Đồng bộ hạ tầng giao thông
“Đến Phú Yên bây giờ không còn khó khăn nữa. Bạn muốn đến bằng hướng nào cũng đều được. Từ Tây Nguyên xuống qua Quốc lộ 25, theo đường bay từ TP. HCM hay Thủ đô Hà Nội đến Tuy Hòa bằng đường hàng không. Còn đường sắt, đường bộ, Phú Yên nằm trên trục Quốc lộ 1A”, câu giải thích ngắn gọn của một tình nguyện viên trong những ngày diễn ra cuộc thi Hoa hậu Hữu nghị ASEAN 2017 được tổ chức tại Phú Yên đã phác thảo khá rõ bức tranh hạ tầng giao thông của mảnh đất, mà lâu nay vẫn bị “gác chắn” bởi đèo Cả (phía Nam) và đèo Cù Mông (phía Bắc).
Còn với giao thông nội bộ, Phú Yên cũng đã cơ bản đồng bộ được mạng lưới giao thông trong tỉnh. Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Phú Yên Nguyễn Thành Trí cho biết, hệ thống đường bộ của tỉnh được đầu tư nâng cấp, xây dựng tương đối đồng bộ, tạo kết nối thông suốt trên toàn bộ địa bàn tỉnh.
Cảng hàng không Tuy Hòa - lợi thế cơ bản về hạ tầng của Phú Yên. |
Đó là trục giao thông phía Tây (nay là Quốc lộ 19C) kết nối 3 tỉnh Bình Định - Phú Yên - Đắk Lắk đã hoàn thành, giúp thúc đẩy phát triển giao thương và giao lưu văn hóa giữa các vùng. Dọc tuyến Quốc lộ 1A (đoạn qua Phú Yên), 2 dự án hầm đường bộ qua đèo Cả và đèo Cù Mông cũng đang được khẩn trương thi công phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, góp phần chia sẻ áp lực, hạn chế tai nạn giao thông trên cung đường vượt các đèo này.
Các tuyến đường kết nối các huyện miền xuôi với miền ngược, các địa phương ven biển cũng đã được chú trọng đầu tư. Cụ thể, tuyến đường ven biển từ thị xã Sông Cầu đến cảng Vũng Rô đang được triển khai, đến nay đã hoàn thành đoạn từ Nam cầu Hùng Vương đến Bắc cầu Đà Nông và cầu An Hải. Còn tuyến đường Xuân Phước - Phú Hải (ĐT 646) dài hơn 30 km nối 2 huyện miền núi Sơn Hòa - Đồng Xuân cũng vừa được hoàn thành...
Dẫu những nỗ lực của tỉnh Phú Yên thời gian qua đầu tư cho hạ tầng là đáng ghi nhận, nhưng theo UBND tỉnh Phú Yên, hiện nguồn thu ngân sách của tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 45% nguồn chi, phần còn lại Trung ương trợ cấp, nên nguồn lực đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng còn hạn chế.
Để giúp địa phương phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong nhiều lần làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải, UBND tỉnh Phú Yên đã đề nghị bộ chủ quản ngành giao thông quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ để sớm triển khai xây dựng một số dự án hạ tầng giao thông cấp thiết như đầu tư xây dựng cầu Đà Rằng và cầu Sông Chùa trên tuyến Quốc lộ 1A cũ, hoàn chỉnh hạ tầng cửa ngõ phía Nam của TP. Tuy Hòa.
Đồng thời, sớm cho triển khai Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 25 đoạn qua tỉnh Phú Yên. Hiện Dự án mới xây dựng gần 17 km, các đoạn còn lại (trên 53 km) đang phải tạm dừng, nên chưa phát huy hết tác dụng đầu tư. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đề nghị Trung ương đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 29 đoạn qua tỉnh Phú Yên với tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng...
Hoàn thiện hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp
Hiện nay, tỉnh Phú Yên có Khu kinh tế Nam Phú Yên và 5 khu công nghiệp (Hòa Hiệp 1, Hòa Hiệp 2, An Phú, Đông Bắc Sông Cầu 1 và Đông Bắc Sông Cầu 2). Theo định hướng phát triển mang tính đột phá theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên đến năm 2020, việc đầu tư phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên gắn với Khu kinh tế Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, lấy Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô làm động lực để thu hút đầu tư, lấp đầy các khu chức năng trong khu kinh tế như Khu công nghiệp Hòa Tâm, các khu công nghiệp đa ngành; khu phi thuế quan, khu công nghệ cao... là hướng đầu tư chủ đạo.
Trong đó, chú trọng các ngành công nghiệp sau lọc dầu và các ngành công nghiệp hỗ trợ. Xây dựng Tiểu khu kinh tế Đông Bắc Sông Cầu gắn với Khu kinh tế Nhơn Hội của tỉnh Bình Định, đặc biệt khuyến khích đầu tư phát triển vào các ngành kinh tế trọng điểm mà tỉnh có lợi thế như: hóa dầu, đầu tư kết cấu hạ tầng và đô thị, hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các nhà máy chế biến thủy sản, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, nhà máy xử lý nước thải, rác thải...
Những tín hiệu vui trong năm 2016 vừa qua phần nào nói lên những nỗ lực của Phú Yên trong việc chú trọng đầu tư hạ tầng và cải cách hành chính, khi nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước như Sport ToTo, Ô tô Trường Hải, Mường Thanh, Vingroup, TH True Milk, Công ty Golden Turf Club Pty. Ltd (chủ đầu tư Trường đua ngựa Phú Yên)… đã đến Phú Yên tìm hiểu cơ hội đầu tư và nghiên cứu xúc tiến một số dự án trọng điểm để triển khai trong thời gian tới. Những dự án của các nhà đầu tư tên tuổi đó, được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi bộ mặt đô thị Tuy Hòa.
Theo ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, với các dự án hạ tầng quan trọng được đầu tư thời gian qua, cùng với tiến độ tốc hành của Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả, Dự án Hầm đèo Cù Mông đang được đầu tư và gấp rút hoàn thành thời gian tới, sân bay Tuy Hòa được nâng cấp, Dự án Cảng Bãi Gốc, Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô đã được động thổ san lấp mặt bằng… đã đưa Phú Yên trở thành cửa ngõ quan trọng cho cả vùng. Đó cũng sẽ là tiền đề cho sự bứt phá của Phú Yên trong thời gian tới.
Cần sớm đầu tư, nâng cấp kỹ thuật sân bay Tuy Hòa
Ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên
Việc hoàn thiện hạ tầng đến các KKT, KCN và hạ tầng các KKT, KCN là rất quan trọng tạo tiền đề cho Phú Yên phát triển thời gian qua. Tuy nhiên, Bộ Giao thông - Vận tải cần sớm đầu tư, nâng cấp kỹ thuật sân bay Tuy Hòa phục vụ sự phát triển chung của tỉnh, khu vực, nâng tần suất bay và mở thêm các đường bay mới từ Tuy Hòa đi một số tỉnh trong nước. Đặc biệt, mở đường bay quốc tế, đáp ứng nhu cầu vận tải và đón khách du lịch từ Liên bang Nga đến Tuy Hòa.
Dự án Đầu tư cầu Đà Rằng (Phú Yên) rất cấp thiết
Ông Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Bộ GTVT
Dự án Đầu tư cầu Đà Rằng Phú Yên rất cấp thiết. Nguồn vốn triển khai sẽ được bố trí từ vốn dư từ Dự án Cải tạo Quốc lộ 1. Bộ Giao thông - Vận tải sẽ hỗ trợ tối đa, góp phần phát triển hạ tầng giao thông địa phương, tuy nhiên, khi nguồn vốn đầu tư trung hạn còn hạn chế, Phú Yên cần tích cực kêu gọi các nguồn lực xã hội, nguồn vốn đầu tư bên ngoài để đồng bộ mạng lưới giao thông trên địa bàn, trong đó cần chú trọng phát triển hệ thống giao thông nối khu vực phía Tây của tỉnh với khu vực đồng bằng.