- Chặn đứng tội phạm “cổ cồn trắng” câu kết quan tham - Bài 1: “Nã tiền” xuyên thủng hàng rào công
- Chặn đứng tội phạm “cổ cồn trắng” câu kết quan tham - Bài 2: Công thức kiếm tiền phi pháp
- Chặn đứng tội phạm “cổ cồn trắng” câu kết quan tham - Bài 3: “Nâng tầm” thủ đoạn đáng sợ
- Chặn đứng tội phạm “cổ cồn trắng” câu kết quan tham - Bài 4: Thiệt hại đến từng “tế bào của xã hội”
- Chặn đứng tội phạm "cổ cồn trắng" câu kết quan tham - Bài 5: Chặn đứng, quét sạch "giặc nội xâm"
Bài 1: Phi vụ thâu tóm 1.800 ha đất và “ẵm” 15.000 tỷ đồng trái phiếu
Theo hồ sơ mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được, thương vụ và khối tài sản này liên quan đến số phận của hàng ngàn trái chủ 2 lô trái phiếu mang tên Tân Thành Long An và Vạn Trường Phát có tổng giá trị lên tới 15.000 tỷ đồng và liên quan đến không ít đại gia khác.
“Chuyển hóa” hơn 1.800 ha đất được Nhà nước giao
Tại phiên xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn II ngày 10/10 vừa qua, tranh luận của cả 2 phía là Trương Mỹ Lan và luật sư bảo vệ cho Công ty cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An (Công ty Tân Thành Long An, đại diện pháp luật là bà Võ Thị Kim Khoa) đã phơi ra vấn đề: Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, làm chủ cả tổ hợp Khu công nghiệp và đô thị Việt Phát (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, do Công ty Tân Thành Long An là chủ đầu tư) từ trước năm 2021.
Theo Kết luận thanh tra số 4929 /KL-UBND, ngày 13/9/2019 của tỉnh Long An, thì Công ty Tân Thành Long An tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và nuôi trồng nông lâm thủy sản Tân Thành.
Khu công nghiệp Việt Phát đã được đổi tên thành Khu công nghiệp Suntec. |
Năm 2006, tỉnh Long An chấp thuận cho doanh nghiệp này chuyển sang công ty cổ phần và đến năm 2019, sau 13 lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Công ty Tân Thành Long An có Tổng giám đốc là ông Lê Thành.
Ông Thành cũng chính là người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Đầu tư Tân Thành Holdings và hàng loạt công ty khác, như Công ty cổ phần Đầu tư Sunny Island (doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát), Công ty cổ phần Lavifood (về sau, Trương Mỹ Lan mua lại công ty này từ ông Thành)…
Kế tiếp ông Thành, thì Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Tân Thành Long An là ông Phạm Nguyễn Bảo Trung.
Sau khi ông Phạm Nguyễn Bảo Trung giúp Tân Thành Long An hoàn tất việc thế chấp một phần diện tích đất ở cả Khu công nghiệp và Khu đô thị Việt Phát phát hành xong 2 gói trái phiếu mang tên Vạn Trường Phát và Tân Thành Long An có tổng giá trị 15.000 tỷ đồng, ngày 15/9/2022, Tân Thành Long An thay đổi người đại diện pháp luật sang bà Võ Thị Kim Khoa. Bà Khoa kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Tân Thành Long An đến thời điểm này.
THƯƠNG VỤ 30.000 TỶ ĐỒNG CHO 1.800 HA ĐẤT VÀ 15.000 TỶ ĐỒNG TRÁI PHIẾU
Tại phiên xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn II ngày 10/10/2024, luật sư bảo vệ cho Công ty Tân Thành Long An (chủ mới là bà Võ Thị Kim Khoa) đề nghị Hội đồng Xét xử điều chỉnh giá chuyển nhượng (hơn 1.800 ha đất Khu công nghiệp và Khu đô thị Việt Phát) là 20.000 tỷ đồng và Tân Thành Long An sẽ chịu trách nhiệm đối với 2 gói trái phiếu Tân Thành Long An, Vạn Trường Phát tổng cộng 15.000 tỷ đồng. Riêng gói Bông Sen thì không thỏa thuận.
Trương Mỹ Lan tranh luận rằng, năm 2021, chủ mới của Tân Thành Long An tìm đến mua dự án này và bị cáo bán giá 45.000 tỷ đồng. Do bên mua năn nỉ mãi, nên bị cáo mới đồng ý bán 30.000 tỷ đồng với thỏa thuận bên mua phải chịu trách nhiệm gói Tân Thành Long An, Vạn Trường Phát và gói Bông Sen 4.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, do luật sư của Tân Thành Long An nói không tính gói trái phiếu Bông Sen, rồi phải trừ cọc, trừ nghĩa vụ tồn đọng, nên bị cáo không đồng ý, đề nghị Tân Thành Long An phải trả tiền lại mặt cho bị cáo 2.500 tỷ đồng.
Còn hơn 1.800 ha đất tổ hợp Khu công nghiệp và đô thị Việt Phát (gồm 1.200 ha đất công nghiệp và 625 ha đất đô thị) có nguồn gốc là “đất chưa sử dụng”, năm 1998, UBND tỉnh Long An giao cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và nuôi trồng nông lâm thủy sản Tân Thành để khai hoang sản xuất trồng mía.
Năm 2006, sau khi trở thành công ty cổ phần, Tân Thành Long An được UBND tỉnh Long giao hơn 1.800 ha đất này để xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, khu dân cư, khu du lịch sinh thái.
Sau nhiều lần “chuyển hóa”, hơn 1.800 ha đất nói trên chỉ còn để xây dựng khu đô thị và khu công nghiệp.
Nợ thuế hơn 35 tỷ đồng, nhưng 5.000 tỷ đồng chui vào túi “đại gia”
Cũng tại phiên xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn II, phần tranh luận của Trương Mỹ Lan đã thể hiện, hơn 1.800 ha đất Khu đô thị và Khu công nghiệp Việt Phát đã được bà Lan thâu tóm trước năm 2021, rồi bán cho đại gia bất động sản vào năm 2021, với điều kiện phải chịu trách nhiệm gói trái phiếu Tân Thành Long An, Vạn Trường Phát, tổng giá trị 15.000 tỷ đồng.
Tình tiết trên liên quan 2 gói trái phiếu trị giá 15.000 tỷ đồng và khối tài sản thế chấp, là giai đoạn có “bàn tay” của ông Phạm Nguyễn Bảo Trung, với liên minh “kinh điển” giữa Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI).
Hồ sơ mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được thể hiện, tháng 5/2021, Tổng giám đốc Tân Thành Long An, ông Phạm Nguyễn Bảo Trung đã cùng Giám đốc chi nhánh SCB tại TP.HCM (là ông Nguyễn Ánh Thép) ký biên bản định giá gần 300 ha thuộc đất Khu công nghiệp Việt Phát với giá 7.300 tỷ đồng.
SCB lúc này đã “nằm trong tay” của Trương Mỹ Lan, tự định giá đất của… Trương Mỹ Lan.
Với kết quả định giá như trên, Công ty Tân Thành Long An thế chấp khu đất cho SCB để phát hành trái phiếu với tổng trị giá 5.000 tỷ đồng.
Đơn vị tổ chức tư vấn phát hành và đại lý phát hành, đại lý đăng ký và đại lý thanh toán, kiêm đại diện người sở hữu trái phiếu Tân Thành Long An lại cũng là TVSI, nơi Trương Mỹ Lan nắm hơn 88% vốn điều lệ.
Tóm lại, phi vụ phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu này đều chung một “đạo diễn”.
Tháng 7/2021, Tân Thành Long An đã phát hành xong lô trái phiếu mã TLACH2126001, tổng giá trị phát hành là 5.000 tỷ đồng để huy động vốn cho dự án khu công nghiệp, dù vốn chủ sở hữu thời điểm đó chỉ có 1.913 tỷ đồng.
Trong khi đó, đối với đất khu công nghiệp, liên tục từ năm 2004 trở đi, cơ quan chức năng tỉnh Long An ký các hợp đồng cho thuê đất thu tiền sử dụng đất hàng năm rồi chuyển sang thu tiền sử dụng đất 1 lần cho toàn bộ thời gian thuê 50 năm.
Năm 2019, theo kết luận thanh tra của tỉnh Long An, thì Công ty Tân Thành Long An còn nợ tiền thuê đất khu công nghiệp tới hơn 23 tỷ đồng.
Năm 2023, Cục Thuế tỉnh Long An công bố, tính đến ngày 31/12/2022, khi Trương Mỹ Lan đã bị bắt, Công ty Tân Thành Long An nợ thuế trên 35,9 tỷ đồng.
“Ẵm” thêm 10.000 tỷ đồng trái phiếu Vạn Trường Phát
Cùng thời điểm trên, khi Công ty Tân Thành Long An đã về tay Trương Mỹ Lan, bỗng xuất hiện Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát (Công ty Vạn Trường Phát) “nhảy vào” mua 177 ha đất Khu đô thị Việt Phát của Tân Thành Long An.
Vạn Trường Phát là tên mới được đổi từ Công ty cổ phần Đầu tư Star Zone (đặt trụ sở tại tầng 2, tòa nhà CT Office Building, 56 Yên Thế, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM). Công ty này mới thành lập năm 2019, vốn điều lệ 320 tỷ đồng, doanh thu 0 đồng, thua lỗ 2 năm liên tiếp và đến cuối năm 2020, nợ phải trả là 2.724 tỷ đồng, cao gấp 8,5 lần vốn chủ sở hữu.
Nhưng, ngay khi đổi tên thành Vạn Trường Phát (tháng 5/2021), nâng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng, thay đổi Tổng giám đốc, kiêm người đại diện pháp luật sang bà Nguyễn Kiều Lệ, thì bà Lệ và ông Nguyễn Phạm Bảo Trung liền tiến hành ký thỏa thuận đặt cọc mua dự án của Công ty Tân Thành Long An.
Theo đó, Công ty Vạn Trường Phát sẽ đặt cọc 10.000 tỷ đồng cho Tân Thành Long An để mua lại hơn 177 ha đất thuộc Khu đô thị Việt Phát.
Tiếng là cọc, nhưng không phải “tiền tươi thóc thật”, mà 2 bên thỏa thuận, bên bán sẽ thế chấp đất của mình để… bên mua làm tài sản phát hành trái phiếu nhằm kiếm tiền trả.
Rồi cũng chính SCB thẩm định hơn 177 ha đất nói trên với giá trị 12.000 tỷ đồng và chấp nhận thế chấp làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu 10.000 tỷ đồng của Vạn Trường Phát. TVSI là đại lý đăng ký, lưu ký, đại lý thanh toán và đại diện người sở hữu trái phiếu này.
Sau đó, ngay trong năm 2021, từ tháng 6 tới tháng 11, Vạn Trường Phát phát hành 5 đợt trái phiếu (từ các mã VTPCH2126001 tới VTPCH2126005), mỗi đợt 2.000 tỷ đồng. Tổng giá trị 5 đợt phát hành là 10.000 tỷ đồng.
Tháng 4/2023, trước những lời kêu cứu của các trái chủ, chúng tôi tìm tới nơi mà trên toàn bộ giấy tờ công bố là nhà và nơi thường trú, nơi liên lạc của bà Nguyễn Kiều Lệ, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Vạn Trường Phát, để xác minh từ thân nhân.
Tại đây, người xưng là mẹ chồng của bà Lệ khẳng định, đúng là bà có con dâu tên Nguyễn Kiều Lệ ở đây, nhưng lâu nay, con dâu bà chỉ ở nhà chăm con và buôn bán mỹ phẩm. Một người khác trong gia đình bà Lệ ở căn nhà trên cũng khẳng định tương tự.
Chúng tôi đã có được bức hình bà Lệ và vô cùng sửng sốt khi chủ doanh nghiệp phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu lại là người… buôn mỹ phẩm online, quần xắn, gót chân nứt nẻ trên đôi dép loẹt quẹt.
Bởi thế, không bỗng nhiên trái chủ nghi ngờ Vạn Trường Phát cũng là “công ty ma”, chủ được thuê, như cách làm “kinh điển” của Trương Mỹ Lan.
(Còn tiếp)