Nguồn: Internet |
Theo đó, trong quý III/2020 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 1.279,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 37,8 tỷ đồng, lần lượt tăng 18,8% và 122,4% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 9,5% về còn 6,2%.
Trong kỳ lợi nhuận gộp giảm 22,4% về chỉ còn 78,7 tỷ đồng, doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận lãi công ty liên doanh, liên kết tới 47,4 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 4,2 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận trong kỳ tăng chủ yếu đến từ công ty liên doanh, liên kết.
Doanh nghiệp lý giải nguyên nhân lợi nhuận tăng do số lượng giàn khoan tăng 1,7 giàn trong quý III/2020 so với cùng kỳ không có giàn khoan thuê; đơn giá cho thuê giàn khoan tự nâng tăng 4,2%; tăng lợi nhuận từ các công ty liên doanh …
Luỹ kế 9 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu đạt 4.409,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 109,8 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 47,9% và 312,8% so với 9 tháng đầu năm 2019. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm doanh nghiệp hoàn thành tới 161,5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Được biết, trong năm 2020 doanh nghiệp đặt kế hoạch dựa trên cơ sở giá dầu trung bình 60 USD/thùng với doanh thu đạt 4.680 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 68 tỷ đồng.
Như vậy, bức tranh 9 tháng đầu năm của doanh nghiệp có dấu hiệu cải thiện so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận chủ yếu đến từ các công ty liên doanh, trong hoạt động kinh doanh cốt lõi vẫn chưa cho thấy dấu hiệu cải thiện thực sự. Ngoài ra, doanh nghiệp đặt kịch bản giá dấu là 60 USD/thùng, tuy nhiên thực tế đang thấp hơn rất nhiều sau cú sốc đại dịch Covid-19.
Trong một tuần trở lại đây, cả giá dầu WTI và Brent đều cho thấy dấu hiệu giảm mạnh, trong đó dầu Brent đã mất vùng hỗ trợ 40-42 USD/thùng, hiện chỉ giao dịch vùng 37,8 USD/thùng và đang cho thấy xu hướng giảm điểm. Nếu như giá dầu tiếp tục suy giảm sẽ là thách thức không hề nhỏ tới hoạt động cho thuê giàn khoan sắp tới.
Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm dòng tiền có dấu hiệu cải thiện và dương 382,3 tỷ đồng so với cùng kỳ âm tới 148 tỷ đồng. Mặc dù dòng tiền hoạt động kinh doanh chính dương nhưng không đủ nhu cầu đầu tư lên tới 587,6 tỷ đồng, doanh nghiệp đã bù đắp thiếu hụt dòng tiền đầu tư bằng giảm lượng tiền mặt tại quỹ.
Tính tới 30/09/2020, tổng tài sản tăng 0,4% lên 20.972 tỷ đồng. Trong đó, tài sản cố định đạt 13.638,8 tỷ đồng, chiếm 65% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 2.690 tỷ đồng, chiếm 12,8% tổng tài sản; tồn kho đạt 2.161,5 tỷ đồng, chiếm 10,3% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn đạt 1.501,8 tỷ đồng, chiếm 7,2% tổng tài sản.
Trong kỳ, lượng tiền và đầu tư tài chính giảm 8% so với đầu năm, tương ứng giảm 232,7 tỷ đồng về 2.690,4 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn trên tổng tài sản giảm từ 14% về còn 12,8%.
Ngoài ra, trong kỳ tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng nhẹ 0,1% lên 3.753,8 tỷ đồng và chiếm 17,9% tổng nguồn vốn.