Viễn thông - Công nghệ
Qualcomm sẽ hỗ trợ để phát triển 4G tại Việt Nam
Nhã Nam - 11/09/2015 08:40
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia, khẳng định, giờ là thời điểm thích hợp để triển khai 4G ở Việt Nam và Qualcomm sẵn sàng hỗ trợ các nhà mạng trong “cuộc chơi” mới này.

Một số nhà mạng ở Việt Nam vừa tuyên bố chuẩn bị thử nghiệm 4G, ông nghĩ sao về điều này?

Tôi cho là đã đến thời điểm thích hợp để Việt Nam triển khai 4G. Hiện tại, mọi thứ đã sẵn sàng, cả về chính sách lẫn công nghệ, hạ tầng mạng, có thể nói là thiên thời, địa lợi.

Kể từ khi bắt đầu triển khai 3G vào năm 2009, suốt mấy năm qua, Việt Nam đã trở thành một điểm sáng, một thị trường phát triển hàng đầu về 3G trong khu vực cũng như trên thế giới. Bước tiếp theo, 4G sẽ tạo động lực mới, một cú hích cho ngành di động tại Việt Nam.

Triển khai 4G không chỉ góp phần tăng doanh thu cũng như lợi nhuận cho nhà mạng, lợi ích cho người dùng, mà tất cả đối tác nằm trong mảng di động cũng đều được hưởng lợi.


 

Bao gồm cả Qualcomm, thưa ông?

Qualcomm là một trong những công ty đã sẵn sàng cho cơ hội Internet of Everything, vì chúng tôi có một giải pháp công nghệ về kết nối mạng di động từ những trạm phát sóng lớn 3G, 4G hay Wi-fi truyền thống. Theo tính toán của chúng tôi, thì từ nay đến năm 2018, có ít nhất 5 tỷ thiết bị không phải smartphone nhưng vẫn cần những kết nối không dây. Đây là một cơ hội lớn trong ngành di động nói chung và Qualcomm nói riêng.

Hiện nay 4G LTE đã được tích hợp vào phần lớn các chipset của Qualcomm, kể cả các dòng chipset dành cho các thiết bị giá bình dân, tức là Snapdragon 200, hay cao hơn là Snapdragon 212. Ở phân khúc cao hơn, Qualcomm có các dòng sản phẩm Snapdragon 400, 600 và 800. Với nỗ lực này của chúng tôi, băn khoăn về giá thành thiết bị hỗ trợ 4G sẽ được giải quyết.

Một trong những trọng tâm chiến lược phát triển sắp tới của Qualcomm tại Việt Nam, đó là sẽ hỗ trợ Việt Nam triển khai 4G thành công và người dân có được những lợi ích từ 4G đem lại.

Thị trường Việt Nam có vai trò thế nào đối với sự phát triển của Qualcomm?

Việt Nam là một thị trường quan trọng của chúng tôi, định hướng chiến lược tại thị trường này vẫn không thay đổi. Ngoài việc hỗ trợ Việt Nam phát triển 4G, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác trong ngành viễn thông di động, từ các nhà hoạch định chính sách đến các nhà mạng hạ tầng, các nhà sản xuất thiết bị, qua đó góp phần “nuôi dưỡng” ngành công nghiệp các thiết bị di động của các công ty của Việt Nam, cũng như các nhà phát triển nội dung.

Vừa rồi, Qualcomm đã hợp tác với BKAV trong dự án Bphone và chúng tôi rất vui mừng vì những kết quả mà BKAV đã đạt được. Hy vọng là chúng tôi sẽ tạo ra được một động lực cho ngành di động tại Việt Nam. Hiện tại, chúng tôi cũng đang hợp tác với một số đối tác khác trong lĩnh vực sản xuất thiết bị di động.

Chúng tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển Chính phủ điện tử, dịch vụ công trên nền tảng Internet băng rộng. Hợp tác để phát triển các ứng dụng trên nền tảng 3G, 4G cũng là một trong những trọng tâm sắp tới của chúng tôi.

Qualcomm vừa kỷ niệm 30 năm thành lập, ông có thể chia sẻ về những thành công của Tập đoàn?

Qualcomm được thành lập vào năm 1985. Sau 30 năm, Qualcomm có 31.000 nhân viên và khoảng 200 văn phòng trên toàn cầu, trong đó có hai văn phòng ở Việt Nam. Năm ngoái, chúng tôi đạt doanh thu 26,5 tỷ USD và cung cấp khoảng 860 triệu chipset cho các thiết bị di động trên toàn thế giới. Tuy nhiên, chipset chỉ là một trong ba mảng kinh doanh của chúng tôi.

Hiện nay, di động đang thay đổi thế giới, với số lượng thuê bao di động còn cao hơn dân số thế giới tới 40%. Sau di động, tầm nhìn của thế giới là Internet of Things, còn Qualcomm gọi là Internet of Everything, nghĩa là Internet của tất cả mọi thứ. Internet of Everything rất đa dạng, nhưng những mảng mà Qualcomm sẽ tập trung bao gồm dự án nhà thông minh, ô tô, các thiết bị tính toán di động, dự án thành phố thông minh...

Tin liên quan
Tin khác