Sắc đỏ trở nên hiếm hoi trong phiên giao dịch hưng phấn đầu Xuân Tân Sửu 2021 |
“Ăn theo” giá dầu, nhóm dầu khí giao dịch “bùng nổ” sau Tết
Tăng mạnh ngay giờ mở cửa, thị trường chứng khoán giao dịch đầy hưng phấn trong ngày đầu năm Tân Sửu. Chỉ số VN-Index đóng cửa tăng 40,85 điểm, tương đương mức tăng 3,53%, lên 1.155,78 điểm. Tương tự, chỉ số sàn HNX cũng tăng 2,52% lên 230,57 điểm.
Số lượng các mã cổ phiếu tăng giá áp đảo số mã giảm, thậm chí có hơn 100 mã chứng khoán tăng kịch biên độ. Trên sàn HoSE, hơn 260 cổ phiếu giao dịch trong sắc xanh, 61 cổ phiếu tăng kịch trần và chỉ có hơn 33 mã giảm giá. Số lượng mã cổ phiếu giảm giá trên sàn HNX cũng chỉ vỏn vẹn 30 mã. Sắc xanh phủ rộng và áp đảo ở hầu hết các danh mục cổ phiếu của các nhà đầu tư.
Cổ phiếu nhóm dầu khí trở thành tâm điểm trong phiên giao dịch khai xuân. Thị trường dầu thô thế giới đã ghi nhận hai phiên tăng điểm mạnh kéo giá cả của loại hàng hóa này tăng lên mắc cao nhất kể từ tháng 1/2020. Những diễn biến cực đoan của thời tiết đang trực tiếp tác động lên giá dầu. Hoạt động sản xuất dầu ở Texas đã suy yếu đáng kể vì nhiệt độ quá thấp gây đóng băng dầu và khí ga hóa lỏng tại các giếng dầu và trong các ống dẫn dầu. Tại Arab Saudi- quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, nhóm Houthi tại Yemen liên kết với Iran cho biết đã tấn công các sân bay ở nước này cũng làm tăng mối lo ngại về nguồn cung. Cùng đó, sự lạc quan về khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu khi việc triển khai vắc xin ngừa Covid-19 được đẩy nhanh cũng hỗ trợ đà tăng của giá dầu.
Nén lại trong giai đoạn nghỉ Tết, các cổ phiếu nhóm dầu khí bật tăng khi xu hướng tăng của giá dầu thô thúc đẩy các nhà đầu tư giải ngân vào các cổ phiếu này. Một loạt cổ phiếu như PVD, PVC, PVS, PVS tăng kịch biên độ. Cổ phiếu của “ông lớn” niêm yết PV Gas cũng đóng cửa tăng trần lên 86.900 đồng/cổ phiếu.
Chỉ riêng hơn một tháng rưỡi từ đầu năm đến nay, giá dầu Brent đã tăng 25% và đang giao dịch ở mức 63,8 USD/thùng. Đối với hoạt động kinh doanh của PV Gas, diễn biến giá dầu ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận. Như trong quý IV vừa rồi, ngoài nguyên nhân sản lượng khí khô tiêu thụ giảm 15%, việc giá dầu Brent bình quân chỉ khoảng 44,16 USD/thùng thấp hơn mức 63,08USSD/thùng cùng kỳ năm 2019 là lý do chính khiến lợi nhuận quý IV của tổng công ty chỉ bằng 54% cùng kỳ. Tại phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu GAS cũng liên tục là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào mức tăng chung của chỉ số VN-Index.
Ngoài GAS, top 10 cổ phiếu dẫn dắt đà tăng của chỉ số hôm nay còn có nhóm cổ phiếu tài chính, bất động sản như VHM, cổ phiếu ba ngân hàng có vốn Nhà nước hay TCB và VPB. Cổ phiếu VPB lại tiếp tục ghi nhận một phiên tăng kịch biên độ và đã tăng hơn 35% kể từ mức giá thấp nhất trong phiên 28/1. Cổ phiếu KBC và GVR với triển vọng về tiềm năng mảng bất động sản khu công nghiệp cũng giao dịch phần lớn thời gian trong sắc tím.
Khối ngoại trở lại mua ròng 700 tỷ đồng
So với phiên giao dịch cuối cùng của năm Canh Tý 2020, thanh khoản cao hơn ở cả hai sàn niêm yết. Giá trị giao dịch trên sàn HoSE xấp xỉ 13.900 tỷ đồng, trong đó riêng giá trị khớp lệnh tăng 8,7% lên 12.566 tỷ đồng.
Khối ngoại cũng trở lại giải ngân sau hai phiên trước Tết mạnh tay chốt lời. Dù bán ròng hơn 2 tỷ đồng trên HNX, các nhà đầu tư nước ngoài lại mua ròng gần 700 tỷ đồng trên sàn HoSE. Trong đó, hàng trăm tỷ đồng đã đổ vào mua cổ phiếu nhà Vin, bao gồm VHM (192 tỷ đồng), VRE (92 tỷ đồng) và VIC (108 tỷ đồng). Khối ngoại cũng đã chi ròng 172 tỷ đồng để mua lại cổ phiếu của Hòa Phát. HPG tiếp tục là cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trên sàn với giá trị chuyển nhượng 1.039 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VNM bị bán ròng hơn 113 tỷ đồng. Một số cỏ phiếu khác cũng bị bán ra nhưng khối lượng chốt lời không nhiều như CTG bị bán ròng 24,7 tỷ đồng, STB (12,2 tỷ đồng), BMP (gần 10 tỷ đồng)…