Sau kiểm toán Báo cáo bán niên năm 2022, Công ty TNHH kiểm toán Deloitte Việt Nam cho biết, công việc soát xét báo cáo tài chính giữa niên độ bao gồm việc thực hiện các cuộc phỏng vấn, chủ yếu là phỏng vấn những người chịu trách nhiệm về các vấn đề tài chính kế toán và thực hiện thủ tục phân tích và các thủ tục soát xét khác.
Một cuộc soát xét về cơ bản có phạm vi hẹp hơn một cuộc kiểm toán được thực hiện theo các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và do vậy không cho phép Kiểm toán đạt được sự đảm bảo rằng sẽ nhận biết được tất cả các vấn đề trọng yếu có thể được phát hiện trong một cuộc kiểm toán.
Theo đó, Kiểm toán nhấn mạnh không đưa ra ý kiến kiểm toán đối với Báo cáo tài chính bán niên năm 2022 của PV Drilling.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2022, PV Drilling ghi nhận doanh thu đạt 2.659,8 tỷ đồng, tăng 60,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 148,63 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 68,95 tỷ đồng, tức tăng lỗ thêm 79,68 tỷ đồng.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 66% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 77,4 tỷ đồng lên 194,7 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 31,7%, tương ứng giảm 25,79 tỷ đồng về 55,57 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 56,8%, tương ứng tăng thêm 48,53 tỷ đồng lên 133,94 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 1,5%, tương ứng tăng thêm 3,18 tỷ đồng lên 220,73 tỷ đồng; lợi nhuận khác ghi nhận lỗ 28,51 tỷ đồng, giảm 28,01 tỷ đồng (cùng kỳ âm 0,5 tỷ đồng); và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
PVD giảm lãi tiền gửi và tăng lỗ tỷ giá trong 6 tháng đầu năm 2022 (Nguồn: BCTC). |
Công ty có thuyết minh doanh thu tài chính giảm chủ yếu do lãi tiền gửi giảm 32,77 tỷ đồng về 34,98 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng chủ yếu do lỗ tỷ giá tăng thêm 60,56 tỷ đồng lên 67,39 tỷ đồng …
Với việc ghi nhận lỗ trong 6 tháng đầu năm dẫn tới lợi nhuận sau thuế lũy kế chưa phân phối giảm từ 1.922,9 tỷ đồng về còn 953,5 tỷ đồng.
Trong năm 2022, PV Drilling đặt kế hoạch doanh thu 4.700 tỷ đồng và không đưa kế hoạch lợi nhuận.
Thêm nữa, trong 6 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh chính ghi nhận âm 359,2 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 503,9 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 518,6 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 123,7 tỷ đồng.
Được biết, trước đó trong năm 2021, PV Drilling cũng đã ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 376,4 tỷ đồng.
Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của PV Drilling tăng 0,1% so với đầu năm lên 20.786,7 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định đạt 13.755,6 tỷ đồng, chiếm 66,2% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 2.432,7 tỷ đồng, chiếm 11,7% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 2.257,2 tỷ đồng, chiếm 10,9% tổng tài sản và các tài sản khác.
Trong kỳ, tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn tiếp tục giảm 15,6% so với đầu năm, tương ứng giảm 417,8 tỷ đồng về 2.257,2 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 25,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 496,9 tỷ đồng lên 2.432,7 tỷ đồng …
Điểm đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm, Công ty đã ghi nhận trích lập dự phòng 44,33 tỷ đồng trong tổng 91,1 tỷ đồng phải thu của Công ty KrisEnergy (Apsara) Cambodia Ltd (KrisEnergy Apsara) so với đầu năm chỉ tích lập 26,8 tỷ đồng.
PV Drilling tăng trích lập dự phòng khoản phải thu từ KrisEnergy Apsara (Nguồn: BCTC). |
Trong năm 2020, PV Drilling và KrisEnergy Apsara ký hợp đồng dịch vụ cung cấp giàn khoan PV Drilling III cho chương trình khoan phát triển giai đoạn 1A mở Apsara thuộc lô A, Campuchia, chiến trình khoan đã kết thúc vào ngày 12/2/2021.
Ngày 4/6/2021, Công ty KrisEnergy Limited thành lập tại Singapore – Công ty mẹ của KrisEnergy Apsara đã đệ đơn lên tòa án tại Cayman Island về việc xin giải thể công ty do tình hình tài chính khó khăn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/8, cổ phiếu PVD tăng 100 đồng, lên 21.600 đồng/cổ phiếu.