Hơn 250 đại biểu là các nhà khoa học trong nước và quốc tế, trong đó có GS Ngô Bảo Châu và 5 nhà khoa học đạt giải Nobel quốc tế về các lĩnh vực cùng tham dự. Sự kiện cũng vinh dự chào đón Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Theo ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, chỉ mới 3 năm từ khi khánh thành và đưa vào hoạt động cho đến nay, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học mang tầm quốc tế do các nhà khoa học danh tiếng trên thế giới chủ trì và tham dự.
Những hội thảo, hội nghị khoa học trong các chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” được tổ chức tại đây có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển khoa học, giáo dục nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của Bình Định cũng như cả nước nói chung.
Hiện nay, với sự thành công bước đầu của Trung tâm ICISE, qua góp ý của các giáo sư đoạt giải Nobel, tỉnh Bình Định đang phối hợp với giáo sư Trần Thanh Vân và các Bộ ngành xúc tiến đề xuất Chính phủ thành lập một Viện nghiên cứu với sự tham gia của các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam.
Tỉnh Bình Định mong muốn một ngày không xa, nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị sẽ ra đời từ mảnh đất này, góp phần đưa khoa học nước nhà không ngừng phát triển và biến nơi đây thực sự là điểm đến lý tưởng của các nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Chào mừng các nhà khoa học, cám ơn GS Trần Thanh Vân, Nguyễn Văn Hiệu đã cống hiến, đem hơi thở mới, sắc màu mới cho khoa học Việt Nam, tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, kể từ khi tổ chức lần đầu, Gặp gỡ Việt Nam đã thu hút hàng ngàn nhà khoa học tham gia và số lượng nhà khoa học tham gia ngày càng đông là minh chứng sống động cho thành công của Gặp gỡ Việt Nam.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam : Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và chú trọng đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học cơ bản |
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lạc quan: Tại sao chúng ta không hy vọng bằng niềm tin chắc chắn rằng, 30 năm sau đây, ở một nơi nào đó, có thể là trên thế giới, không nhất thiết là Việt Nam lễ kỷ niệm 50 năm Gặp gỡ Việt Nam sẽ được tổ chức với sự có mặt của nhiều nhà khoa học, trong đó có nhiều nhà khoa học trẻ đang có mặt tại đây.
Tại thời điểm đó, một điều sẽ được nhấn mạnh rằng, có những, có nhiều nhà khoa học đã giành được những giải thưởng cao quý về khoa học, đạt giải nobel sau khi đã tham gia Gặp gỡ Việt Nam.
Để mong muốn đó trở thành một trong những điều kiện tiên quyết là tỉnh Bình Định sẽ tạo điều kiện, tiếp tục hỗ trợ tối đa nhất để ICISE, Tổ hợp khoa học không gian được hoàn thiện, tiếp tục thúc đẩy sự phát triển nhộn nhịp mang tính đột phá.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam luôn xuyên suốt quan điểm Khoa học Cơ bản là nền tảng cần phải chú trọng đầu tư. Đầu tư cho Khoa học cơ bản là đầu tư cho nền móng, tăng cường cho năng lực quốc gia.
Mặc dù còn khó khăn về ngân sách, nhưng Chính phủ đã không ngừng gia tăng đầu tư cho khoa học cơ bản, đầu tư cho khoa học cơ bản những năm vừa qua đã tăng gấp 10 lần những năm trước đó.
Vừa qua, Trung tâm Vật lý quốc tế và Trung tâm nghiên cứu Vật lý quốc tế và đào tạo Toán học của Việt Nam đã trở thành 2 trong số 66 Trung tâm, cơ sở nghiên cứu khoa học cơ bản, trong đó có 49 cơ sở nghiên cứu khoa học về tự nhiên được UNESCO công nhận và bảo trợ. Đây cũng là thêm minh chứng cho tầm nhìn, nỗ lực của Việt Nam đối với nghiên cứu khoa học cơ bản.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhắn gửi: Sự tham gia của các cơ sở nghiên cứu, của các trường Đại học Việt Nam là hết sức cần thiết để tạo ra một mạng lưới liên kết bền vững và rộng khắp giữa Gặp gỡ Việt Nam với các cơ sở khoa học và đào tạo ở Việt Nam. Điều này, không chỉ giúp cho Gặp gỡ Việt Nam luôn sống động mà còn góp phần phát huy được những giá trị vô giá của chất xám, của các nhà khoa học quốc tế đã đến với Việt Nam.
Các nhà khoa học trong nước và quốc tế tại Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12 tham gia trồng cây lưu niệm trong khuôn viên ICISE |
Sau lễ khai mạc, Hội thảo quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội” là hội nghị lớn nhất trong chuỗi các sự kiện khoa học “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ XII” đã chính thức được diễn ra.
Hội thảo được sự hỗ trợ tối cao của UNESCO, đồng tổ chức bởi Bộ KH&CN, Hội Gặp gỡ Việt Nam và UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Trung tâm nghiên cứu nguyên tử Châu Âu (CERN), Viện quốc tế SOLVAY để kỷ niệm 50 năm Gặp gỡ Moriond (Rencontres de Moriond) sáng lập từ 1966 bởi Giáo sư Trần Thanh Vân.
Mục đích của Hội thảo là để tạo cơ hội để các nhà khoa học tương tác, trao đổi với các nhà hoạch định chính sách và các đại diện của khu vực kinh tế tư nhân về tầm quan trọng của khoa học đối với sự phát triển của xã hội; đề xuất những vấn đề liên quan tới khoa học cơ bản và xã hội ở các nước châu Á nói chung và đặc biệt ở các nước đang phát triển xung quanh Việt Nam với những chủ đề đặc thù của các đất nước này.
Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm 2016, tại Trung tâm này sẽ tổ chức 12 Hội thảo khoa học và 3 lớp học chuyên đề về vật lý, với sự tham gia của hơn 1.600 nhà khoa học từ khắp mọi nơi trên thế giới.