Quốc tế
Quá phụ thuộc vào Trung Quốc, nhiều "ông lớn" hàng xa xỉ phải trả giá đắt vì nCoV
Vũ Hạo - 09/02/2020 17:40
Sự lây lan của virus corona đang khiến những ông lớn hàng xa xỉ phải lao đao và tìm cách chuyển chiến lược để thích nghi với tình hình hiện tại.
Ảnh: Bloomberg

Mặc dù người mua sắm Trung Quốc là một động lực mạnh mẽ cho các công ty hàng xa xỉ, nhưng các thương hiệu không nên bỏ bê những khách hàng ở khu vực lân cận.

Trong bối cảnh số ca tử vong vì dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới ngày càng diễn biến phức tạp, việc bán không được những chiếc túi xách đắt tiền dường như chỉ là hậu quả nho nhỏ từ dịch cúm corona.

Thế nhưng, sự lệ thuộc quá mức vào chi tiêu của người Trung Quốc của một ngành hàng sang chảnh 300 tỷ USD đang khiến họ phải trả cái giá quá đắt. Điều đó đã thể hiện rõ trong ngày thứ Sáu (07/02) khi ông lớn thời trang Anh Burberry Group cho biết họ không còn có thể giữ nguyên dự báo tài chính trước đó vì sự bùng phát của virus corona.

Chỉ 2 tuần trước, Burberry còn ngó lơ sự gián đoạn ở Hồng Kông (Trung Quốc) để nâng triển vọng tăng trưởng doanh số (sau khi loại trừ biến động tiền tệ) thêm 1 điểm phần trăm, đồng thời dự báo rằng lợi nhuận hoạt động sẽ ổn định trên diện rộng cho đến tháng 3/2020. Các chuyên viên phân tích tại Morgan Stanley cho biết lời cảnh báo trong ngày thứ Sáu (07/02) có thể ngụ ý dự báo lợi nhuận năm 2020 có thể giảm 5%.

Công ty Burberry bị tác động cực kỳ nặng nề từ sự lây lan của virus corona. Họ có 40% doanh số đến từ người tiêu dùng Trung Quốc tại quê nhà và cả nước ngoài. Con số này còn cao hơn mức 35% của toàn ngành, theo ước tính của Bain & Co. và Altagamma. Vì vậy, việc đóng cửa một vài cửa hàng tại Trung Quốc đại lục và giảm bớt giờ làm ở một vài cửa hàng khác có tác động ngoại cỡ đến những ông lớn hàng xa xỉ.

Người tiêu dùng Trung Quốc hiện là một nguồn khách hàng chính cho các thương hiệu xa xỉ. Nguồn: Bloomberg.

Vẫn còn quá sớm để biết kết quả cuối cùng sẽ ra sao đối với công ty Burberry và toàn ngành hàng xa xỉ, nhưng một bài học quan trọng đã được rút ra: Mặc dù người mua hàng Trung Quốc là một động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành, nhưng không thương hiệu nào nên bỏ bê khách hàng ở gần quê nhà hoặc ngừng cố gắng đáp ứng nhu cầu ở những nơi khác trên thế giới. Khi thị trường Trung Quốc sụp đổ vào năm 2015 và 2016, tất cả ông lớn hàng sang chảnh đều hướng sang người mua sắm ở châu Âu và Mỹ.

Đối với công ty Burberry, đây là một thời điểm cực kỳ nhạy cảm khi đối mặt với sự không chắc chắn như vậy trong thị trường lớn nhất của họ.

Prada SpA cũng gặp nguy cơ vì phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Nhà sản xuất túi xách của Ý đã phải đóng cửa một số cửa hàng ở Trung Quốc đại lục và Macau. Danh sách các công ty xa xỉ khác phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc và Hồng Kông vẫn còn dài. Swatch Group AG và Richemont là những công ty bị tác động mạnh nhất, theo các nhà phân tích tại Bernstein.

Thương hiệu thời trang Gucci – vốn tạo ra 60% doanh thu và 80% lợi nhuận hoạt động của công ty mẹ Kering SA – đã gây ấn tượng mạnh với giới mua sắm Trung Quốc trong ba năm qua. Bất cứ ai đã chứng kiến sự phổ biến của áo phông Gucci tại các thành phố từ Thượng Hải đến Bắc Kinh sẽ chứng thực sự phổ biến của nó. Và dĩ nhiên, khi dịch viêm phổi cấp do virus corona bùng phát tại Trung Quốc, doanh số bán hàng của Gucci cũng tụt dốc.

Doanh số bán của các thương hiệu cho các khách hàng Trung Quốc. Nguồn: Bloomberg

Trong khi đó, Tập đoàn LVMH của ông trùm Bernard Arnault có vẻ được chuẩn bị tốt hơn để xử lý một cú sốc như vậy. Với các thương hiệu bao gồm rượu sâm panh Moet & Chandon, dòng sản phẩm làm đẹp của ngôi sao nhạc pop Rihann và trang sức Tiffany & Co., LVMH có sự đa dạng hóa rộng rãi cả về địa lý và phạm vi sản phẩm. Năm ngoái, 24% doanh số bán hàng của LVMH đến từ Mỹ.

Nhưng xét tới sự phục thuộc của toàn bộ ngành công nghiệp vào các chi tiêu lớn của Trung Quốc, không có thương hiệu xa xỉ hay tiêu dùng nào có hoạt động tại Trung Quốc sẽ miễn nhiễm với dịch viêm phổi cấp do virus corona. Công ty Burberry cho biết các khoản chi tiêu ở châu Âu và các điểm du lịch khác ít bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát virus corona, nhưng họ dự kiến điều kiện ở đây cũng sẽ xấu đi. Tuần này, Tapestry (chủ sở hữu thương hiệu Coach), Capri Holdings (sở hữu thương hiệu Michael Kors và Versace) và Estee Lauder Cos đều hạ dự báo lợi nhuận vì sự bùng phát của virus corona.

Ngay cả nhà sản xuất parka sang chảnh Canada Goose Holdings Inc – vốn có thế mạnh ở Mỹ và châu Âu – cũng cảm thấy tác động của sự bùng phát. Vào ngày thứ Sáu (07/02), họ đã giảm dự báo doanh thu và lợi nhuận năm 2020.

Ngành hàng xa xỉ có thể tăng trưởng với tốc độ thấp nhất 4 năm qua. Nguồn: Bloomberg

Doanh số bán hàng xa xỉ toàn cầu có thể tăng trưởng chỉ 1% trong năm nay, theo các nhà phân tích tại Jefferies. Các nhà phân tích này dự báo nhu cầu của người dân Trung Quốc sẽ giảm 20%. Trước khi dịch bệnh bùng phát, họ dự báo doanh số của ngành này sẽ tăng 5% trong năm 2020.

Mặc dù cổ phiếu xa xỉ đã giảm trong ba tuần qua, nhưng mức định giá vẫn gần với mức cao nhất 10 năm. Lưu ý rằng các cổ phiếu vẫn kiên cường khi đối mặt với mọi thứ, từ các cuộc giao tranh thương mại đến các cuộc biểu tình ở Hồng Kông.

Cảnh báo của Burberry đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng mọi thứ có thể sắp thay đổi.

*Bài viết thể hiện quan điểm của Andrea Felsed trên Bloomberg

Tin liên quan
Tin khác