Thời sự
Phòng chống xâm hại trẻ em: Đâu là tình thương, đâu là bất nhẫn?
Nguyên Vũ - 27/05/2020 14:49
Đại biểu Quốc hội nêu góc khuất xâm hại trẻ em được khoác lên mình lớp vỏ bọc văn hóa.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương).

Đó dường như không phải là một câu hỏi, mà là cảm thán của đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) khi đề cập nhiều góc khuất khác về hành vi xâm hại trẻ em, chưa được đề cập trong báo cáo giám sát được Quốc hội xem xét sáng 27/5.

Phiên giám sát tối cao của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em chứng kiến nhiều cung bậc cảm xúc của đại biểu Quốc hội, từ cảm thông, giận dữ cho đến đau đớn, đại biểu Nhân nhận xét.

Theo đại biểu, dù các hành vi xâm hại trẻ em đã được soi rọi qua nhiều lăng kính quy định pháp luật, các vụ xâm hại được đưa ra công luận và xử lý tới cùng, song vẫn còn nhiều góc khuất khác về hành vi xâm hại mà một trong số đó vẫn đang diễn ra công khai, thậm chí còn được cổ súy nhưng chưa được nhìn nhận trong báo cáo giám sát lần này, vì có lẽ nó được khoác lên mình lớp vỏ bọc văn hóa.

Làm sao đong đếm

Khi cậu bé mới 4 tuổi òa khóc vì không đạt giải nhất trong Gameshow “Biệt tài tí hon” thì có người xem nào đặt câu hỏi, liệu ở đây, ai đã có hành vi xâm hại trẻ em, ông Nhân nêu một ví dụ.

Vấn đề đại biểu đặt câu hỏi là việc làm cho một đứa trẻ vừa lên 4 phải bật khóc nức nở trên sóng truyền hình vì thua người khác và clip đó tồn tại với thời gian được hàng triệu người xem trên mạng xã hội, đó có phải là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em, theo đinh nghĩa của luật.

Kể tên hàng loạt chương trình có trẻ em tham gia khác mà theo đại biểu thì đó không đơn thuần là sự bùng nổ các gameshow thiếu nhi mà là sự đối đầu của các nhà sản xuất trước lợi nhuận, bất chấp những giá trị phi đạo đức, ông Nhân đặt vấn đề đã có nghiên cứu nào đong đếm những tổn hại mà các em phải gánh chịu so với những gì mà các em và gia đình nhận được sau mỗi chương trình đó.

"Các kịch bản gameshow đều hướng đến sự cạnh tranh khốc liệt với những chiêu trò nhằm thu hút người xem, mà ở đó trẻ em không khác gì những “con rối” trong tay các nhà sản xuất. Nhìn những giọt nước mắt khi bị loại khỏi cuộc chơi hay những lúc căng như dây đàn mong đến lượt biểu diễn và chờ nghe kết quả thì tội tình gì để những đứa trẻ phải chịu áp lực, mà ngay cả phụ huynh còn phải bật khóc tức tưởi sau cánh gà. Đâu là tình thương và đâu là sự bất nhẫn của người lớn đối với những tâm hồn của những đứa trẻ chỉ mới lên 5, lên 6 tuổi?", ông Nhân tâm tư.

30% trẻ được khảo sát từng bị bắt nạt trên mạng

Quan tâm đến nguy cơ trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) nêu hàng loạt con số đáng chú ý. Đó là, mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh xâm hại trẻ em được đưa lên mạng, cứ 4 trẻ được khảo sát thì có 1 trẻ chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội, 1/3 số trẻ cho biết từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng.

Khẳng định rằng không thể phủ nhận vai trò của Internet, mạng xã hội đối với trẻ em, song đại biểu Thuỷ cũng nêu một số vấn đề từ những tác động xấu, mặt trái của môi trường mạng đối với trẻ, khi Việt Nam thuộc top các quốc gia có lượng người dùng Internet lớn nhất thế giới, với 64 triệu người dùng, chiếm 66% dân số.

Vấn đề đại biểu lo ngại là với công nghệ mạng chưa bao giờ việc tiếp cận với trẻ em và xâm hại trẻ em lại dễ dàng như hiện nay. Theo đại biểu Thuỷ, thủ đoạn mà các đối tượng thường dùng là lập các phòng chat ảo, thiết lập hoặc tham gia các trang web, các diễn đàn trên mạng để tìm kiếm trẻ em và từ đó thả tin nhắn, lời thoại làm quen. Các đối tượng này luôn lấy tên tuổi, hình ảnh giả và tạo ấn tượng ban đầu với các em là người có học thức, có cuộc sống khá giả, hiểu tâm lý, sở thích trẻ em và luôn sẵn sàng chia sẻ.

Sau một thời gian trò chuyện thì chuyển chủ đề từ học hành, sở thích sang chủ đề về giới, về tình dục và lôi kéo trẻ cùng xem phim, xem các hình ảnh khiêu dâm trên mạng. Bước tiếp theo là dụ dỗ trẻ phơi bày các bộ phận cơ thể, tạo dáng biểu diễn tình dục trước máy quay giống như là trong phim. Khi đã có được những hình ảnh, đoạn phim của trẻ thì các đối tượng ép trẻ phải quan hệ tình dục, nếu không sẽ phát tán hình ảnh lên mạng.

Đại biểu Thuỷ cũng nhấn mạnh, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng để lại hậu quả lớn hơn rất nhiều so với các vụ xâm hại ở ngoài xã hội bởi hình ảnh xâm hại có thể theo các em suốt cuộc đời.

Bà Thuỷ  lấy ví dụ một vụ án xảy ra tại Đà Nẵng, với thủ đoạn đăng tin cần tuyển lao động với mức lương cao trên mạng xã hội, 5 đối tượng đã tiếp cận bé gái 15 tuổi tại căn hộ chúng thuê ở quận Sơn Trà, sau đó là cho tiền, dụ dỗ bé gái biểu diễn tình dục và live stream phát trực tiếp trên mạng xã hội có thu phí và đã thu hút nhiều triệu người xem clip này.

Vị đại biểu thành viên Uỷ ban Tư pháp cũng đề cập những khó khăn trong phòng ngừa và điều tra tội phạm trên môi trường mạng khi các đối tượng phạm tội hầu hết đều thành thạo công nghệ, thông tin về kẻ phạm tội đều ảo, ẩn danh, các máy chủ hầu hết đặt ở nước ngoài cho nên dễ dàng xóa, hủy chứng cứ. Do đó, còn rất nhiều kẻ phạm tội xâm hại trẻ em vẫn đang nhởn nhơ trên mạng xã hội.

Tin liên quan
Tin khác