Trong thành công của kinh tế Việt Nam hôm nay, dù khó khăn phía trước còn lớn, vẫn luôn có một “bờ vai” nhỏ của các nhà báo cùng chung gánh vác. |
Khi kinh tế cũng trở thành… “chiến trường”
Covid-19 đã được kiểm soát tốt, nhịp sống bình thường gần như đã quay trở lại, nhưng lúc trà dư tửu hậu, đám phóng viên kinh tế vẫn nhớ về “những ngày xưa cũ” - tác nghiệp thời Covid-19.
“Những năm tháng không thể nào quên”, dường như tất cả đều có chung câu nói đó.
Cũng đúng thôi, bởi có khi nào phóng viên kinh tế lại quan tâm cả những vấn đề về y tế. Cũng thao thức, trăn trở khi số ca Covid-19 tăng lên từng ngày. Không phải chỉ vì lo cho sức khỏe của mình, của gia đình, hay cả cộng đồng, mà còn vì lo cho những diễn biến kinh tế liên tục “nhảy số”, mà có khi nay vừa đưa tin, mai lại trở nên… lạc hậu.
Kinh tế vĩ mô, xưa nay vẫn bị “chê” vì không chỉ khô khan, khó nhằn, toàn nói những chuyện tưởng như “trên mây, trên gió”, bỗng trở nên “nóng”, được cả xã hội quan tâm. Thời Covid-19, có gì quan trọng hơn là chuyện dịch bệnh và chuyện kinh tế, chuyện cơm áo gạo tiền như thế nào?
Thế nên, phóng viên kinh tế trở nên bận rộn hơn bao giờ hết. Đề tài ăm ắp và thay đổi từng ngày. Từ chuyện liệu tăng trưởng kinh tế năm nay có đạt, đến chuyện tắc hàng hóa ở cửa khẩu. Rồi chuyện thiếu nguồn cung, chuyện sản xuất “ba tại chỗ”; chuyện lo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng…
Thời Covid, chống dịch như chống giặc, mà chống suy giảm kinh tế cũng như chống giặc. Bởi vậy, tác nghiệp… thời chiến vất vả, khó khăn, mà cũng lắm niềm vui.
Khó nhất là khi các biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện, ra đường còn khó, nói gì đến đi tác nghiệp. Muốn phỏng vấn trực tiếp chẳng khác nào lên hỏi… ông giời. Chuyên gia kinh tế cũng lắc đầu quầy quậy. Cũng may mà thời đại 4.0, không “hẹn hò” trực tiếp được thì điện thoại, email, sử dụng zoom, skype… Bài phỏng vấn, lời trích… vẫn lên báo tơi tới.
Thời ấy, muốn ra đường phải có giấy đi đường. Tòa soạn cũng tạo điều kiện lắm, nhất là với phóng viên y tế và kinh tế, nhưng hiềm nỗi, Hà Nội “5 lần 7 lượt” thay mẫu giấy đi đường, lại “đòi” kê rõ đi làm ngày nào, thời gian nào, cung đường nào. Mà phóng viên, biết đâu ngày giờ nào phải lên đường tác nghiệp.
“Sếp” thì cứ theo lệ thường, thứ Bảy, Chủ nhật là “chừa” ra, cả nước nghỉ, hà cớ gì phóng viên ra đường. Nhưng phóng viên y tế, kinh tế la oai oái, bảo rằng “các cụ” giờ họp bất kể ngày đêm, vì dịch bệnh căng thẳng và kinh tế cũng căng thẳng, làm gì có khái niệm thứ Bảy, Chủ nhật. Cũng may, Hà Nội rồi cũng “quay xe”, giấy đi đường cũ cũng vẫn dùng được. Phóng viên ra đường, vẫn thoải mái tác nghiệp trong “thời chiến”.
Nhà báo và dấu ấn điều hành của Chính phủ
Thực ra, phóng viên kinh tế vĩ mô bận hay không, ra đường tác nghiệp hay không phụ thuộc nhiều vào các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của các bộ chuyên ngành. Mà hơn 2 năm qua, các thành viên Chính phủ, nhất là Thủ tướng Chính phủ dường như chẳng có ngày nghỉ.
Còn nhớ, năm 2020, đầu tháng 1, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Trung Quốc, kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam bắt đầu bị ảnh hưởng. Khó xuất khẩu, khó cả nhập khẩu nguyên phụ liệu cho sản xuất trong nước.
Giữa tháng 2, khi Việt Nam chỉ mới bắt đầu có ca nhiễm đầu tiên, nhưng dự báo dịch bệnh có thể ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã triệu tập một cuộc họp trong nội bộ và cả với Tổ tư vấn của Bộ trưởng để đánh giá tình hình, đưa ra những dự báo đầu tiên về tác động của Covid-19 tới nền kinh tế.
Nhiều vấn đề được đề cập đến nỗi, cuộc họp kéo dài tới tối mịt, qua cả giờ cơm tối. Văn phòng Bộ lập tức chuẩn bị, nào sữa, nào xôi… để các thành viên có sức họp tiếp.
Nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu cho “hành trình” làm việc xuyên ngày, xuyên đêm của Chính phủ trong suốt thời gian dịch Covid-19 hoành hành. Những nỗi lo đầu tiên về gián đoạn chuỗi cung ứng ở vùng biên cuối cùng trở nên quá bé nhỏ so với những diễn biến sau này.
Sau những ca bệnh đầu tiên ở Trung Quốc, là lúc cả thế giới chống chọi với dịch bệnh lan tràn. Việt Nam năm 2020 chống dịch rất tốt, nhưng khi cả thế giới “toang” vì Covid-19, kinh tế Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những tưởng mọi việc rồi sẽ suôn sẻ qua đi, nhưng rồi cuối tháng 1/2021, dịch bệnh bùng phát ở các tỉnh như Hải Dương, Đà Nẵng. Tháng 4/2021, là trung tâm sản xuất công nghiệp ở khu vực phía Bắc, như Bắc Ninh, Bắc Giang. Tới giữa năm và kéo dài hàng tháng trời, là dịch bệnh hoành hành ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Dịch bệnh tới, nỗi lo sức khỏe của nhân dân là một chuyện, lo kinh tế suy giảm cũng lớn không kém. Thế là các cuộc họp liên tục được tổ chức sáng - tối, khi bàn làm sao thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, làm sao vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất, làm sao không lỡ nhịp phục hồi của thế giới… Các giải pháp, chính sách liên tục được bàn thảo và tung ra, kịp thời, chính xác và nhận được sự đồng tình rất lớn của dư luận. Khi thì hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, lúc hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó. Các “tư lệnh” ngành y tế chỉ đạo đi từng phố, gõ từng nhà để chống dịch, thì các “tư lệnh” của các ngành kinh tế, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng đi xuống từng dự án, từng doanh nghiệp, từng địa phương để gỡ khó, thúc đẩy kinh tế…
Còn Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, vừa lo chỉ đạo chống dịch, vừa lo chỉ đạo phát triển kinh tế. Lo từng liều vắc-xin cho dân, lo điều trị các ca bệnh nặng, rồi khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, kịp thời chuyển hướng chính sách sang “sống chung” với Covid-19. Chính sự chuyển hướng kịp thời này đã góp phần quan trọng đưa nền kinh tế từng bước vượt qua khó khăn, bắt đầu chu kỳ phục hồi.
Để không bỏ lỡ cơ hội phục hồi, một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được xây dựng để trình Chính phủ thông qua. Bây giờ là tiếp tục chỉ đạo các giải pháp để thực thi nhanh và hiệu quả chương trình này, tiếp tục thực thi các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Đi cùng” để phản ánh từng bước chân đó, đội ngũ phóng viên kinh tế cũng miệt mài, chăm chỉ không kể ngày đêm. Thế nên, trong thành công của kinh tế Việt Nam hôm nay, dù khó khăn phía trước còn lớn, vẫn luôn có một “bờ vai” nhỏ của các nhà báo cùng chung gánh vác. Chí ít, là nỗ lực tạo sự đồng thuận trong xã hội về các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ…