Trong quý I/2019, lợi nhuận trước thuế của PV Power đạt khoảng 860 tỷ đồng, bằng 170% kế hoạch đặt ra. |
Doanh thu tăng 4%, lợi nhuận tăng 70%
Theo công bố của Lãnh đạo PV Power tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, trong quý I/2019, với sản lượng điện đạt 5,5 tỷ kWh (bằng 102% kế hoạch), doanh thu khoảng 8.400 tỷ đồng (bằng 104% kế hoạch), lợi nhuận trước thuế mà doanh nghiệp có được khoảng 860 tỷ đồng, bằng 170% kế hoạch đặt ra.
Việc lợi nhuận của PV Power vút cao trong quý I/2019 được xem là bất ngờ, khi hoạt động sản xuất điện (đóng góp hơn 90% doanh thu và lợi nhuận) không có những yếu tố đột biến. Dẫu vậy, cổ đông nhỏ dường như chỉ quan tâm tới việc giá cổ phiếu POW của PV Power liên tục xuống trong thời gian qua, đang giao dịch quanh mức 14.000 đồng/cổ phiếu, trong khi các báo cáo phân tích vẫn khuyến nghị mua.
Trước đó, năm 2018 được PV Power đánh giá là năm khó khăn của ngành dầu khí nói chung và Tổng công ty nói riêng, đặc biệt khi PV Power bắt đầu hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/7/2018.
Trong các nhà máy mà PV Power đang nắm giữ, điện khí chiếm tỷ trọng 64% tổng công suất lắp đặt, nên bất cứ tác động nào tới nhóm này cũng ảnh hưởng nhất định tới kết quả sản xuất, kinh doanh. Việc doanh thu năm 2018 của PV Power cao so với kế hoạch là bởi giá khí thực tế (tính theo giá dầu) cao hơn giá khí lập kế hoạch, bên cạnh đó, giá điện bình quân năm 2018 đạt 1.045 đồng/kWh, cao hơn mức bình quân 639 đồng/kWh của năm 2017.
Nếu tách riêng 6 tháng cuối năm hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, thì sản lượng điện trong nửa cuối năm 2018 chỉ là 9,2 tỷ kWh, bằng 95%; lợi nhuận hợp nhất trước thuế chỉ đạt 655 tỷ đồng, bằng 69% kế hoạch.
Kết quả này cũng có nguyên nhân từ việc nửa cuối năm 2018, sự cố Tổ máy 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 từ tháng 11 đến cuối năm 2018 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả sản xuất, kinh doanh của toàn Tổng công ty. 6 tháng cuối năm 2018, Nhiệt điện Vũng Áng 1 lỗ 427 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nguồn khí Đông và Tây Nam bộ cấp cho Nhà máy Điện Nhơn Trạch 1 và 2 của PV Power ngày càng suy giảm, hạ tầng khai thác, vận chuyển khí vẫn còn xảy ra sự cố, ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo đủ khí và độ khả dụng của các nhà máy nhiệt điện khí. Đặc biệt, từ đầu tháng 11 đến đầu tháng 12/2018, lượng khí cấp cho hai nhà máy này bị sụt giảm, nên chỉ phát được bình quân 50 - 75% công suất.
Dành tiền làm dự án mới
Trong phương án phân phối lợi nhuận được trình ra Đại hội đồng cổ đông năm 2019, Ban Lãnh đạo PV Power quyết định mức chia cổ tức năm 2018 là 0, năm 2019 là 6% bằng cổ phiếu.
Lý giải với các cổ đông việc chia cổ tức thấp và không phải bằng tiền mặt, Lãnh đạo PV Power cho biết, năm 2019 và các năm tiếp theo, PV Power cần vốn để triển khai các dự án đầu tư lớn, đảm bảo phát triển dài hạn. Bởi vậy, việc chia cổ tức cần cân nhắc thấu đáo để hài hoà các lợi ích chung.
Dĩ nhiên, cách giải thích này không dễ thuyết phục các nhà đầu tư, khi cổ phiếu POW hiện chỉ giao dịch quanh mức 14.000 đồng/cổ phiếu, còn chưa bằng mức 14.500 đồng/cổ phiếu khi mua hồi đầu năm 2018. Trong 1 năm qua, cổ phiếu POW cao nhất đạt quanh mức 18.000 đồng/cổ phiếu.
Hiện tại, PV Power chuẩn bị đầu tư Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 với công suất 650 - 880 MW/nhà máy. Ước tính, tổng mức đầu tư sơ bộ cho Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 là 16.228 tỷ đồng và Nhà máy điện Nhơn Trạch 4 là 16.265 tỷ đồng. PV Power dự tính, 30% vốn chủ sở hữu và 70% vốn vay.
Mặc dù tiến độ được đưa ra là Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 dự kiến vận hành năm 2022, Nhà máy Điện Nhơn Trạch 4 vận hành năm 2023, nhưng đã gần giữa năm 2019 mà báo cáo khả thi và các nguồn vốn vay vẫn chưa chốt được, thì các mốc này cũng được xem là thách thức lớn.
Thực tế, 3 năm qua, chưa có một dự án nguồn điện lớn nào trên cả nước có thể khởi công, do đều bị vướng bảo lãnh Chính phủ hay các giới hạn trần cho vay. Đó là chưa kể, nguồn khí đầu vào là LNG có giá đầu vào chắc chắn cao hơn nhiều so với mức giá khí mà Nhà máy Điện Nhơn Trạch 1 và 2 đang mua, nên việc đàm phán giá bán điện dự tính 2.500 đồng/kWh cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) của PV Power sẽ không dễ dàng, khi giá bán lẻ điện bình quân tới khách hàng tiêu thụ hiện mới ở mức 1.846 đồng/kWh.
Theo kế hoạch, năm 2019, PV Power phấn đấu sản lượng điện đạt 21,6 tỷ kWh; tổng doanh thu đạt 32.769 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 2.500 tỷ đồng.
Trước đó, trong năm 2018, sản lượng điện hợp nhất toàn PV Power đạt 21 tỷ kWh, chiếm 11% tổng sản lượng thương phẩm toàn quốc; tổng doanh thu hợp nhất đạt 33.260 tỷ đồng, bằng 106% so với kế hoạch; lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 2.663 tỷ đồng, đạt 129% kế hoạch; nộp ngân sách 1.295 tỷ đồng, đạt 105% kế hoạch.