Thưa ông, vì sao trong các báo cáo kết quả kiểm toán hàng năm, rất nhiều cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng tài sản công không được nhắc đến?
Trước hết, tôi khẳng định, hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công không có vùng cấm. Đối với Kiểm toán Nhà nước, chúng tôi thực hiện kiểm toán kể cả Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, các đơn vị thuộc lực lượng an ninh, quốc phòng… Nói chung, chúng tôi thực hiện kiểm toán đối với tất cả các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Phó tổng Kiểm toán Nhà nước, ông Cao Tấn Khổng |
Vậy cơ quan nào chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm toán đối với 2 cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước là Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ?
Hiến pháp năm 2013 đã hiến định, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập chỉ tuân theo pháp luật nhằm phục vụ việc kiểm tra, giám sát trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.
Có nghĩa là, ngay cả bản thân Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ hay bất cứ cơ quan, đơn vị, tổ chức nào có tham gia quản lý, sử dụng tài sản công đều được kiểm toán, thanh tra định kỳ hoặc đột xuất. Nếu quản lý, sử dụng tài sản công không tiết kiệm, không đúng tiêu chuẩn, định mức hoặc có sai phạm đều bị xử lý. Ở Kiểm toán Nhà nước, tất cả các đơn vị đều phải thực hiện kiểm toán bình thường như các cơ quan, tổ chức có quản lý, sư dụng tài sản công khác, bên cạnh việc thực hiện thanh, kiểm tra, giám sát nội bộ.
Nhưng kết quả kiểm toán các đơn vị của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và một số đơn vị khác chưa bao giờ được công bố công khai?
Việc công khai kết quả kiểm toán cũng không có vùng cấm với bất cứ đơn vị nào, kể cả là Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, thậm chí cả các đơn vị thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng.
Tuy nhiên, trong trường hợp qua kiểm toán, thanh tra mà thấy không có vấn đề gì phát sinh; các đơn vị được thanh tra, kiểm toán thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng, chi tiêu ngân sách và tài sản công, thì trong báo cáo kiểm toán không tách ra để có thông tin riêng mà đưa vào phần đánh giá chung. Công khai báo cáo kiểm toán, công khai nội dung kiểm toán được thực hiện bằng nhiều hình thức và chúng tôi lựa chọn hình thức công khai phù hợp hợp, chứ hoàn toàn không có chuyện che giấu, bưng bít thông tin.
Số tiền 5% được trích từ phát hiện và kiến nghị từ kiểm toán hàng năm được Kiểm toán Nhà nước sử dụng như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi được để lại 5% từ số tiền kiến nghị qua kiểm toán, nhưng không có nghĩa là cứ kiến nghị bao nhiêu là tự động trích lại 5%, mà muốn “lấy” được số tiền này phải thông qua rất nhiều cơ quan thực hiện kiểm tra, giám sát như Bộ Tài chính, các ủy ban của Quốc hội. Để được sử dụng số tiến này, chúng tôi cũng phải giải trình rất cụ thể với các cơ quan quản lý nhà nước về việc sử dụng vào mục đích gì, phần nào đầu tư phục vụ công việc, phần nào bổ sung cơ sở vật chất cho cơ quan kiểm toán các cấp, phần nào phục vụ hỗ trợ tiền thưởng…
Thưa ông, cùng là cơ quan nhà nước, nhưng ông có thấy bất hợp lý khi mà ngoài tiền lương theo cấp bậc, chức vụ…, Kiểm toán Nhà nước còn được thêm phụ cấp tối đa bằng 0,8 lần lương cấp bậc, phụ cấp chức vụ, vượt khung và phụ cấp nghề nghiệp?
Do tính chất công việc đặc thù, không riêng gì Kiểm toán Nhà nước mà nhiều cơ quan khác cũng được hưởng chế độ phụ cấp đặc thù tương tự, như cơ quan thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, Thanh tra Chính phủ… Việc này đã được các cơ quan quản lý nhà nước, từ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến các bộ, ngành tính toán hết sức kỹ và thực hiện theo thông lệ quốc tế.