Các giàn khoan của PV Drilling đã có hợp đồng trong 6 tháng đầu năm |
Giá dầu phục hồi, kinh doanh vẫn lỗ
Báo cáo tài chính của PV Drilling (mã PVD) cho thấy kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong quý I/2021. Cụ thể, doanh thu thuần trong kỳ đạt gần 549,8 tỷ đồng, chỉ bằng gần 1/3 cùng kỳ năm ngoái; giá vốn vượt doanh thu khiến Tổng công ty lỗ gộp 27,8 tỷ đồng.
Ông Đỗ Danh Rạng, đại diện công bố thông tin của PV Drilling cho biết, một loạt khó khăn đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh quý đầu năm của Tổng công ty, bao gồm việc không có giàn khoan thuê so với mức trung bình 2,37 giàn của cùng kỳ năm 2020. Đối với 4 giàn khoan tự nâng sở hữu đang hoạt động tại Malaysia, hiệu suất sử dụng giảm mạnh xuống 52%, từ mức 100% của cùng kỳ năm ngoái; đơn giá cho thuê giảm 9%. Doanh thu và lợi nhuận của các dịch vụ liên quan đến khoan cũng sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoạt động tài chính trong quý I/2021 mang về cho PV Drilling 41,5 tỷ đồng doanh thu, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, chi phí của hoạt động này giảm một nửa, từ 80 tỷ đồng xuống còn 43 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý cũng được tiết giảm. Tuy nhiên, do hoạt động kinh doanh chính không đem về lợi nhuận, nên Tổng công ty lỗ sau thuế 109,9 tỷ đồng, trong đó, phần lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ là 103,7 tỷ đồng.
Bức tranh kinh doanh của PV Drilling trái ngược với biến động tích cực của thị giá cổ phiếu PVD trên thị trường chứng khoán, cũng như kỳ vọng của nhà đầu tư về việc đà hồi phục của giá dầu từ nửa cuối năm 2020 đến nay có thể giúp cải thiện kết quả kinh doanh nhờ nhu cầu thuê giàn khoan và giá thuê gia tăng.
Thực tế, tình hình kinh doanh kém khả quan của PV Drilling đã xuất hiện từ năm 2020. Dù thu về 5.229 tỷ đồng, tăng 19,7% so với năm 2019, nhưng lợi nhuận gộp của Tổng công ty năm 2020 lại giảm 27%, chỉ vừa đủ bù đắp chi phí bán hàng và quản lý. Trong bối cảnh đó, phần lãi từ các liên doanh và thu nhập khác đã bù đắp đáng kể các khoản chi phí tài chính và giúp đem về 186 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ.
Triển vọng hồi phục chưa sáng
Sau năm 2020 chao đảo bởi Covid-19, có thời điểm giá dầu giảm xuống mức âm lần đầu tiên trong lịch sử, bước sang năm 2021, nhu cầu dầu thô được dự báo tăng trở lại nhờ các nền kinh tế từng bước khôi phục theo các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và tiêm phòng vắc-xin, kéo theo sự hồi phục của giá dầu thế giới, nhu cầu thuê và sử dụng giàn khoan.
Trên thị trường dầu mỏ thế giới, giá dầu Brent giữa tháng 5/2021 giao dịch quanh mức 69 USD/thùng; giá dầu WTI quanh ngưỡng 65 USD/thùng, tăng khoảng 35% từ đầu năm đến nay và tăng hơn 80% so với tháng 11/2020. Trước đó, giá dầu Brent đã có lúc vượt mốc 70 USD/thùng vào đầu tháng 3/2021, ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.
Đầu tháng 3/2021, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, PV Drilling đã ký hợp đồng cung cấp giàn khoan tự nâng PV Drilling I cho Công ty Điều hành chung Cửu Long trong năm 2021. Như vậy, cả 4 giàn khoan tự nâng của PV Drilling đều đã có hợp đồng việc làm.
Giàn khoan tiếp trợ nửa nổi nửa chìm (TAD) PV Drilling V cũng được ký hợp đồng với Brunei Shell Petroleum Company Sdn Bhd (BSP) từ cuối năm 2019. Hợp đồng đã ký có thời hạn 6 năm, với 2 lần tùy chọn gia hạn, mỗi lần là 2 năm, bắt đầu từ ngày 1/4/2021 để phục vụ chương trình khoan của BSP tại Brunei.
Báo cáo phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) tháng 3/2021 cập nhật rằng, PV Drilling đang xây dựng một bộ thiết bị khoan (DES) tại Singapore để tích hợp với giàn TAD nhằm bắt đầu hoạt động khoan dầu vào giữa năm 2021. Dự báo, TAD sẽ bắt đầu khoan từ quý IV/2021, đóng góp khoảng 6% và 15% cho EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) của PV Drilling lần lượt trong năm 2021 và giai đoạn 2022-2025.
“Việc tất cả giàn khoan của PV Drilling đã có hợp đồng trong 6 tháng đầu năm và kỳ vọng giá dầu tăng bền vững sẽ giúp triển vọng của Công ty tươi sáng hơn, cải thiện tỷ suất lợi nhuận mảng khoan”, VNDirect đánh giá.
Tuy vậy, nhu cầu dầu thực tế vẫn ở mức thấp so với trước đại dịch và giá dầu có thể biến động bất thường trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, dẫn đến sự phục hồi chậm về tiến độ của các dự án lớn, khiến các nhà điều hành kết thúc hợp đồng khoan sớm hơn dự kiến, PV Drilling có thể đấu thầu không thành công hợp đồng mới, giảm hiệu suất hoạt động của các giàn khoan tự nâng hoặc giảm giá thuê, ảnh hưởng đến hiệu suất lợi nhuận.
Sau giai đoạn các khoản hoàn nhập dự phòng, hoàn nhập quỹ phát triển khoa học - công nghệ đóng vai trò quan trọng hỗ trợ lợi nhuận, đến nay, các khoản mục có thể tạo thu nhập bất thường này không còn nhiều và khó trở thành “cứu cánh” lợi nhuận cho PV Drilling như những năm trước, nếu kết quả hoạt động kinh doanh chính tiếp tục không khả quan trong 3 quý còn lại của năm 2021.
Cụ thể, theo cập nhật của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, đến cuối năm 2020, PV Drilling đã thu hồi gần 90% khoản nợ xấu của Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam (PVEP) và hoàn nhập 76% khoản dự phòng tương ứng. Đối với Quỹ phát triển khoa học - công nghệ, số dư khả dụng đến hết năm 2020 chỉ còn 88 tỷ đồng, giảm 92% so với năm 2015.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, HĐQT của PV Drilling đã trình kế hoạch kinh doanh hợp nhất với doanh thu 4.400 tỷ đồng, giảm 15,85% so với thực hiện năm 2020; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ở mức 25 tỷ đồng, giảm đến 86,5%. Điều này cho thấy sự thận trọng của Ban Điều hành Tổng công ty.