Nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng Thành An Phú Yên đang được đầu tư xây dựng để đi vào sản xuất cát nghiền nhân tạo để thay thế cát tự nhiên. |
UBND tỉnh Phú Yên cho biết, trên địa bàn tỉnh thời gian vừa qua vật liệu đất san lấp bị thiếu hụt. Nguyên nhân chủ yếu là thủ tục hành chính để được cấp giấy phép khai thác phức tạp, mất thời gian dài; công tác bồi thường theo quy định của pháp luật là do nhà đầu tư tự thỏa thuận với người dân nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.
Từ năm 2021 đến nay, UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo tăng cường công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Kết quả, đến ngày 30/11/2023, tỉnh Phú Yên tổ chức 10 đợt đấu giá và đã đấu giá thành công 41 mỏ khoáng sản. Bao gồm 13 mỏ cát, 10 mỏ đá, 4 mỏ đất sét và 14 mỏ đất san lấp.
UBND tỉnh Phú Yên khẳng định, “khi các mỏ này đi vào hoạt động khai thác sẽ đảm bảo cân đối cung - cầu cát xây dựng và vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh”.
Về tình hình đầu tư, sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng trên địa bàn, theo số liệu của UBND tỉnh Phú Yên, trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2022, sản lượng, tiêu thụ của đá và cát xây dựng đều ghi nhận giảm và đều dưới công suất thiết kế.
Cụ thể, đá xây dựng có sản lượng, tiêu thụ lần lượt trong 3 năm là 550.000, 521.000 và 430.000 m3. Tương tự, cát xây dựng là 230.000, 200.000 và 180.000 m3.
Đáng chú ý, UBND tỉnh Phú Yên đề cập, hiện nay, Tổng công ty Thành Trung - Công ty cổ phần là nhà đầu tư được UBND tỉnh này chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng Thành An Phú Yên tại xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa (thực hiện theo Nghị quyết số 46/NQ-CP, ngày 9/6/2017 của Chính phủ). Nhà máy có công suất thiết kế nghiền đá thành cát tự nhiên với công suất 1,5 triệu m3/năm.
Theo UBND tỉnh Phú Yên, Công ty đang đầu tư xây dựng để đi vào sản xuất cát nghiền nhân tạo để thay thế cát tự nhiên từ các con sông trên địa bàn.
Trong báo cáo gửi Bộ Xây dựng về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực vật liệu xây dựng, UBND tỉnh Phú Yên cho rằng, hiện nay Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh (đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030) đã được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Quy hoạch thì thời hạn quy hoạch là 10 năm, nhưng nhu cầu cập nhật, bổ sung, điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để phù hợp với thực tiễn thường xuyên là khoảng 2 đến 3 năm. Song, hiện nay chưa có các quy định hướng dẫn lập, điều chỉnh Quy hoạch này.
Do vậy, UBND tỉnh Phú Yên đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản hướng dẫn cập nhật, bổ sung, điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để thuận lợi cho các địa phương thực hiện.