Bệnh nhân N.V.K (nam, 82 tuổi, Thái Bình) nhập viện tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ở ngày thứ 6 của bệnh sốt xuất huyết. Ban đầu, ông chỉ sốt nhẹ và mệt mỏi nhưng nhanh chóng xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như sốt cao 39°C, tiểu cầu giảm sâu chỉ còn 7 G/L (thấp hơn mức bình thường tới 21 lần), và xuất huyết tiêu hóa gây đi phân đen.
Sau khi nhập viện, ông được chỉ định truyền tiểu cầu để hỗ trợ đông máu. Tuy nhiên, máu chảy trong các mô cơ ở vùng ngực và tay trái khiến bệnh nhân đau nhức dữ dội, cơ bắp căng cứng và chuyển màu tím bầm. Thậm chí, bệnh nhân mất một nửa lượng máu trong cơ thể, chỉ số huyết sắc tố (Hgb) giảm mạnh từ 140 T/L xuống còn 70 T/L, đẩy ông vào tình trạng nguy kịch.
Sau 9 ngày điều trị tích cực với các chế phẩm máu, tiểu cầu bệnh nhân tăng lên 57 G/L, tình trạng xuất huyết tiêu hóa tạm thời ổn định.
Ảnh minh hoạ |
Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn cảnh báo nguy cơ xuất huyết trong cơ vì biến chứng này rất khó kiểm soát bằng các biện pháp thông thường. Sau nửa tháng điều trị, bệnh nhân đã xuất viện, nhưng trường hợp này là lời cảnh báo về mức độ nguy hiểm của sốt xuất huyết và sự cần thiết của việc phát hiện, điều trị kịp thời.
Theo Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, vừa qua, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện tăng cao, đặc biệt tại các khu vực ngoại thành Hà Nội như Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, và các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình.
Một bệnh nhân nam (25 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) nhập viện sau 5 ngày sốt cao, được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue với suy gan nặng và tiểu cầu tụt nhanh. Bệnh nhân nữ (62 tuổi, Đan Phượng, Hà Nội), mắc sốt xuất huyết Dengue type 2, diễn biến xấu với tình trạng suy đa tạng, phải thở máy, lọc máu liên tục nhưng tiên lượng nguy kịch.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, nhận định sốt xuất huyết Dengue đang có xu hướng xảy ra sớm hơn mọi năm và mức độ nghiêm trọng gia tăng.
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue, lây truyền qua muỗi Aedes aegypti. Bệnh diễn biến qua ba giai đoạn:
Giai đoạn sốt: Sốt cao, đau nhức cơ khớp, xuất huyết nhẹ, tiểu cầu giảm.
Giai đoạn nguy hiểm: Từ ngày thứ 3 đến thứ 7, xuất hiện thoát huyết tương, suy hô hấp, xuất huyết nội tạng, nguy cơ sốc và suy đa tạng.
Giai đoạn hồi phục: Từ ngày thứ 7 đến thứ 10, tiểu cầu tăng, bệnh nhân dần ổn định.
Những người có bệnh nền, đặc biệt là cao tuổi, có nguy cơ cao gặp biến chứng như xuất huyết nặng, suy gan, suy thận, hoặc suy đa tạng. Đặc biệt, việc sử dụng thuốc không đúng cách, như Aspirin hay Ibuprofen, có thể làm tình trạng xuất huyết trở nên nghiêm trọng hơn.
Để phòng ngừa, cần loại bỏ môi trường nước đọng, xử lý các khu vực tối tăm ẩm thấp và sử dụng màn chống muỗi khi ngủ, vì vậy việc nhận biết các triệu chứng sớm và điều trị kịp thời là yếu tố quan trọng để giảm thiểu nguy cơ biến chứng.
PGS.TS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh, khi có triệu chứng sốt cao đột ngột, đau nhức cơ thể, xuất huyết bất thường, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Việc phát hiện và điều trị kịp thời có thể cứu sống bệnh nhân và hạn chế nguy cơ biến chứng nghiêm trọng”.