Sức khỏe doanh nghiệp
PV Gas: Lợi nhuận giảm sâu, có "chùn" tham vọng?
Hải Bằng - 27/01/2021 15:38
Lợi nhuận quý IV và cả năm 2020 của PV Gas sụt giảm sâu so với cùng kỳ, nhưng sau sự thụt lùi này, PV Gas tỏ ra có động thái mới giàu tham vọng ngay thời điểm đầu 2021.
PV Gas nằm trong tốp đầu các đơn vị có các chỉ số tài chính khả quan trong các đơn vị thuộc PVN 

Lợi nhuận giảm sâu

Năm 2020, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas, mã GAS) đã tiếp nhận gần 9,16 tỷ m3 khí ẩm, bằng 93% kế hoạch; cung cấp 8,9 tỷ m3 khí khô, bằng 96% kế hoạch; sản xuất và kinh doanh 1,9 triệu tấn LPG; sản xuất và cung cấp trên 58.000 tấn condensate, vượt kế hoạch 6%.

Về các con số kinh doanh cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng cung cấp dịch vụ quý IV/2020 đạt 15.524,7 tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý IV/2020 đạt 1.681,3 tỷ đồng, giảm 45,7% so với cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2020, doanh thu thuần của PV Gas đạt 64.150 tỷ đồng, giảm 14,5% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 7.928 tỷ đồng, giảm 34,4% so với lợi nhuận cả năm 2019.

Tuy nhiên, PV Gas vẫn nằm trong tốp đầu các đơn vị có các chỉ số tài chính khả quan trong các đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu đạt 16%, trên vốn điều lệ đạt 41%, nợ phải trả/tổng tài sản 23%. Ngoài ra, PV Gas cũng thuộc tốp đầu những đơn vị thuộc PVN có vốn hóa lớn, có tỷ lệ chia cổ tức hàng năm bằng tiền mặt cao (30%/vốn điều lệ).

Những tham vọng lớn trong năm 2021

Mặc dù doanh thu năm 2020 sụt giảm so với năm 2019, đặt biệt lợi nhuận sụt giảm khá mạnh như trên, nhưng so với kế hoạch năm 2020, PV Gas vẫn gần đạt chỉ tiêu doanh thu và vượt chỉ tiêu lợi nhuận. Trước đó, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, PV Gas đưa ra chỉ tiêu doanh thu cho năm 2020 là 66.163,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 6.636 tỷ đồng.

Theo đó, chỉ tiêu doanh thu năm 2020 giảm 13,7% so với kết quả thực hiện năm 2019 và chỉ tiêu lợi nhuận giảm 45% so với thực hiện 2019.

Việc Công ty đưa ra chỉ tiêu kinh doanh năm 2020 khá khiêm tốn như trên cũng có thể được lý giải phần nào bởi thời điểm doanh nghiệp này họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 vào đầu tháng 5/2020 và kế hoạch kinh doanh đưa ra trên cơ sở lường trước các ảnh hưởng của Covid-19.

Bước sang năm 2021, PV Gas hiện chưa đưa ra các con số cụ thể về kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cho năm 2021, nhưng công ty này đã thể hiện những tham vọng của mình thông qua việc ký kết các hợp đồng với các đối tác lớn.

Hợp tác mới ký kết gần đây là hợp đồng giữa PV Gas và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) về hợp tác kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, PV Gas và PV Oil đã thỏa thuận hợp tác kinh doanh trong việc sản xuất chế biến các nguồn condensate do PV Gas cung cấp để sản xuất thành phẩm xăng nền RON91 và bán thành phẩm dầu DO cung ứng cho thị trường. Hợp tác này sẽ kéo dài trong 5 năm từ 2021 đến 2025. Trên cơ sở hợp tác này, PV Gas sẽ cung cấp Condensate và PV Oil sẽ thực hiện các công đoạn sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh hợp tác kinh doanh, PV Gas cũng có một hợp tác về vốn mới đây với Hợp đồng tín dụng tài trợ giai đoạn 2 - Dự án Đường ống dẫn ký Nam Côn Sơn 2 điều chỉnh với Vietcombank. Giá trị hợp đồng này lên tới 1.500 tỷ đồng.

Nhìn vào tình hình tài chính của PV Gas, công ty này hoàn toàn có thể gia tăng vốn vay do tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu vẫn còn ở mức khá thấp. Nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2020 là 13.681,5 tỷ đồng, tuy có tăng so với trước đó 1 năm, nhưng vẫn chỉ bằng khoảng 28% so với vốn chủ sở hữu.

Tuy vậy, áp lực dòng tiền đối với PV Gas cũng không phải nhỏ do nhu cầu đầu tư của PV Gas vẫn lớn. Số tiền mua sắm xây dựng tài sản cố định của riêng năm 2020 cũng lên tới 5.324,3 tỷ đồng. Hơn nữa, cổ tức phải chia cho cổ đông mà Công ty phải chi ra trong năm 2020 đã lên tới 6.814,4 tỷ đồng và nếu Công ty này vẫn muốn duy trì cổ tức 30%/năm như cam kết với cổ đông thì sẽ vẫn phải gồng gánh một khoản tài chính lớn cho việc này.

Tin liên quan
Tin khác