ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM |
Sáng 16/10, Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 bước vào ngày làm việc thứ hai. Trong đó, Đại hội nghe nhiều tham luận về định hướng phát triển TP.HCM trong nhiều lĩnh vực, trong đó có đề án xây dựng thành phố phía đông, phát triển kinh tế số, đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát triển văn hóa thể thao…
Trình bày phần tham luận về đề án phát triển Thành phố Thủ Đức – Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông giai đoạn 2020 – 2035, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho hay, TP. Thủ Đức gồm các quận: 2, 9 và Thủ Đức được đầu tư hạ tầng giao thông cơ bản đồng bộ, nhiều công trình trọng điểm, như: đường Mai Chí Thọ và đường hầm vượt sông Sài Gòn, đường Vành đai 2, tuyến metro số 1.
Đồng thời, khu vực phía Đông này bước đầu hình thành một số trung tâm mới về tài chính tại Thủ thiêm Khu nghiên cứu khoa học - Khu Công nghệ cao tại Q.9 và Q.Thủ Đức. Đây là một trong những tiền đề để TP.HCM đưa ra ý tưởng xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.
Ông Nhã cho rằng, TP. Thủ Đức là một chiến lược phát triển có tầm nhìn 20 năm, được phân chia thành 3 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 phát triển (2020 - 2025), thành phố phía đông tạo ra khoảng 20.000 việc làm trình độ cử nhân, kỹ sư và chuyên gia. Đến giai đoạn 2 là (2025 - 2030), tạo ra khoảng 50.000 việc làm; giai đoạn 3 (2030 - 2040) là khoảng 150.000 việc làm.
Trong 10 năm nữa, dân số cư trú tại thành phố này sẽ đạt mức 1,5 triệu, đến năm 2040 là 1,9 triệu và năm 2060 là 3 triệu người.
Bức tranh đô thị khi đó, giao thông công cộng cần phải đáp ứng 50 - 60% nhu cầu đi lại; mạng lưới đường trục chính đô thị cần hoàn thiện với khoảng cách giữa các tuyến đường 4-6 km. Ngoài ra, đến năm 2040, khu vực này đảm bảo chống ngập tới tần suất 80% (5 năm mới xảy ra ngập một lần). Ông Nhã cũng cho biết 10% diện tích thành phố phía đông sẽ là công viên.
Giai đoạn 1 (2020 - 2022): Ban hành kế hoạch và khung phát triển tổng thể, các quy định về quy hoạch, đất đai, đầu tư. Thu hút các công ty đầu tàu, đào tạo nhân lực, thúc đẩy lực lượng lao động hiện đại để đáp ứng nhu cầu phát triển ngành kinh tế sáng tạo.
Giai đoạn 2 (2022 - 2030): Xây dựng công trình tại các trung tâm đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhóm và tạo mạng lưới liên kết. Cải thiện tình trạng giao thông và môi trường đô thị.
Giai đoạn 3 (2030 - 2040): Quảng bá dự án quy mô quốc tế. Thiết lập mạng lưới hợp tác toàn cầu. Ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của nền kinh tế sáng tạo.
Song song với đó, 30% diện tích công viên sẽ trở thành hồ điều hòa để giảm rủi ro ngập (tương đương 630 ha đất làm hồ điều hòa). Thành phố cũng dự kiến bố trí 1.000-1.200 ha đất công nghiệp để đảm bảo không gian sản xuất công nghệ cao và nghiên cứu phát triển.
Ông Nguyễn Thanh Nhã cho biết, thành phố Thủ Đức sẽ có 8 trung tâm đổi mới sáng tạo. Trong đó, ông nhấn mạnh khu Trường Thọ sẽ là đô thị tương lai; là địa điểm lý tưởng để tái phát triển khu vực cảng theo mô hình thành phố thông minh.
“Đây sẽ là phòng thí nghiệm đô thị, tận dụng vị trí nằm gần khu Thảo Điền và các lõi đô thị khác cho việc tạo nơi chốn thu hút nhân tài, người thu nhập cao”, ông Nhã nói và phân tích thêm, những ý tưởng độc đáo và có tính cách mạng nhất về công nghệ sẽ diễn ra tại khu đô thị Trường Thọ. Với tầm nhìn trở thành một mô hình cho sự tích hợp công nghệ vào đời sống thường nhật.
Khu vực phường Trường Thọ (Quận 9) - Nơi sẽ định hướng trở thành trung tâm của TP. Thủ Đức |
Ngoài ra, khu Trường Thọ có vai trò như một khu đô thị mới với những hạ tầng xanh và tương tác, phương thức vận tải mới và thông tin mới, công nghệ xây dựng có khả năng chuyển đổi và một không gian công cộng chuyển đổi theo số liệu thực và độc đáo về nghệ thuật và giải trí.
1/ Khu đô thị mới Thủ Thiêm - Trung tâm công nghệ tài chính: Tiếp tục phát triển các công trình trên Khu đô thị mới Thủ Thiêm và thu hút các hoạt động công nghệ tài chính. Đây là vị trí lý tưởng cho các hoạt động đổi mới sáng tạo ven mặt nước trong cự ly gần tới trung tâm hiện hữu thành phố.
2/ Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc - Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc: Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc đã được quy hoạch về phát triển thể dục thể thao và chăm sóc sức khoẻ thể chất và tinh thần, khai thác xu hướng ngày càng phổ biến của lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ này tại Đông Nam Á. Đây là một trong các lợi thế cạnh tranh giúp Thành phố Hồ Chí Minh trở nên khác biệt với các đô thị trong Vùng, giúp cho việc thu hút người lao động có thu nhập cao chọn địa điểm sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh.
3/ Khu công nghệ cao - Trung tâm sản xuất tự động hóa và Khu công viên khoa học: Khu công nghệ cao hiện đã có các đầu tư giáo dục quốc tế và công ty sản xuất sử dụng công nghệ cao, là nền tảng cho phát triển kinh tế địa phương và các tăng trưởng. Khu công nghệ cao cần nâng cấp với các hoạt động nghiên cứu phát triển, tự động hóa sản xuất, thiết kế đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm mang tính đột phá. Ngoài ra, Khu công nghệ cao giai đoạn 2 - gọi là Công viên khoa học tại phường Long Phước, Quận 9 cũng tiếp tục hình thành và đầu tư xây dựng.
4/ Khu Đại học Quốc gia thành phố - Trung tâm công nghệ thông tin và công nghệ giáo dục: Đại học Quốc gia thành phố là nơi cung cấp một quần thể giáo dục đào tạo, nhất là ngành công nghệ thông tin và một trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, từ đó mở rộng khả năng nghiên cứu và sáng tạo thông qua việc tăng sự hợp tác và cọ xát với nhiều ngành công nghiệp sáng tạo khác nhau.
5/ Khu Tam Đa, Long Phước - Trung tâm công nghệ sinh thái: Là khu vực sinh thái nhạy cảm nhất, Khu Tam Đa cung cấp một cơ hội cho sự sáng tạo trong thiết kế và vận hành, vừa kết nối với các hạ tầng giao thông quan trọng bao gồm cả tuyến đường cao tốc và đường sắt nối với sân bay quốc tế mới. Khu vực Đại học Long Phước đang có sự chậm trễ trong đầu tư đại học trong nước, có thể chuyển đổi thành khu vực đại học quốc tế hoặc công ty toàn cầu dạng campus để nâng cao chất lượng nhân lực.
6/ Khu Trường Thọ - Đô thị tương lai: Là một địa điểm lý tưởng để tái phát triển khu vực cảng theo mô hình thành phố thông minh, một “phòng thí nghiệm đô thị”. Với tầm nhìn trở thành một mô hình cho sự tích hợp công nghệ vào đời sống thường nhật, Khu Trường Thọ có vai trò như một khu đô thị mới với những hạ tầng xanh và tương tác, phương thức vận tải mới và thông tin mới, công nghệ xây dựng có khả năng chuyển đổi và một không gian công cộng chuyển đổi theo số liệu thực và độc đáo về nghệ thuật và giải trí.
7/ Trung tâm kết nối giao thông Vùng Đông Nam Bộ, Khu cảng quốc tế Cát Lái: Tiếp tục phát huy thế mạnh của Cảng Cát Lái, chuyển đổi công nghệ Cảng để hoạt động hiệu quả hơn.
8/ Trung tâm khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam: Trên tất cả các khu vực được phép xây dựng công trình tại 03 quận phía Đông, thực hiện quản lý linh hoạt cho phép tạo ra môi trường khởi nghiệp, kinh doanh và kinh tế sáng tạo với chi phí hạ tầng rẻ nhất để khuyến khích các hoạt động kinh tế khởi nghiệp.