Thời sự
Quan điểm trái chiều về cắt điện nước khi vi phạm hành chính
Nguyễn Lê - 18/06/2020 16:33
Theo Giám đốc công an tỉnh Nghệ An, bổ sung cắt điện, nước là biện pháp cưỡng chế để xử lý vi phạm hành chính thể hiện cơ quan công quyền rất yếu kém, bất lực.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu phát biểu tại hội trường. 

 

Ngày 18/6, thảo luận về dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc bổ sung biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước được nhiều đại biểu quan tâm, với quan điểm trái chiều.

Đồng tình với biện pháp mới này, đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) nhìn nhận, thực tế nhiều cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm mà chỉ sử dụng các biện pháp khác là chưa đủ.

“Lập biên bản cứ lập, làm cứ làm, khi lực lượng đến thì họ ngừng, khi lực lượng đi họ lại làm, chưa kể có người nghĩ “phạt cho tồn tại”. Không lực lượng nào có thể làm hiệu quả nếu không bổ sung biện pháp ngừng cung cấp điện, nước” , ông Lê Công Đỉnh nhấn mạnh.

Cũng ủng hộ việc bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là ngưng cung cấp các dịch vụ điện, nước, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) lập luận, trong thực tế, nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính không được các cá nhân, tổ chức vi phạm chấp hành. Nhiều đối tượng lựa chọn các giải pháp khác như chuyển đổi tên doanh nghiệp để trốn tránh việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Nhưng, theo đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) thì biện pháp này trái với nguyên tắc tự thoả thuận, tự nhận trách nhiệm trong luật dân sự giữa bên cung cấp dịch vụ điện, nước và bên sử dụng.

Theo ông Thế, không nên hành chính hoá quan hệ dân sự này, nhất là khi điện, nước không phải là công cụ, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

“Thiếu nước có thể mua, thiếu điện có thể dùng máy phát. Tại sao không ngừng cung cấp các dịch vụ viễn thông khi nó đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sản xuất kinh doanh, thậm chí làm tê liệt hệ thống?” - ông Thế nêu quan điểm.

Nhận định khi cắt điện, nước có thể sẽ ảnh hưởng đến các chủ thể khác trong khu vực mà họ không có hành vi vi phạm, đại biểu Thế đề nghị bỏ biện pháp này trong luật.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cũng lo ngại việc bổ sung biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp điện, nước có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của cả các bên không liên quan. Do đó, để đảm bảo tính khả thi, đại biểu Cảnh đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, quy định đảm bảo làm sao việc bổ sung quy định này sẽ không làm ảnh hưởng đến các tố chức, cá nhân không liên quan.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) phân tích, luật hiện hành có đến 23 biện pháp cho phép Nhà nước áp dụng để cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính. “Vậy mà giờ còn ngừng cung cấp điện, nước thì cơ quan công quyền quá yếu kém, bất lực, pháp luật không nghiêm”, ông Cầu thẳng thắn.

Khẳng định với bộ máy rộng lớn, được đào tạo bài bản và có nhiều biện pháp mà giờ còn thêm biện pháp này là không đúng, đại biểu Cầu khuyến cáo, biện pháp này nếu được bổ sung sẽ rất dễ bị lạm dụng vì dễ làm nhất và để lại hậu quả rất lớn.

"Người có thẩm quyền chỉ ra lệnh cho cơ quan điện, nước cắt ngay là người ta làm ngay và hậu quả để lại vô cùng lớn. Tôi lấy ví dụ, một trại lợn ở Nghệ An hơn 3.000-4.000 con lợn, họ vi phạm môi trường, chúng ta bảo họ chưa xử lý xong, cắt điện, nước thì lợn sống như thế nào?", ông Cầu nêu ví dụ.

"Tôi báo cáo với các quý vị đại biểu Quốc hội, điện, nước là nhu cầu thiết yếu nhất của dân. Tôi nói thật với đại biểu Quốc hội, trong trại tạm giam, chúng ta phải xây cả bể nước ở trong nhà tập thể cho phạm nhân sử dụng, mất điện, mất nước một ngày là không chịu nổi, còn nhịn ăn 2 ngày trong mùa nắng này có nhiều người chịu được. Chúng ta không nên làm việc này", ông Cầu nói tiếp.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cũng lưu ý, việc bổ sung biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp điện, nước như dự thảo luật nếu quy định không chặt chẽ sẽ gây ra thiệt hại lớn hơn nhiều so với mục đích ban đầu là cưỡng chế xử lý vi phạm hành chính.

“Biện pháp cưỡng chế này cần phải xác định lại phạm vi, đối tượng áp dụng và chỉ nên áp dụng trong một số lĩnh vực như xây dựng, vui chơi giải trí, sản xuất hàng giả, hàng cấm…" ông Hiển nói.

Tin liên quan
Tin khác