Thưa ông, để du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, Phú Yên cần làm gì?
Việc đầu tiên là phải huy động các nguồn lực để phát triển du lịch với tốc độ nhanh và bền vững. Phát triển du lịch gắn kết toàn diện với kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường. Kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng, hội nhập với gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa bản địa gắn với lợi ích cộng đồng dân cư, xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị, tôn tạo và bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái.
Đồng thời, phát huy hiệu quả tổng hợp các tài nguyên du lịch và các lợi thế về vị trí địa lý, tăng cường hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong cả nước, các tỉnh trong khu vực duyên hải miền Trung, các tỉnh Tây Nguyên, mở rộng hợp tác với các tỉnh thuộc Nam Lào và Campuchia… để tạo điều kiện thu hút các nguồn lực đầu tư cho du lịch, đảm bảo tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao.
Ông Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên |
Phú Yên cần phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo quy hoạch để tạo đột phá theo hướng phát triển nhanh và bền vững; tránh đầu tư dàn trải, manh mún, nhỏ lẻ. Tập trung đầu tư các tuyến, điểm du lịch phát huy được ưu thế của các di tích, danh thắng quốc gia, lợi thế so sánh về tài nguyên du lịch biển, đảo, đầm, vịnh, rừng núi và nét văn hóa đặc trưng. Ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư có năng lực mạnh.
Cuối cùng, Phú Yên cần phải giữ gìn và tôn tạo các giá trị bản sắc văn hóa, tự nhiên, để xây dựng nên các loại hình và sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh và của cả vùng duyên hải miền Trung, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Ông có thể nói cụ thể hơn về mục tiêu này?
Tỉnh xác định, phát triển du lịch là nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, phát triển du lịch cũng giúp nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng của tỉnh như các khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, dịch vụ.
Do đó, Phú Yên sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tại các di tích lịch sử văn hóa, danh thắng, phát triển nhanh loại hình du lịch biển đảo; hình thành các tour du lịch chuyên đề như: tham quan, nghỉ dưỡng biển; du lịch văn hóa, lễ hội; du lịch khám phá, mạo hiểm… gắn với việc phục vụ khách tốt nhất, để từng bước hình thành những điểm du lịch văn minh, lịch sự, an toàn; sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, mang đậm bản sắc Phú Yên. Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh được công nhận 1 khu du lịch quốc gia tại khu vực vịnh Xuân Đài - đầm Cù Mông - bãi biển Từ Nham - gành Đá Đĩa và một số khu du lịch địa phương, điểm du lịch quốc gia; hình thành một số khu du lịch cao cấp. Duy trì nhịp độ phát triển ngành du lịch, phấn đấu đến năm 2020, GDP du lịch chiếm 7,2% GDP toàn tỉnh.
Du lịch gắn liền với thị trường, vậy đâu là thị trường mà ngành du lịch Phú Yên cần nhắm đến?
Theo quy hoạch, thị trường khách quốc tế trọng điểm của Phú Yên gồm các nước và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc; thị trường các nước Đông Nam Á trong đó chủ yếu là Campuchia, Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan. Đây là thị trường trọng điểm hàng đầu. Các thị trường Bắc Mỹ (Mỹ, Canada), thị trường Tây Âu (Đức, Anh, Pháp, Hà Lan...) và thị trường Australia cũng được quan tâm khai thác.
Trong khi đó, thị trường khách nội địa sẽ chú trọng khai thác các nguồn khách đến từ TP.HCM, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long qua hệ thống đường không, đường bộ. Đặc biệt, chú trọng phát triển thị trường khách từ các tỉnh Tây Nguyên, mở rộng thị trường khách từ Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc, các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Sản phẩm chủ lực của du lịch Phú Yên là gì, thưa ông?
Tỉnh Phú Yên xác định các sản phẩm du lịch chủ yếu của địa phương là du lịch nghỉ dưỡng biển, tham quan khám phá các vùng cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh độc đáo...
Ngoài ra, còn khai thác sản phẩm du lịch gắn với sinh thái như: tham quan, nghỉ dưỡng khu vực miền núi, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch gắn với các hệ sinh thái đầm, vịnh, hồ; các khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng cấm quốc gia… Chú trọng phát triển du lịch gắn với văn hóa: tham quan di tích, nghiên cứu, du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực, du lịch lễ hội, làng nghề, du lịch tâm linh.
Bên cạnh định hướng thị trường và phát triển sản phẩm chủ lực, ngành du lịch Phú Yên cũng hoạch định rõ tổ chức không gian du lịch đến năm 2020. Trong đó, nhấn mạnh vào các không gian du lịch như trung tâm TP. Tuy Hòa và phụ cận, sản phẩm du lịch gắn với các tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn...