Tài chính - Chứng khoán
Pjico "bén duyên" đối tác ngoại
Chí Tín - 28/04/2016 10:10
Ngày 27/4, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex - Pjico (mã PGI, sàn HOSE) làm việc với nhà đầu tư ngoại để bàn thảo phương án chào bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài.

Trước đó, ngày 20/4, Pjico cũng đã làm việc với một nhà đầu tư ngoại về cùng nội dung này. Theo đó, trong tương lai không xa, một trong 2 nhà đầu tư này sẽ trở thành cổ đông chiến lược của Pjico theo kế hoạch chào bán cổ phần riêng lẻ.

Ông Đào Nam Hải, Tổng giám đốc Pjico cho hay, dự kiến việc phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược nước ngoài sẽ hoàn thành ngay trong nửa đầu năm 2016, hoặc chậm nhất là tới tháng 9/2016 sẽ hoàn tất.

Năm 2016, Pjico kỳ vọng doanh thu bảo hiểm gốc đạt 2.343 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 120 tỷ đồng, và tỷ lệ cổ tức chi trả tối thiểu 10%

Theo phương án chào bán cổ phần riêng lẻ cho đối tác chiến lược ngoại của Pjico, công ty này sẽ phát hành hơn 17,7 triệu cổ phiếu, tương đương 20% vốn điều lệ của Pjico sau khi phát hành. Dự kiến, sau khi hoàn thành việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài và tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng, Pjico sẽ hoàn thành đề án đánh giá hệ số tín nhiệm theo tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng thí điểm KPI (chỉ số đánh giá thực hiện công việc) trong một số lĩnh vực, triển khai phần mềm quản lý nhân sự…

Như vậy, nếu Pjico chốt được thương vụ bán 17,7 triệu cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài trong năm nay thì đây sẽ là “cuộc hôn phối” đáng quan tâm nhất trên thị trường bảo hiểm năm 2016.

Trước đó, trong năm 2015, “cuộc hôn phối” tương tự trong ngành bảo hiểm đã diễn ra xuôi chèo mát mái là thương vụ FairFax Asia Limited mua 35% cổ phần của Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC). Ông Ramaswamy Athappan, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Fairfax Asia cho biết, Việt Nam là một thị trường bảo hiểm đang phát triển nhanh và FairFax cho rằng còn rất nhiều tiềm năng cho hoạt động kinh doanh của BIC và các công ty con tại Campuchia và Lào.

Nếu so sánh về quy mô phát hành, đợt phát hành của Pjico có thể không quy mô bằng BIC, khi Pjico chỉ dự kiến bán 20% cổ phần, so với tỷ lệ bán 35% của BIC. Tuy nhiên, Pjico có vị thế tốt hơn và đang nằm trong top 5 công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Do vậy, việc đại gia này sắp bén duyên với đối tác chiến lược ngoại đầu tiên và công bố đánh giá hệ số tín nhiệm quốc tế sẽ là những tín hiệu tốt lành không chỉ cho riêng Pjico, mà còn cho thị trường bảo hiểm trong nước nói chung.

Năm 2016, Pjico kỳ vọng doanh thu bảo hiểm gốc đạt 2.343 tỷ đồng, tăng trưởng 5% so với năm 2015; lợi nhuận trước thuế đạt 120 tỷ đồng, tăng trưởng 4,4% và đảm bảo tỷ lệ cổ tức chi trả tối thiểu 10%. Theo lãnh đạo công ty này, mục tiêu của Pjico không phải là bứt phá nhanh, mà củng cố hệ thống để kiểm soát rủi ro, tăng cường độ ổn định trong toàn hệ thống. Như vậy, Pjico sẽ tập trung thực hiện các nhóm giải pháp về hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, hoạt động đầu tư và công tác quản trị doanh nghiệp... Riêng đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, sẽ tiếp tục tập trung điều hành toàn hệ thống phát triển mạnh các nghiệp vụ đang có lãi, duy trì và tăng trưởng hợp lý kết hợp song song với việc kiểm soát chi phí, chất lượng dịch vụ.

Trước đó, năm 2015, Pjico đạt tổng doanh thu bảo hiểm gốc 2.231,2 tỷ đồng, hoàn thành 104,1% kế hoạch doanh thu và tăng trưởng 5,1% so với năm 2014. Mảng bảo hiểm xe cơ giới có doanh thu tốt nhất với 997,8 tỷ đồng, trong đó riêng doanh thu bảo hiểm từ ô tô đạt 858,4 tỷ đồng - tăng trưởng 12,5% so với năm 2014. Mảng kinh doanh lớn thứ hai của Pjico là tài sản – kỹ thuật có doanh thu 445,2 tỷ đồng và đang được tập trung tăng tỷ trọng từ bảo hiểm hỗn hợp (kết hợp tài sản và kỹ thuật). 

Các mảng bảo hiểm hàng hóa đạt 202 tỷ đồng, bảo hiểm tàu thủy đạt doanh thu 277 tỷ đồng, doanh thu qua môi giới đạt 101 tỷ đồng.

Năm 2015, Pjico cũng có mức trích lập dự phòng cao nhất từ trước tới nay, với 196,2 tỷ đồng để bổ sung cho 3 quỹ dự phòng nghiệp vụ.

Tin liên quan
Tin khác