Bổ sung ngành nghề mới để phục vụ đầu tư dự án Nhơn Trạch 3 và 4
Sáng 22/12, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower, mã POW) đã tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2020 tại Hà Nội. Hai nội dung chính được trình cổ đông thông qua, bao gồm việc bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh và thay thế nhân sự do một thành viên trong HĐQT nghỉ việc để hưởng chế độ hưu trí.
Ngành nghề mới được PV Power bổ sung thêm là hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan. Trong đó, chi tiết gồm hoạt động thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng công trình; lập, thẩm tra dự án dự án đầu tư xây dựng - tư vấn quản lý dự án; giám sát thi công xây dựng công trình, quản lý chi phí đầu tư xây dựng - tư vấn đấu thầu.
Việc bổ sung thêm lĩnh vực này nhằm giúp PV Power đủ điều kiện triển khai các hoạt động quản lý, tư vấn kỹ thuật có liên quan đến đầu tư dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4. Đây là dự án do tổng công ty là chủ đầu tư và Ban quản lý Dự án Điện (PVPP) là đơn vị chi nhánh triển khai thực hiện. Tổng vốn đầu tư dự kiến của dự án là 32.481 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu là 25% và vốn vay là 75%.
Theo báo cáo tại Đại hội của Chủ tịch HĐQT Hồ Công Kỳ, toàn công ty đang nỗ lực để hoàn thành thủ tục tiến tới khởi công san lấp mặt bằng vào quý I/2021. Công ty dự kiến sẽ thực hiện gói thầu EPC vào quý IV/2021 để đảm bảo mục tiêu vận hành phát điện thương mại nhà máy Nhơn Trạch 3 vào cuối năm 2023 và nhà máy Nhơn Trạch 4 vào năm 2024 với sản lượng điện thương mại lên tới 9 tỷ kWh/năm.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về phương án thu xếp vốn cho dự án, Chủ tịch PV Power đã có những chia sẻ về phương án dự kiến. Theo đó, công ty sẽ thu xếp sử dụng vốn tín dụng xuất khẩu (tín dụng người mua) với khoản vay dự kiến 600 – 700 triệu USD. Đây là hình thức vay từ tổ chức hỗ trợ cho nhà thầu xuất khẩu thiết bị, sẽ có thể tiếp cận được mức vay lãi suất thấp nhất và thời gian phù hợp với dòng tiền dự án. Nguồn tín dụng thứ hai là khoản vay thương mại ngân hàng nước ngoài bằng đồng đôla. Còn lại, PV Power mong muốn được vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Trường hợp không đạt được khoản vay này, công ty sẽ vay tiền đồng của ngân hàng thương mại.
“Đến nay, dù chưa có phương án cụ thể nhưng công ty đang rất nỗ lực. PV Power sẽ chỉ triển khai gói thầu EPC khi phương án tài chính đã rõ ràng, ít nhất đã có hợp đồng mua bán khí hay hợp đồng nguyên tắc của hợp đồng mua bán điện”, ông Hồ Công Kỳ cho hay.
Về nội dung bầu thay thế nhân sự trong HĐQT, cuộc họp ĐHĐCĐ lần này đã thông qua miễn nhiệm ông Nguyễn Hữu Quý nghỉ việc để hưởng chế độ hưu trí từ ngày 01/10/2020. Nhân sự được bầu thay thế là ông Nguyễn Anh Tuấn (sinh năm 1974), hiện đang đảm nhận vị trí trợ lý Tổng giám đốc tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (cổ đông lớn sở hữu gần 80% vốn PV Power). Ông Tuấn từng có thời gian đảm nhận vị trí thành viên HĐQT PV Gas, trưởng ban quản lý đấu thầu và ban kinh tế đầu tư của PVN. Theo tờ khai sơ yếu lý lịch, ông Tuấn có năng lực nội trội trong hoạt động quản lý đầu tư dự án, cụ thể là hoạt động đầu tư xây dựng và đấu thầu.
Ngoài ra, PV Power cũng bầu bổ sung một nhân sự trong ban kiểm soát là bà Đoàn Thị Thu Hà, nhân sự đang làm việc trong ban kiểm soát nội bộ của PVN.
Nóng câu hỏi thoái vốn PV Machino
Cũng tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường, bên cạnh câu chuyện liên quan đến dự án Nhơn Trạch 3&4, hoạt động thoái vốn đầu tư cũng được nhiều cổ đông đặt ra, đặc biệt là hoạt động bán vốn cổ phần PV Machino (mã PVM – sàn UPCoM). Công ty này hiện do PV Power sở hữu 51,58% vốn điều lệ. Cổ phiếu PVM đã ghi nhận đà tăng đáng kể từ tháng 5/2020 đến nay với mức tăng trưởng xấp xỉ 162%.
Theo ý kiến của cổ đông PV Power, tài sản của công ty con này gồm nhiều bất động sản và các công ty liên doanh, liên kết mang về khoản cổ tức lớn, đều đặn hàng năm. Một cổ đông cũng đề nghị PV Power lựa chọn hình thức bán trọn lô cổ phần để có thể đạt được mức giá tốt nhất khi thoái vốn.
Với tổng vốn đầu tư dự kiến là 32.481 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu là 25% và vốn vay là 75%. Đề án tái cấu trúc của PV Power thông qua năm 2019 đã xác định PV Machino không thuộc lĩnh vực cốt lõi của PV Power và theo lộ trình sẽ thoái vốn trong giai đoạn 2016-2020. Ông Hồ Công Kỳ cho biết hiện HĐTV PVN đã cho phép tổng công ty chuyển sang năm sau nếu không thể hoàn thành trong năm 2020.
Hiện việc thoái vốn đã được HĐQT giao cho Tổng giám đốc thực hiện theo trình tự thoái vốn. Đến nay, dù chưa có tờ trình chính thức, nhưng tiến độ hiện ở bước định giá và thuê tư vấn thoái vốn. Trên cơ sở hai tư vấn này, tổng giám đốc sẽ trình HĐQT để xem xét.
“Chúng tôi sẽ triển khai minh bạch và tuân thủ quy định pháp luật. Các tổ chức định giá sẽ phải nắm bắt đầy đủ tình hình tài sản của PV Machino, gồm cả các bất động sản”, Chủ tịch HĐQT Hồ Công Kỳ nhấn mạnh. Ông cũng khẳng định việc thoái vốn ở bất kỳ đơn vị nào của PV Power cũng sẽ đều hướng đến mang lợi ích cao nhất cho doanh nghiệp và cổ đông.