Năm nay là năm thứ 2 quả vải Việt được xuất khẩu đi Mỹ, Australia, nhưng do đây là hai thị trường khó tính, nên vải thiều xuất khẩu sang các thị trường này phải đảm bảo các tiêu chí ngặt nghèo của đối tác về chất lượng quả, kiểm dịch thực vật, chiếu xạ…
Tại buổi làm việc ngày 7/6 với Cục Hàng không Việt Nam, Cổ phần vận chuyển quốc tế Hoàng Hà (Hoàng Hà International Logistic) cho biết năm trước muốn chiếu xạ, các doanh nghiệp xuất khẩu vải phải chuyển hàng vào TPHCM để chiếu xạ và làm thủ tục an ninh. Năm nay nhận thấy tính cấp thiết phải có nhà máy chiếu xạ ngoài bắc, nên Nhà nước đã đầu tư máy chiếu xạ ở Cầu Diễn (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Tuy nhiên, thủ tục quá nhiều vướng mắc và cản trở.
Cụ thể, theo yêu cầu cơ quan kiểm dịch của Úc yêu cầu phải có giám sát an ninh và tem chiếu xạ, tem an ninh dán trên thùng sau khi chiếu xạ để lên máy bay đến Úc. An ninh hàng không không được mở niêm phong cho đến khi cơ quan chức năng Úc mở ra. Tem bị mất thì container đó không được nhập khẩu vào Úc.
Tuy nhiên, cũng theo doanh nghiệp này, hiện phía cảng Nội Bài yêu cầu ngoài chiếu xạ phải kiểm tra an ninh. Quy trình kiểm tra an ninh khiến tem bị bóc ra và không đúng với quy định của phía nhà nhập khẩu.
Công ty Hoàng Hà đề nghị Cục Hàng không cho phép phía đơn vị an ninh hàng không, cụ thể là đơn vị chịu trách nhiệm giám sát an ninh, soi chiếu hàng hóa cử đại diện tới thực hiện toàn bộ khâu soi chiếu và giám sát an ninh cho mặt hàng quả vải được thực hiện ngay tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật mà phía đối tác đặt ra.
Điều hành buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường khẳng định, cần phải tìm mọi biện pháp hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.
Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng không, mùa vụ của trái vải rất ngắn, nếu không tập trung gỡ khó cho các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ khiến các doanh nghiệp mà cụ thể là những người nông dân không có đầu ra cho trái vải.
“Công tác soi chiếu cần thực hiện tại khu chiếu xạ, sau đó đóng container tại chỗ và dán tem chứ để mang tới nhà ga thì không còn gì để bàn nữa”, ông Cường nói. “Chúng ta cần phải nghiên cứu xem có làm luôn được không, không thể chờ doanh nghiệp tự mày mò xây dựng quy trình, như vậy rất mất thời gian".
Phó Cục trưởng Cục Hàng không trực tiếp giao nhiệm vụ cho Phòng An ninh, Cục Hàng không phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Công ty Hoàng Hà thực hiện việc tháo gỡ khó khăn nêu trên.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Tuy nhiên, Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài Phạm Tuấn Anh cho biết nhà ga hàng hóa Nội Bài được đầu tư cơ bản về hệ thống trang thiết bị hiện đại, nên việc kiểm tra soi chiếu sẽ chuẩn xác hơn nếu được thực hiện tại đây.
“Tôi e là trong mùa thu hoạch vải năm nay vẫn cần phải thực hiện tại Nhà ga hàng hóa Nội Bài thay vì tính toán tới phương án thực hiện tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội”, ông Phạm Tuấn Anh nói.
Trong một diễn biến liên quan, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa yêu cầu các đơn vị không thu phí kiểm dịch thực vật đối với các lô quả vải tươi xuất khẩu bằng đường hàng không trong mùa vụ 2016, nhằm tạo thuận lợi nhất cho mặt hàng này.
Hiện mùa vải mới bắt đầu nhưng được đánh giá là có khả năng sẽ được cả mùa lẫn giá. Những ngày gần đây, các đại lý vải thiều trên địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) - thủ phủ vải thiều cả nước - đã bắt đầu mua trái vải tươi, giá bán tại nhà vườn từ 20.000 - 28.000 đồng/kg tùy vào chất lượng trái.
Theo báo cáo của tỉnh Bắc Giang, dự kiến tổng sản lượng vải thiều mùa vụ 2016 đạt 130.000 tấn, trong đó 40% dành cho xuất khẩu. Riêng huyện Lục Ngạn được Mỹ cấp 15 mã vùng trồng vải cho hơn 200 hộ dân với 158 ha theo tiêu chuẩn GlobalGap được trồng, chăm sóc dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng. Sản lượng dự kiến khoảng 1.000 tấn đảm bảo điều kiện xuất khẩu sang nhiều thị trường.