Có thể gặp nhiều sóng gió hơn
Đà tăng giá kéo dài nhiều tháng qua của các cổ phiếu công nghệ lớn trên Phố Wall đã va phải tường chắn trong các phiên giao dịch nửa cuối tháng 7. Đỉnh điểm là đợt bán tháo ngày 24/7 khiến hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite hứng chịu mức giảm lớn nhất trong một ngày kể từ năm 2022, sau khi công bố lợi nhuận gây thất vọng của Tesla và công ty mẹ của Google - Alphabet.
Các nhà giao dịch trên sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP |
Tuy vậy, đợt bán tháo gần đây có thể được coi là một diễn biến lành mạnh khi thị trường vốn nóng rực thời gian qua cần phải đào thải các bọt cháy dư thừa, theo ông Charles Lemonides, người đứng đầu quỹ phòng hộ ValueWorks LLC.
"Tôi nghĩ rằng câu chuyện dài hạn hơn là các mã cổ phiếu tăng trưởng sẽ đưa chúng ta vượt qua một đỉnh cao khác của thị trường ở đâu đó trên con đường này", ông Lemonides nói.
Phố Wall được cho là sẽ còn gặp nhiều sóng gió hơn trong tuần tới khi kết quả kinh doanh quý vừa qua của các "ông lớn" công nghệ như Microsoft, Apple, Amazon và Meta có thể thử thách thêm khả năng chịu đựng của các nhà đầu tư.
Đà tăng mạnh mẽ của các cổ phiếu công nghệ lớn nhất thế giới trong năm nay đã đưa thị trường lên mốc cao mới, nhưng cũng làm dấy lên lo ngại về định giá bị thổi phồng.
Mặc dù chỉ số S&P 500 hiện đã thấp hơn khoảng 5% so với mức cao nhất mọi thời đại và tăng gần 14% kể từ đầu năm đến nay, một số nhà đầu tư lo ngại rằng Phố Wall có thể đã quá lạc quan về tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết, khiến cổ phiếu dễ bị tổn thương nếu các công ty đó không thể đáp ứng kỳ vọng trong những tháng tới.
Các nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi chặt chẽ các bình luận sau khi cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) kết thúc vào 31/7 để phán đoán xem liệu Fed có chuẩn bị cắt giảm lãi suất hay không, bởi phần lớn các nhà giao dịch đều kỳ vọng cơ quan tiền tệ Mỹ sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9 sau khi GDP quý II tăng mạnh hơn dự đoán trong khi lạm phát "hạ nhiệt".
Hai ngày trước, Bộ Thương mại Mỹ công bố chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa dùng của Fed - đã tăng 0,1% trong tháng 6 (so với tháng 5) và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu cải thiện so với tháng 5 khi mà chỉ số PCE đã tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số CPI tháng 6 đã giảm 0,1% so với tháng trước đó và đây là lần giảm đầu tiên kể từ năm 2020. Hơn nữa, chỉ số CPI lõi (không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm) tháng 6 đã tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng yếu nhất kể từ tháng 4/2021.
Lạm phát hạ nhiệt giúp các quan chức Fed có thêm tự tin trước khi ra quyết định cắt giảm lãi suất. Ông Robert Frick, chuyên gia kinh tế doanh nghiệp tại Navy Federal Credit Union, cho rằng: "Có thể gói gọn báo cáo lạm phát bằng hai từ là 'đủ tốt'".
"Chi tiêu đủ tốt để duy trì sự mở rộng, thu nhập đủ tốt để duy trì chi tiêu và mức lạm phát PCE đủ tốt để Fed dễ dàng đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất", ông Frick đánh giá.
Bất kỳ dấu hiệu nào về sự suy thoái tồi tệ hơn dự kiến của nền kinh tế Mỹ cũng có thể khiến các nhà đầu tư lo lắng, phá vỡ kịch bản "hạ cánh mềm" vốn đã hỗ trợ đà tăng của thị trường chứng khoán trong những tháng gần đây.
"Chúng tôi nghĩ rằng họ (Fed - BTV) sẽ tiếp tục với kịch bản rằng họ sẽ phụ thuộc vào dữ liệu nhưng dữ liệu không đi theo đường thẳng", ông Matt Peron, giám đốc giải pháp toàn cầu tại tập đoàn quản lý tài sản Janus Henderson Investors (Vương quốc Anh), cho biết. Theo nền tảng theo dõi chuyển động chính sách FedWatch của CME Group, thị trường chứng khoán Mỹ đang định giá gần như chắc chắn rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách vào tháng 9 và dự kiến sẽ cắt giảm tổng cộng 66 điểm cơ bản vào cuối năm.
Thời điểm quan trọng của thị trường
Dữ liệu việc làm công bố tuần tới, bao gồm báo cáo việc làm hàng tháng, sẽ cho biết đợt suy giảm mới xuất hiện trên thị trường lao động Mỹ có trở nên nghiêm trọng hơn hay không.
"Đây là thời điểm quan trọng đối với thị trường", ông Bryant VanCronkhite, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại công ty quản lý tài sản Allspring (Mỹ), nhận xét.
Dữ liệu việc làm sắp công bố có thể làm thay đổi tỷ lệ cược của nhà đầu tư nếu nó cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chững lại hơn dự kiến hoặc ngược lại nếu nó chỉ ra bức tranh tăng trưởng đang phục hồi.
Các nhà đầu tư bắt đầu đặt câu hỏi tại sao họ lại đầu tư nhiều vào các doanh nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) trong khi thị trường lo ngại rằng Fed sẽ bỏ lỡ cơ hội đưa nền kinh tế Mỹ "hạ cánh mềm" và "điều này sẽ gây ra phản ứng dữ dội", ông VanCronkhite cảnh báo.
Phố Wall trong những tuần gần đây chứng kiến sự dịch chuyển của nhà đầu tư từ nhóm cổ phiếu công nghệ sinh lời top đầu sang các nhóm cổ phiếu hiệu suất kém trong những tháng qua, bao gồm các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và cổ phiếu giá trị như cổ phiếu tài chính.
Bằng chứng là chỉ số Russell 1000 Value đã tăng hơn 3% tính từ đầu tháng đến nay trong khi chỉ số Russell 1000 Growth để mất gần 3%. Chỉ số Russell 2000 tập trung vào cổ phiếu vốn hóa nhỏ đã tăng gần 9% trong tháng này, trong khi chỉ số S&P 500 đã mất hơn 1%.
"Tôi cho rằng cổ phiếu công nghệ đã giảm mạnh, ngay cả khi có được sự phục hồi từ những cái tên này nhờ lợi nhuận, mọi người sẽ muốn bán ra để chốt lời", ông Keith Lerner, chiến lược gia thị trường trưởng tại công ty tài chính Truist (Mỹ), nhận định.