Nếu giá dầu xuống thấp quá, không đủ chi phí, thì PVN sẽ tính đến việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô. |
Cung vượt xa cầu
Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) hợp đồng kỳ hạn giao tháng 5/2020 trên sàn giao dịch NYMEX (New York, Mỹ) ngày 20/4, chốt ở -37,63 USD/thùng - mức giá thấp chưa từng có trong lịch sử.
Nguyên nhân là đầu tuần này phải chốt hợp đồng kỳ hạn giao tháng 5/2020 và nếu chấp nhận chốt hợp đồng thì buộc phải nhận lô dầu vật chất. Trước thực tế nhu cầu dầu thô sụt giảm mạnh trên thế giới do Covid-19, thì dầu thô vẫn được sản xuất, trong khi các kho chứa đầy và việc thuê kho để chứa là không thể hoặc do chi phí rất cao, nên một số người đã quyết định bán tháo các hợp đồng đang sở hữu bằng mọi giá ở 2 giây cuối cùng của phiên giao dịch và giá khớp tại 2 giây cuối cùng này được coi là giá chốt phiên. Đã có 600.000 thùng được giao dịch ở mức giá này.
Mặc dù sau đó, giá dầu WTI cho các hợp đồng tháng 6 đã tăng lên quanh mức 10 USD/thùng, nhưng bản chất của thị trường dầu thế giới vẫn là cung vượt xa cầu.
Theo các chuyên gia, nhu cầu dầu thế giới trong thời điểm bình thường là 100 triệu thùng/ngày, bao gồm các loại nhiên liệu lỏng. Tuy nhiên, do Covid-19, việc thực hiện việc cách ly, giãn cách xã hội, sản xuất đình trệ đã khiến nhu cầu dầu giảm mạnh, với mức giảm gần 30 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nước sản xuất dầu lớn chỉ đạt được thỏa thuận cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và 6, nên cung vượt cầu rất lớn.
Tính chuyện giảm sản lượng khai thác
Công thức giá bán dầu của Việt Nam dựa trên mức giá trung bình tháng của dầu Dated Brent do Platts định giá. Vì vậy, doanh thu của PVN cũng bị ảnh hưởng bởi dao động giá dầu Brent do tâm lý chung của thị trường khi giá dầu WTI giảm sâu kỷ lục.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Trần Sỹ Thanh cho hay, về tổng thể, nếu giá dầu xuống thấp quá, không đủ chi phí, thì PVN sẽ tính đến việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô.
Một biện pháp khác đang được PVN tính đến là tăng sử dụng tối đa dầu thô trong nước cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
“Hiện hoạt động khai thác dầu thô và thương mại của PVN vẫn bình thường và không thể nói giảm là giảm ngay được như kiểu vặn van, mà chỉ giảm được ở mức độ nhất định”, ông Thanh cho biết.
Trên thực tế, PVN chỉ sở hữu một số mỏ dầu, còn lại là tham gia theo hình thức hợp đồng phân chia sản phẩm với các đối tác nước ngoài, nên việc cắt giảm sản lượng khai thác còn liên quan tới cả các đối tác.
Các chuyên gia PVN cũng cho hay, về trung hạn, cầu dầu mỏ sẽ tăng dần từ sau tháng 5/2020 khi các nước trên thế giới gỡ dần phong tỏa, đặc biệt các nước tiêu thụ dầu lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, châu Âu. Bên cạnh đó, cung giảm dần theo thỏa thuận OPEC+ và một số công ty khai thác Mỹ phá sản hoặc buộc phải giảm sản xuất vì giá bán thấp hơn chi phí khai thác sẽ làm cán cân cung - cầu cải thiện hơn và giá dầu sẽ tăng dần. Dự kiến, cuối năm 2020, giá dầu sẽ khoảng 40 USD/thùng, cuối năm 2021 có thể đạt lại mức khoảng 60 USD/thùng.
Theo PVN, đối với lĩnh vực khai thác dầu khí, giá dầu giảm 1 USD/thùng thì doanh thu sẽ giảm tương ứng 2.200 tỷ đồng/năm. Với giá dầu ở mức 30 USD/thùng, doanh thu sẽ giảm khoảng 55.000 tỷ đồng/năm (so với giá dầu kế hoạch là 60 USD/thùng).
Với diễn biến giá dầu như hiện nay, số nộp ngân sách nhà nước của toàn Tập đoàn giảm khoảng 18.600 tỷ đồng/năm (so với giá dầu kế hoạch là 60 USD/thùng).
Trong khi đó, việc mua dầu dự trữ để tiết kiệm tài nguyên cũng được cho là không dễ dàng.
“Thực tế có một số khó khăn như chưa có cơ chế chính sách về rủi ro cho hoạt động này (khi mua bắt đáy dẫn đến thua lỗ). Chưa kể hạ tầng lưu chứa hạn chế, không có kho dự trữ quốc gia, hiện chỉ có 2 kho chứa dầu thô của 2 nhà máy lọc dầu (Dung Quất, Nghi Sơn) để phục vụ sản xuất là chính. Việc thuê tàu trữ dầu không khả thi do tiềm lực tài chính khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn này”, đại diện PVN nói.