Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ phối hợp xử lý dứt điểm kiến nghị của doanh nghiệp về giấy chứng nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm |
Cuộc đối thoại giữa các bộ, ngành và 9 hiệp hội liên quan đến quy định của Nghị định 38/2012/NĐ-CP về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã kéo dài cả buổi chiều 8/9/2017.
Chủ trì cuộc đối thoại, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu làm rõ từng kiến nghị của doanh nghiệp trên tinh thần xây dựng, có sự nghiên cứu kỹ càng và vì mục tiêu chung là quyền lợi của người dân, đất nước và doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp không cần biết trong nội bộ cơ quan nhà nước phân cấp, phối hợp ra sao, đó là việc của cơ quan quản lý nhà nước. Doanh nghiệp chỉ cần biết thủ tục rõ ràng, hợp lý để thực hiện. Có những vấn đề cần xử lý dài hạn, nhưng có việc phải làm dứt điểm, làm ngay vì chậm ngày nào là doanh nghiệp mất thời gian, chi phí”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh khi Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ không xác định được thời hạn công bố được quy chuẩn liên quan đến an toàn thực phẩm, làm cơ sở cho các doanh nghiệp thực hiện với lý do cần các văn bản theo quy trình thủ tục.
“Những quy chuẩn nào có thể công bố được ngay, sẽ làm trong vòng 30 ngày, còn lại sẽ cập nhật dần. Quy định 60 ngày của văn bản luật là thời hạn dài nhất chứ không phải cứ theo đó là làm”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu.
Trả lời yêu cầu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về quan điểm của Bô Y tế với kiến nghị bỏ quy định cấp Giấy Xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP mà các hiệp hội đề nghị, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết sẽ cơ bản tiếp thu các kiến nghị của doanh nghiệp.
“Nếu chúng ta thực hiện thủ tục công bố, sẽ thực hiện đúng như bản chất của từ này và quy định của Luật An toàn thực phẩm”, Thứ trưởng Trương Quốc Cường khẳng định.
Cụ thể, thứ trưởng Bộ Y tế đưa ra phương án với các sản phẩm thuộc diện nguy cơ thấp, doanh nghiệp gửi bản công bố điện tử, theo quy định trong vòng 1 tuần làm việc, nếu cơ quan quản lý nhà nước không có ý kiến khác, doanh nghiệp sẽ tự động được sản xuất hoặc nhập khẩu. Nghĩa là, với đa số sản phẩm sẽ không cần thủ tục cấp giấy xác nhận phù hợp quy định an toản thực phẩm như hiện tại.
“Nhưng sẽ có những sản phẩm cần sự thẩm định, như sữa trẻ em, thực phẩm chức năng và phụ gia thực phẩm”, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết.
Về vấn đề này, các doanh nghiệp tham gia đối thoại đồng ý với cách thức trên, nhưng đề nghị làm rõ phạm vi của các sản phẩm cần thẩm định.
“Quy định sữa trẻ em nhưng giới hạn độ tuổi thế nào, thực phẩm chức năng theo khái niệm thế nào… Chúng tôi đề nghị được tham gia cùng với Bộ Y tế trong việc hoàn thiện các quy định này”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đề nghị.
Phó thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn vào việc đề xuất, kiến nghị chính sách liên quan đến các vấn đề của doanh nghiệp.
"Với những sản phẩm đặc thù như nước mắm, mắm tôm, chưa có trong quy định của Uỷ ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Codex Quốc tế, các doanh nghiệp cần chủ động kiến nghị, gửi Bộ Y tế để có thêm cơ sở xem xét", Phó thủ tướng yêu cầu.
Cuộc đối thoại có sự tham gia của 9 hiệp hội tham gia là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Chè Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, Hội Doanh nghiệp Việt Nam chất lượng cao; Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam; Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Hội đồng Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng có mặt.
Các hiệp hội, cơ quan này đã theo đuổi kiến nghị bãi bỏ quy định về cấp giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP nhiều năm nay.
"Chúng tôi hy vọng cuộc đối thoại này sẽ là lần cuối và Nghị định sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP sẽ thể hiện được các chỉ đạo của Phó thủ tướng và cam kết của Bộ Y tế", bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban môi trường và năng lực cạnh tranh (CIEM), người cùng với các hiệp hội nghiên cứu vấn đề này hy vọng.