Ngân hàng - Bảo hiểm
Quan chức Fed cảm thấy "thoải mái" với mức lãi suất hiện tại
H.Thuỷ - 20/02/2019 15:00
Người đứng đầu chi nhánh ở New York của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) John Williams ngày 20/2 nói rằng ông cảm thấy “thoải mái” với mức lãi suất hiện thời của Mỹ.
Trụ sở Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại Washington, DC. Ảnh: AFP/ TTXVN

Đồng thời, ông thấy không cần phải nâng lãi suất lên cao hơn nữa trừ khi nhịp độ tăng trưởng kinh tế hoặc lạm phát bất ngờ thay đổi rất mạnh.

Lời nhận định của ông Williams được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Fed tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 1/2019. Điều này càng cho thấy yêu cầu để Fed - Ngân hàng trung ương Mỹ - thắt chặt chính sách tiền tệ đã cao hơn. Ngoài ra, việc đó cũng cho thấy Fed nhiều khả năng sẽ không nâng lãi suất trong thời gian tới.

Sau cuộc họp gần đây nhất, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã phát đi tín hiệu rằng kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ kéo dài ba năm qua của họ có thể đi đến hồi kết do triển vọng kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu trở nên kém tươi sáng hơn.

Việc các cuộc đàm phán về vấn đề ngân sách tại Mỹ cùng những tranh chấp thương mại giữa Washington và các đối tác thương mại cũng khiến Fed cân nhắc lộ trình nâng lãi suất của họ. Thông tin chi tiết về cuộc họp chính sách cuối tháng 1/2019 dự kiến sẽ được Fed công bố vào thứ Tư (20/1).

Tin tức cho hay chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett nhận định kinh tế Mỹ trong năm nay sẽ duy trì đà tăng trưởng như của năm 2018 và nguy cơ suy thoái là rất thấp.

Trả lời phỏng vấn kênh CNBC, nhà kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng cho biết trong năm ngoái, các doanh nghiệp Mỹ đã tăng cường đầu tư cho hoạt động sản xuất và kinh doanh khi tận dùng nguồn tiền hưởng từ những khoản tiền thuế được cắt giảm theo quy định thuế mới đã áp dụng từ cuối năm 2017. Theo ông Hassett, đây là yếu tố sẽ làm gia tăng năng suất và sản lượng của cả nền kinh tế Mỹ trong năm 2019.

Về tình hình kinh tế, ông Hassett dự báo nền kinh tế số 1 thế giới sẽ có thêm 1 năm đạt mức tăng trưởng 3%, tương tự năm 2018.

Những đánh giá tích cực của ông Hassett trái ngược với nhiều dự báo trước đó về tăng trưởng kinh tế Mỹ. Tháng trước, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự báo kinh tế nước này trong năm nay sẽ chỉ tăng trưởng 2,3%, giảm từ mức tăng 3,1% của năm ngoái. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định rằng kinh tế Mỹ năm 2019 sẽ tăng trưởng 2,5%, trước khi dịu xuống chỉ còn 1,8% vào năm kế tiếp.

Hồi cuối tháng 12/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành luật cải cách thuế lớn nhất trong vòng 30 năm trở lại đây, theo đó thuế doanh nghiệp của nước này đã giảm mạnh từ 35% còn 21%. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng được khấu trừ ngay lập tức tiền thuế đối với nhiều khoản đầu tư mới. Chính quyền Mỹ cho rằng việc cắt giảm thuế về lâu dài sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ, từ đó đưa đến nguồn thu lớn hơn.

Tuy nhiên, cho đến nay, tính hiệu quả của chính sách này vẫn gây nhiều tranh cãi khi trên thực tế, việc cắt giảm thuế đã khiến nguồn ngân sách liên bang thâm hụt trầm trọng, trong khi có nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng chính sách thuế mới trên thực tế chỉ làm gia tăng hoạt động mua đi bán lại cổ phần, cũng như chuyển nhượng tài sản từ người đóng thuế sang cổ đông - một dạng thức chuyển tiền về Mỹ trên giấy tờ, chứ không phải bằng những dự án chuyển dịch hoạt động thực sự về nước để hưởng lợi thế từ giảm thuế.

Cũng trong tháng trước, chi nhánh Fed ở New York cho rằng khả năng xảy ra suy thoái kinh tế trong một năm tới là gần 24% - mức cao nhất kể từ cuộc đại suy thoái hơn 10 năm trước. Tuy nhiên, ông Hassett cho rằng tỷ lệ trên là rất thấp và chỉ khoảng 1-2% do việc các công ty và doanh nghiệp tăng đầu tư cho sản xuất, giúp thúc đẩy nền kinh tế.

Tin liên quan
Tin khác