư đã báo cáo nhiều lần trước đây.
Phải ghi nhận rằng việc một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hoàn thành dự án hầm Hải Vân chứng tỏ tính ưu việt của hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP). Cách làm này đã giúp huy động nguồn lực xã hội vào giải quyết các vấn đề phát triển của đất nước một cách hiệu quả - tiết kiệm chi phí không nhỏ, rút ngắn đáng kể thời gian thi công và đảm bảo chất lượng công trình.
Cách làm này sẽ còn đem đến thành công to lớn hơn nữa nếu có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ, sự tích cực của các địa phương và lựa chọn đúng nhà đầu tư - đủ năng lực, giàu tinh thần dân tộc và khát vọng cống hiến.
Cùng chuỗi các hầm do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện, hầm Hải Vân sau khi hoàn thiện sẽ giúp giảm thiểu tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển, mang lại lợi ích to lớn về kinh tế và xã hội. Đây là công trình minh chứng cho trí tuệ, bản lĩnh người Việt ngang tầm thế giới trong cuộc đua tranh phát triển ngày càng quyết liệt.
Mặc dầu vậy, ngay giữa thời khắc khánh thành công trình, cá nhân ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả lại vừa mừng vừa lo.
“Mừng vì như vậy, khát vọng cháy bỏng đục thông các ngọn đèo hiểm trở ở Trung Bộ đã thành hiện thực. Mừng vì Tập đoàn Đèo Cả chúng tôi một lần nữa khẳng định là đã làm chủ và sáng tạo công nghệ đào hầm tiên tiến của thế giới để thực hiện dự án, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa mới có những lời khen ngợi động viên, “Đèo Cả đã đạt tầm quốc tế" tại lễ thông tuyến Trung Lương Mỹ Thuận hôm 4/1 vừa rồi”, ông Hoàng chia sẻ.
Trong những nỗi lo của “ông vua hầm đường bộ” có việc nhiều vướng mắc, bất cập tại Dự án dù đã kiến nghị nhiều lần vẫn chưa được giải quyết, thường trong tình trạng “được xem xét” và "tiếp tục xem xét". Là áp lực tài chính, trả nợ ngân hàng, chi phí vận hành hầm không đảm bảo, trong khi đó khả năng giải quyết bất cập của cơ quan chức năng thường luẩn quẩn làm mất niềm tin từ phía nhà đầu tư.
Lo vì sau Tết vẫn phải đóng hầm Hải Vân 2 sẽ ảnh hưởng đến nhân dân khi các vướng mắc vẫn chưa được giải quyết. Điều đó dẫn tới một sự lãng phi tài sản rất lớn của doanh nghiệp và người dân chính là đối tượng chịu thiệt.
“Để giải quyết những mối lo chính đáng vừa nêu, chúng tôi kiến nghị tới Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ KHĐT, Bộ Tài chính quan tâm xem xét, chỉ đạo để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc của dự án”, ông Hoàng đề nghị.