PVN đứng đầu Bảng xếp hạng Profit 500 năm 2018. Trong ảnh: Giàn khoan Bạch Hổ của PVN. Ảnh: Đức Thanh |
Về đích sớm
Theo PVN, hiện tại giá dầu Brent dao động khoảng 60 - 62 USD/thùng, thấp hơn so với mức giá kế hoạch 65 USD/thùng được đặt ra cho năm 2019, nhưng với việc nâng cao hiệu quả công tác quản trị, quyết liệt trong điều hành và nỗ lực của người lao động, về cơ bản, PVN vẫn tiếp tục hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong tháng 10 và 10 tháng của năm 2019.
Cụ thể, PVN đã đạt tổng doanh thu toàn Tập đoàn tháng 10/2019 là 61.130 tỷ đồng; lũy kế 10 tháng ước đạt 627.740 tỷ đồng, vượt 10,4% kế hoạch 10 tháng và vượt 2,5% kế hoạch năm. Điều này đã giúp PVN về đích sớm so với kế hoạch cả năm 2019 trước 2 tháng.
Đồng thời, nộp ngân sách nhà nước của toàn Tập đoàn trong tháng 10 đạt 8.150 tỷ đồng; lũy kế 10 tháng của năm 2019 đạt 86.420 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch 10 tháng và về đích sớm kế hoạch cả năm 2019 trước 2 tháng.
Lợi nhuận của PVN cũng về đích sớm so với kế hoạch của năm 2019 trước 2 tháng.
Việc đạt doanh thu và lợi nhuận cao không phải là điều xa lạ với PVN. Trong nhiều năm qua, PVN cùng với Viettel và 2 doanh nghiệp trực thuộc Tổ hợp Samsung Việt Nam là Samsung Electronics Vietnam (Samsung Bắc Ninh) và Samsung Electronics Vietnam Thainguyen (Samsung Thái Nguyên) là 4 doanh nghiệp có lợi nhuận dẫn đầu trong nền kinh tế.
Năm 2018, với lợi nhuận trước thuế 50.600 tỷ đồng, tăng 7,5% so với mức 47.000 tỷ đồng năm 2017, PVN đã soán ngôi đầu 3 năm liền trước đó của Samsung Thái Nguyên và vươn lên vị trí số 1.
Ngày 22/10/2018, Vietnam Report công bố Bảng xếp hạng Profit 500 - Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam 2018. Theo đó, PVN đứng đầu Bảng xếp hạng khi vượt qua vị trí dẫn đầu trong năm 2017 của Viettel. Profit 500 là một trong những bảng xết hạng uy tín, nhằm tôn vinh các doanh nghiệp có khả năng tạo lợi nhuận tốt, có tiềm năng trở thành những cột trụ cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời góp phần giới thiệu thương hiệu doanh nghiệp Việt tới cộng đồng kinh doanh trong nước và quốc tế.
Tài chính lành mạnh
Hoạt động hiệu quả và tình hình tài chính lành mạnh của PVN trong thời gian qua đã được nhiều tổ chức uy tín trong và ngoài nước đánh giá cao. Vào tháng 9/2019, Fitch Ratings cũng đã công bố kết quả đánh giá tín nhiệm độc lập của PVN ở mức BB.
Theo đó, mức xếp hạng nhà phát hành công cụ nợ dài hạn bằng ngoại tệ (IDR) lần đầu tiên ở mức BB với “Triển vọng tích cực”, mức xếp hạng IDR này của PVN tương xứng với hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam (BB/Triển vọng tích cực).
Mức tín nhiệm tích cực này cũng giúp PVN nâng cao khả năng huy động vốn trên thị trường quốc tế, đa dạng hóa nguồn huy động vốn cho các dự án đầu tư của Tập đoàn trong bối cảnh hạn chế bảo lãnh của Chính phủ.
Đây cũng là một trong những cơ sở đáng tin cậy khẳng định năng lực tài chính và tình hình kinh doanh khả quan của PVN, đem lại sự tin tưởng cho các nhà đầu tư, tổ chức tài chính trong và ngoài nước, các đối tác chiến lược, đặc biệt trong giai đoạn PVN đang đẩy mạnh công tác tái cấu trúc.
Kết quả xếp hạng của Fitch Ratings được thực hiện căn cứ vào mối quan hệ chặt chẽ của PVN với Nhà nước, vị thế thị trường vững chắc, hoạt động tích hợp từ thượng nguồn, trung nguồn đến hạ nguồn, bao gồm tìm kiếm, khai thác dầu khí, lọc hóa dầu, phân bón, phân phối xăng dầu, khí và sản xuất điện.
Trong đó Fitch nêu rõ: “Không nhận thấy khó khăn trong việc huy động vốn của PVN với vị thế là một trong những doanh nghiệp nhà nước quan trọng nhất của Việt Nam. Mặc dầu vậy, chúng tôi kỳ vọng PVN sẽ tiếp cận nguồn vốn quốc tế cho các kế hoạch mở rộng hoạt động của mình”.
Fitch cũng đánh giá các tác động chính trị - xã hội của PVN là rất mạnh, bất kỳ sự gián đoạn nào đối với hoạt động của PVN sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi giá trị năng lượng tại Việt Nam.
Những đánh giá của Fitch là rất đáng khích lệ, bởi điều đó đã chứng minh các quyết sách và sự điều hành của lãnh đạo PVN trong khoảng hơn hai năm qua là chính xác, linh hoạt và có hiệu quả. Sự đánh giá của Fitch càng có ý nghĩa nâng cao vị thế của PVN trên trường quốc tế, bởi ai cũng biết thời gian qua, PVN gặp khó khăn chồng chất khó khăn, đặc biệt là giá dầu suy giảm.
Nhưng chính sự khó khăn đó đã làm cho PVN như “người khổng lồ bừng tỉnh” và nhận ra những điểm yếu của mình. Vì vậy, PVN tập trung công tác tái cơ cấu và công tác quản trị doanh nghiệp của Tập đoàn, đầu tư có trọng điểm và đã có những kết quả, thành tựu nổi bật được ghi nhận qua từng năm. Đặc biệt, trong tái cấu trúc thì công tác cổ phần hoá, thoái vốn đã đạt được kết quả rất tích cực, góp phần cải tiến về quản trị doanh nghiệp hiện đại, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc PVN khẳng định, kết quả xếp hạng tín nhiệm cũng là một trong các căn cứ để PVN rà soát, nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là quản trị các chỉ tiêu tài chính, đảm bảo kết quả xếp hạng được duy trì và cải tiến liên tục trong tương lai.
Theo ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Việt Nam và nhóm các nước ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered - Tổ chức tư vấn xếp hạng cho PVN, việc xếp hạng tín nhiệm PVN ở mức BB+ cho thấy sự quản lý tài chính vững mạnh và tích hợp trong hoạt động kinh doanh của PVN. “Xếp hạng tín nhiệm là bước khởi đầu vững chắc cho PVN trong việc huy động vốn trên thị trường quốc tế, chúng tôi tin rằng, nó sẽ giúp thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế”, ông Nirukt Sapru nói.
Gia tăng trữ lượng dầu khí đã hoàn thành kế hoạch năm 2019
Công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí triển khai theo kế hoạch
Sản xuất điện 10 tháng đạt 18,55 tỷ kWh, bằng 85,9% kế hoạch năm
Sản xuất đạm 10 tháng đạt 1,261 triệu tấn, bằng 87,2% kế hoạch năm
Sản xuất xăng dầu 10 tháng đạt 9,9 triệu tấn, bằng 87,2% kế hoạch năm