Thời sự
Phòng chống ngập lụt ở TP.HCM: Đầu tư từ đâu? - Bài 3: Kế sách điều trị
Ngô Nguyên - Việt Dũng - 11/07/2020 09:00
Hơn 5.400 tỷ đồng ngân sách đã được chi cho 44 dự án chống ngập tại TP.HCM trong 4 năm qua, nhưng “đến hẹn lại lên”, người dân Thành phố vẫn khốn khổ vì ngập lụt.

Đã đến lúc, TP.HCM phải xem xét lại và quyết liệt thực hiện các giải pháp chống ngập.

Dự án của Trung Nam Group - một trong những hệ thống ngăn triều giảm ngập tại TP.HCM.

Bài 3: Kế sách điều trị

“Mổ xẻ”, chỉ rõ căn nguyên khiến ngập lụt trở thành “bệnh kinh niên”, các chuyên gia đã đưa ra nhiều kế sách, giải pháp trước mắt và lâu dài để TP.HCM kiểm soát, đầu tư phòng chống ngập lụt hiệu quả.

Hệ thống thoát nước “gánh” 5 lần quy mô thiết kế

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt do triều cường hay mưa lớn tại TP.HCM được ông Đỗ Tấn Long, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM thẳng thắn chỉ ra, là hệ thống thoát nước của Thành phố chỉ đáp ứng quy mô 2 triệu dân. Trong khi đó, dân số đã tăng gấp

5 lần và khối lượng cống thoát nước chỉ đạt gần 70% so với yêu cầu. Chưa kể, hệ thống cống đã xuống cấp, biến dạng và không đồng bộ khi đấu nối ở cửa xả, lòng rạch bị bồi lắng và trữ nước rất kém.

Theo ông Long, để từng bước giải quyết tình trạng ngập, thời gian qua TP.HCM đã triển khai thực hiện các dự án thuộc 2 quy hoạch chính là Quy hoạch Tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 752/QĐ-TTg, ngày 19/6/2001) và Quy hoạch Thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM (được phê duyệt tại Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28/10/2008).

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nổi lên 2 vấn đề vướng mắc là nguồn vốn và điều chỉnh cục bộ quy hoạch. Cụ thể, 2 quy hoạch nói trên đã thể hiện chi tiết các hạng mục công trình chính, song một số dự án nhỏ, lẻ đã xin điều chỉnh quy hoạch cục bộ, làm thay đổi một phần quy hoạch, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, do nguồn vốn không đủ đáp ứng, nên các dự án không thể hoàn thành theo kế hoạch đã đề ra.

Ngoài ra, tình trạng xả rác, lấn chiếm hệ thống thoát nước làm tắc nghẽn dòng chảy cũng ảnh hưởng rất lớn tới công tác chống ngập.

PGS-TS, kiến trúc sư Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) cũng nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ngập lụt tại TP.HCM là do thiếu đầu tư đồng bộ cho hệ thống thoát nước đô thị để đáp ứng tốc độ đô thị hóa.

Điển hình là sự phát triển mạnh dự án nhà ở về phía Nam TP.HCM trên nền đất yếu và thấp, hay sự phát triển tự phát hai bên bờ sông Sài Gòn về phía thượng lưu đã khiến hàng ngàn héc-ta chứa nước bị biến mất.

Việc gia tăng diện tích bề mặt bị bê tông hóa không chỉ làm tăng lượng nước mưa chảy trên bề mặt vì không thể thấm xuống lòng đất, làm giảm lượng nước ngầm và gây lún cho đô thị, mà còn tạo ra hiệu ứng đảo nhiệt, làm gia tăng cả về số lượng và quy mô những cơn mưa nhiệt đới trong khu vực.

Cần khoảng 1,26 tỷ USD cho dự án chống ngập.

Ông Carel Richter, Tổng lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại TP.HCM

Chính quyền TP.HCM đã “đặt hàng” các chuyên gia Hà Lan giải pháp đối phó với tình trạng ngập.

Cụ thể, đề xuất của các chuyên gia Hà Lan gồm 2 thành phần.

Thứ nhất, thiết kế và xây dựng một tuyến đê đa chức năng và kênh thoát nước tại các điểm nóng thường bị ngập hoặc có nguy cơ ngập trong tương lai. Phía dưới tuyến đê sẽ xây dựng các dự án thương mại như bãi đỗ xe, cửa hàng, dịch vụ giải trí để bù chi phí cho nhà đầu tư và thực hiện các hoạt động vận hành, bảo dưỡng.

Thứ hai, xây hồ chứa nước rộng 200 ha để chứa nước mưa cho toàn Thành phố. Hồ này sẽ tạo ra một hệ sinh thái động thực vật phong phú. Đi kèm với đó là các dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch để tạo nguồn thu, trang trải chi phí bảo vệ và duy trì công trình. 

Chúng tôi dự tính cần khoảng 1,26 tỷ USD để thực hiện dự án này. Về phương án huy động vốn, chúng tôi đề xuất thực hiện theo phương thức PPP. Trong đó, đối tác tư nhân sẽ thiết kế, vận hành, xây dựng và bảo trì các công trình phòng chống ngập; chính quyền ban hành các chính sách và cơ chế để đảm bảo thu nhập của các nhà đầu tư một cách công bằng, minh bạch.

Hiện chúng tôi đã sẵn sàng xúc tiến dự án với đối tác để hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi vào cuối năm nay. Giai đoạn tiếp theo của dự án (nghiên cứu khả thi) sẽ mất thêm 2 năm nữa để hoàn thành và sau đó có thể đưa vào xây dựng.

Trong khi tốc độ bê tông hóa tại khu vực ngoại thành ngày càng nhanh, thì tại khu vực nội thành, hệ thống tiêu thoát nước cũ kỹ, hư hỏng, không hoặc chưa được duy tu, bảo dưỡng, nạo vét thường xuyên hoặc chưa hoàn chỉnh…, nên chỉ cần một trận mưa là gây ngập úng nhiều khu vực của Thành phố.

Cả ông Cường và ông Long đều cho rằng, để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước của TP.HCM, cần có nguồn vốn lớn. Vì vậy, phải huy động nguồn vốn từ nhiều phía

để đầu tư tập trung hoàn chỉnh mạng lưới thoát nước đấu nối từ hẻm nhỏ ra hẻm lớn và thông ra các tuyến đường, không chỉ đáp ứng quy mô dân số ở thời điểm hiện tại, mà phải có tầm nhìn xa hơn. Đồng thời, cần chấn chỉnh ngay và hạn chế lấp kênh, rạch; xử lý nghiêm hành vi vứt rác xuống kênh để bảo đảm dòng chảy được thông suốt; đẩy mạnh xây dựng các cống ngăn triều để hình thành một hệ thống hoàn chỉnh…

Kỳ vọng ở hệ thống đê bao

Bên cạnh lý do đầu tư chưa đồng bộ, ông Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM còn chỉ ra nguyên nhân khiến TP.HCM ngập kéo dài là do 2 giai đoạn đầu tư phòng chống ngập lụt, thay vì đồng bộ, thì lại được triển khai ở 2 dự án tách rời nhau.

Đợt đầu tư đầu tiên, theo ông Võ Kim Cương, đã được triển khai cách đây hơn 10 năm và rất tốn kém, nhưng chỉ làm hệ thống cống cho nước tự chảy, chứ không tính tới phương án đê bao cho tình huống nước biển và thủy triều dâng. Hơn nữa, số liệu về cao độ lại tính không đúng với mức thực tế, bởi cột mốc đã bị lún mà không cập nhật chính xác, dẫn tới hàng loạt công trình sau đó dính ngập.

Việc làm đường cũng tương tự. Theo nguyên lý kỹ thuật, thì mặt đường phải cao hơn mực nước cao nhất tối thiểu 50 cm. Nhưng do tính toán không đầy đủ, rồi san lấp mặt bằng không đủ cốt cao độ theo thiết kế, cộng thêm mốc trắc địa bị lún, nên mới có hiện tượng nước từ dưới cống chảy ngược lên đường.

Như vậy, phương án thoát nước của đợt đầu tư đầu tiên gần như không đạt yêu cầu.

Lần đầu tư thứ 2 mới đây đang triển khai phương án đê bao và hệ thống cống ngăn triều (Dự án Ngăn triều với vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng do Trung Nam Group làm chủ đầu tư là điển hình), lại là một phương án mới.

Dù chưa đồng bộ, nhưng ông Cương cho rằng, đầu tư xây dựng đê bao rất cần thiết, thậm chí là yếu tố quyết định hiệu quả chống ngập. “Về mặt kỹ thuật, nếu các hệ thống bên trong không bị hư hỏng, tắc nghẽn, thì khi xây dựng xong đê bao này sẽ làm cho mực nước ở các kênh rạch thấp xuống, nước trong thành phố có thể chảy ra được. Vì vậy, tôi rất hy vọng hệ thống đê bao sẽ “cứu vãn” cả chi phí đã đầu tư trong giai đoạn đầu”, ông Cương nói.

Kiểm soát phát triển đô thị

Không phủ nhận hiệu quả từ giải pháp xây dựng đê bao hay hệ thống cống tiêu thoát nước, nhưng PGS-TS, kiến trúc sư Lưu Đức Cường cho rằng, trong điều kiện kinh tế và nguồn lực hạn chế như hiện nay, không thể triển khai toàn diện và kịp thời các giải pháp này. Do vậy, cần phải có giải pháp quản lý đô thị để hỗ trợ những giải pháp truyền thống, nhằm làm chậm dòng chảy tràn, gia tăng không gian điều tiết, giảm sụt lún…

Theo đó, phải kiểm soát phát triển đô thị hợp lý; khuyến khích phát triển đô thị tại khu vực có địa hình cao như khu vực đô thị trung tâm hiện hữu và hướng Bắc, Tây Bắc gắn với Củ Chi, Hóc Môn, dọc Quốc lộ 22… Tuy nhiên, nếu xét về hiệu quả đầu tư, thì đây lại là khu vực kém hấp dẫn so với các hướng khác, nên cần có cơ chế để khuyến khích.

Cùng với đó, cần siết chặt và kiểm soát đối với khu vực đô thị hóa có địa hình thấp như hướng Đông Bắc (quận 2, 9, Thủ Đức); hướng Tây Nam dọc Quốc lộ 1 (quận Bình Tân, huyện Bình Chánh; hướng Nam, Đông Nam tiến ra biển (huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ).

Việc phát triển tại các khu vực này cần được thiết kế, quy hoạch hợp lý để loại bỏ những nguyên nhân gây ngập lụt như hiện nay. Riêng đối với những khu vực đất trũng, thấp, cần đặc biệt quan tâm đến tác động môi trường, tính khả thi và hiệu quả đầu tư.

Để kiểm soát phát triển đô thị hợp lý, theo ông Cường, TP.HCM cần quy định diện tích bề mặt tự nhiên tối thiểu trong mỗi lô đất, yêu cầu các công trình lớn phải có bề mặt chứa nước mưa, xây dựng “vỉa hè xanh”, xây dựng các điểm trữ nước tạm thời khi có mưa lớn; sử dụng những không gian xanh chưa bị đô thị hóa ven sông để mở rộng lòng sông hoặc xây dựng những công viên có khả năng chứa nước.

Đặc biệt, TP.HCM phải kiên quyết chống hiện tượng xây dựng tự phát trên đất ven nội thành và dọc các tuyến đường ngoại thành; chỉ phát triển đô thị trên quỹ đất đã được dự trữ theo quy hoạch.

Tin liên quan
Tin khác