Đại biểu Trần Công Phàn tranh luận về Dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) |
Phụ nữ Việt Nam có truyền thống là "chồng ta áo rách ta thương", trong gia đình đóng cửa bảo nhau, làm luật này mà cứ lôi hết ra ánh sáng có được không?
Câu hỏi này được đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương) nêu ra tại cuối phiên thảo luận chiều ngày 14/6 về Dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Quốc hội.
Trước đó, nhiều đại biểu cho rằng, cần nhận diện đầy đủ hành vi bạo lực gia đình, quy định chế tài xử phạt khả thi và giúp đỡ nạn nhân có hiệu quả.
Hoàn toàn tán thành việc xử lý nghiêm và lên án bạo lực gia đình, tuy nhiên, dùng quyền tranh luận, đại biểu Trần Công Phàn, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam nói, băn khoăn trước ý kiến đại biểu cho rằng, việc xử lý là "có thể dần dần thay đổi cách nghĩ đối với truyền thống gia đình". Ông thấy đây là việc khó.
"Mục đích cao hơn của việc xử lý bạo lực gia đình là làm thế nào để cho gia đình đó tốt lên, hạnh phúc lên, nên phải xuất phát từ điều kiện của gia đình Việt Nam để quy định những biện pháp phòng ngừa cũng như biện pháp xử lý", ông Phàn nêu quan điểm.
Theo đại biểu, người Việt coi chuyện gia đình là riêng tư, không muốn bên ngoài can thiệp vào. Nhiều khi, sau khi xảy ra bạo lực, gia đình đó vẫn có thể hàn gắn được, nhưng nếu bị can thiệp hoặc xử lý không phù hợp thì có khi rạn nứt, có khi ly hôn, thậm chí có khi mỗi người một nơi, ông Phàn nhìn nhận.
"Khảo sát thực tế là 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực, nhưng không báo. Thậm chí, ông nào "đen", bị vợ bạo lực còn giấu biến, không dám báo. Cho nên, biện pháp xử lý theo tôi phải xuất phát từ điều kiện gia đình Việt Nam", đại biểu Bình Dương góp ý.
Dự thảo luật đang có chế tài cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần người bị bạo lực gia đình, người gây thiệt hại thì phải bồi thường... Đại biểu Phàn lo ngại, có khi người ta vẫn còn muốn tiếp xúc thì luật lại cấm tiếp xúc, hay xử lý hành chính cũng là túi tiền trong nhà cả. Vì thế, đại biểu cho rằng, cần quy định những biện pháp phòng ngừa cũng như biện pháp xử lý hợp tình, hợp lý và đạt được mục đích là làm sao để gia đình có xảy bạo lực sẽ chuyển biến tốt hơn, hạnh phúc hơn.
Tiếp cận ở khía cạnh khác, đại biểu Đinh Văn Thê (Gia Lai) cho rằng, một trong những khó khăn nhất của công tác phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng và công tác bình đẳng giới nói chung hiện nay là việc bố trí ngân sách vô cùng hạn hẹp, chưa đáp ứng với thực tiễn và không tương xứng với yêu cầu của công tác này.
Do vậy, đại biểu đề nghị cần có quy định nhất định về nguyên tắc tài chính để thể hiện được trách nhiệm của Nhà nước về bố trí nguồn lực và để góp phần giảm bớt những vụ việc bạo lực gia đình.
Hồi âm những vấn đề đại biểu quan tâm, đại diện Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự thảo luật quy định hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình có tính đặc thù, thể hiện ở 3 loại hình. Đó là, hòa giải do gia đình, do dòng họ tổ chức thực hiện; hòa giải do cơ quan tổ chức thực hiện và hòa giải thực hiện theo Luật Hòa giải cơ sở.
Theo đó, đối với hòa giải ở cơ sở thì các vụ việc bị xử lý hình sự, xử lý hành chính sẽ không được áp dụng hòa giải.
"Chúng tôi muốn hướng hòa giải để giữ được gia đình thực sự ấm no, tiến bộ, hạnh phúc. Mọi việc trong gia đình bắt đầu từ gia đình giải quyết và theo hướng tạo dựng sự hiểu biết, thông cảm, bỏ qua nếu như chưa đến mức vi phạm và còn có mong muốn hàn gắn, xây dựng vì sự tiến bộ chung của nhau", Bộ trưởng phát biểu.