Phong thủy, điểm cộng của dự án
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, kiến trúc sư, chuyên gia phong thủy Hoàng Trà, Phó viện trưởng Viện Lý học phương Đông cho biết, hiện nay, sự quan tâm của người dân về phong thủy ngày càng lớn. Các ứng dụng của phong thủy ngày càng được chú ý, từ việc chọn đất, cất nhà hộ gia đình, cho đến việc lựa chọn phong thủy, bố trí phong thủy cho các dự án quy mô lớn, từ vài héc-ta cho đến cả trăm héc-ta.
Thực tế, trao đổi với các chủ đầu tư, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản cũng ghi nhận vấn đề phong thủy tổng thể của dự án được nhiều chủ đầu tư đặc biệt quan tâm. Trong đó, nhiều dự án thường có xu hướng “tọa sơn, hướng thủy”, hay dự án được bổ sung bằng các hồ nước, dòng sông nhân tạo, núi nhân tạo. Yếu tố sơn, thủy được vận dụng khá phổ biến, một mặt vừa tạo cảnh quan, một mặt vừa giúp thỏa mãn các yếu tố về phong thủy.
Phong thủy hiện giờ không chỉ là yếu tố cần có trong các dự án, mà còn là một trong những “từ khóa” để quảng cáo và truyền thông bán hàng. Các dự án có thể dễ dàng cạnh tranh nhau bởi các yếu tố mang tính kỹ thuật như chất lượng xây dựng, công năng, tiện ích…, nhưng nếu có phong thủy tốt, thì đây thực sự là một điểm cộng. Bởi với không ít khách hàng, nhất là những khách hàng có chút ít am hiểu và quan tâm về phong thủy, đôi khi yếu tố này lại mang tính quyết định trước vô vàn dự án, sự lựa chọn.
Quan niệm về phong thủy và cuộc sống
Nhiều người trong chúng ta vẫn thường nghe không ít đúc rút của các bậc tiền nhân răn dạy mỗi người về đạo sống, trong đó có câu nói quen thuộc là: “Tâm còn chưa thiện, phong thuỷ vô ích”.
Theo chuyên gia Hoàng Trà, xuất xứ của câu nói này đến nay vẫn còn nhiều nhận định khác nhau, nhiều người cho rằng tác giả là Khổng Tử, có người lại nói là do Lâm Tắc Từ (đều là người Trung Quốc) tổng hợp. Tuy nhiên, theo ông Trà, điều đó cũng không quan trọng, quan trọng là chúng ta có học được đạo lý này và hành động theo hay không.
Ông Trà cho biết, có người dựa vào câu này để cho rằng, môn Địa lý phong thủy không giúp ích được gì đời sống con người. Tuy nhiên, nhìn nhận như vậy là chưa thấu đáo. Cần biết rằng, “Pháp” nào cũng có hữu dụng, chẳng qua người sử dụng với mục đích và cái tâm như thế nào.
“Làm người phải lấy chữ “hiếu” làm đầu. Trước hết là báo hiếu bố mẹ, chăm lo ăn uống, sức khỏe, nơi ăn, chốn ở cho trọn đạo làm con. Kế tiếp là báo hiếu gia tiên, thờ cúng chu toàn và lo phần mồ mả êm ấm. Ngay cả nhà ở, nơi thờ tự, phần mộ khi xây sửa mà không sắp đặt phong thủy, có thể dẫn đến bị phạm, rồi ảnh hưởng xấu cho cả dòng họ và gia đình. Như vậy có phải là có lỗi lớn không?”, ông Trà nhìn nhận.
Theo ông Tra, nếu không biết về phong thủy, thì nên mời thầy giúp. Làm người, nếu sống có tâm đức thì sẽ mời được thầy có đạo và tâm, tầm, tài… Còn tâm không thiện, thì sẽ mời phải thầy phong thủy dỏm, có làm phong thủy cho cũng vô ích. Thế nên mới có câu: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” và “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” là vì thế.
Chuyên gia Hoàng Trà cho biết, những điều răn dạy ở trên đều là đạo làm người, chính là tu thân và tề gia, trong Đạo giáo: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Trong đạo Phật lại dạy: "Thứ nhất tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa".
Tại gia mà bất hiếu với cha mẹ, ban thờ thì hương tàn khói lạnh, mồ mả thì quên lãng…, thì có đến của chùa và đền lễ lạt, các quan Thần linh và gia tiên cũng chẳng chứng và ban lộc cho. Do đó, tại gia mà còn bất hiếu thì dù có ban thờ các quan và gia tiên hoành tráng mấy đi nữa, thì cũng chẳng ai ban lộc cho, có mời thầy nào đặt phong thủy cho nhà mình ở cũng không phát.
Với các thầy phong thủy, các cụ có câu: “Nhất yểu, nhì bần, tam vô tự”.
Về ý “Nhất yểu” ở đây muốn nói là nhiều thầy dù giỏi về địa lý phong thủy, nhưng không được học về đạo pháp, không tin về tâm linh, nên khi đặt phong thủy mộ mả cho nhà người ta thì đặt một cách tùy tiện, thậm chí có người còn tùy tiện án ngữ cho chùa đền miếu mạo, nên bị người âm và các bề trên quở trách, rất dễ bị tai nạn, mắc bệnh hiểm nghèo, dẫn đến chết yểu.
Về ý “Nhì bần”, ý nói thầy phong thủy địa lý không biết phúc phần nhà gia chủ nhiều ít ra sao, mà dám đặt mộ cho nhà người ta thì sẽ bị ảnh hưởng tới chính phúc phần của nhà thầy. Nếu phúc của nhà đó chỉ là trung gia, mà thầy địa lý phong thủy đặt cho thành đại gia, thì phúc nhà ông thầy phải bù vào; ngược lại, phúc nhà đó là đại gia mà thầy phong thủy địa lý không giỏi đặt thành tiểu gia, thì phúc của ông thầy cũng phải bù vào. Mà phúc cứ bị hao dần, thì thầy địa lý phong thủy giàu làm sao được. Dù có được trả công cao như thế nào, thì chỉ vài năm sau là hết sạch.
Về ý “Tam vô tự”, ý nói nhiều nhà gặp nghiệp tuyệt tự, thầy phong thủy đến đặt mộ cho có con trai, nhưng thầy địa lý phong thủy không giỏi về tâm linh và không hiểu đạo, nên nghiệp của nhà đó chuyển sang thầy. Nhiều thầy phong thủy địa lý đặt mộ cho dòng họ đó phát về nhân đinh, mà dòng họ đó không có phúc này, thì thầy phải bù phúc cho nhà gia chủ, nên nhà thầy địa lý phong thủy sẽ bị ít dần nhân đinh...
“Trong giới làm thầy không có thầy nào tự nhận mình kém, thầy nào cũng cho mình là số một. Bản thân các thầy bây giờ học được pháp, nhưng đa số mải mê với pháp mà không học đạo. Đây cũng là điều mà mỗi người làm nghề về phong thủy cần xem xét lại để có được việc hành đạo tốt và giúp được nhiều người”, chuyên gia phong thủy Hoàng Trà nhấn mạnh.