Đầu tư Phát triển bền vững
Quan hệ đối tác mới cho tăng trưởng xanh của Việt Nam
Lê Thị Mỹ Hạnh - 26/12/2020 13:12
Viện Tăng trưởng xanh Toàn cầu (GGGI) sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững.

.

Xây dựng nền kinh tế xanh, bền vững và bao trùm

Việt Nam đang ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình xây dựng nền kinh tế tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Không chỉ là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương bởi các vấn đề biến đổi khí hậu, Việt Nam còn đang phụ thuộc vào việc sử dụng năng lượng điện than, khiến lượng khí thải gia tăng và chất lượng không khí giảm sút mạnh. Riêng trong năm 2020, Việt Nam đã ghi nhận một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long và những trận lũ lịch sử càn quét qua miền Trung.

Đối mặt với những thách thức này, Chính phủ Việt Nam cam kết xây dựng một nền kinh tế xanh, bền vững và bao trùm. Cụ thể, Chính phủ đã đệ trình mục tiêu giảm ít nhất 9% mức giảm phát thải khí nhà kính trong phiên bản cập nhập về Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) gửi tới cơ quan Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. 

Bộ  Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ là bộ chủ trì về chính sách tăng trưởng xanh. Với nhiệm vụ chính trị này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khởi động xây dựng Chiến lược Tăng trưởng xanh (năm 2012) và đưa ra Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh tiếp theo vào năm 2014, nhằm thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất bền vững, tăng cường đầu tư xanh, giảm thiểu khí thải nhà kính.

Ngoài các cam kết chính sách trong nước, Chính phủ Việt Nam cũng tham gia GGGI vào năm 2012, với tư cách thành viên sáng lập. GGGI là tổ chức liên chính phủ được thành lập tại Hội nghị Thượng đỉnh Rio + 20 với sứ mệnh hỗ trợ các thành viên trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, hướng tới mục tiêu bền vững về môi trường, hòa nhập xã hội và giảm nghèo. GGGI đã hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững.

Ước tính, cần ít nhất 30 tỷ USD đầu tư để thực hiện mục tiêu trong Chiến lược Tăng trưởng Xanh Việt Nam (VGGS). Tăng cường tài trợ công cho đầu tư xanh và sự tham gia của khu vực tư nhân là điều tối quan trọng để đạt được các mục tiêu VGGS. GGGI và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp để đưa ra hướng dẫn nhằm tăng cường đầu tư công cho các dự án xanh và có lợi ích xã hội. 

Ngoài ra, nhận thức được vai trò quan trọng của khu vực tư nhân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và GGGI đã cùng nhau hợp tác để hỗ trợ ưu tiên tín dụng xanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN) thông qua Quỹ Phát triển DNVVN (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhằm cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho khối doanh nghiệp này.

Thực hiện chiến lược chuyển đổi số

Từ những thành công ban đầu của VGGS giai đoạn 2012 - 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tưđang cập nhật VGGS giai đoạn 2021 - 2030 để thích ứng với tình hình phát triển trong nước và toàn cầu, bao gồm các tác động của đại dịch Covid-19, tính cấp bách của việc ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh. Do đó, Chính phủ cam kết tiếp tục cải thiện khung chính sách kế hoạch và đầu tư, đặc biệt thông qua việc tích hợp các chỉ số tăng trưởng xanh vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội...

Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số được công nhận là một chiến lược quan trọng để Chính phủ, doanh nghiệp và mỗi cá nhân đóng góp vào nền kinh tế bền vững hơn, góp phần ứng phó với các tác động của đại dịch và thúc đẩy hồi phục kinh tế. 

Theo ước tính của Diễn đàn Kinh tế thế giới, chuyển đổi số có khả năng giảm 16 tỷ tấn CO2 trên toàn cầu trong giai đoạn 2016 - 2025, chỉ tính riêng trong các ngành công nghiệp điện, vận tải và hậu cần. Hiện nay, nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước G20, đã lồng ghép chuyển đổi số và tăng trưởng xanh vào các chiến lược tổng thể để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. 

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) nhấn mạnh: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến cơ hội thực sự để tạo ra các giải pháp sạch hơn, xanh hơn và hiệu quả hơn nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”.

Ví dụ, máy bay không người lái hoặc hình ảnh qua vệ tinh giúp quá trình thu thập dữ liệu chính xác và hiệu quả hơn; qua đó, các quốc gia với rủi ro thiên tai có điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn với các đánh giá thời tiết khắc nghiệt hoặc lập bản đồ các khu vực dễ tổn thương. Các dữ liệu này cũng có thể giúp việc giám sát và quản lý rừng… 

Các đổi mới kỹ thuật số cũng có thể giúp thúc đẩy hoạt động tài chính bền vững. Việc ứng dụng blockchain cho trái phiếu xanh được đánh giá có thể giúp quá trình phát hành và giám sát nguồn tiền huy động từ trái phiếu xanh trở nên hiệu quả và đáng tin cậy hơn.  

Các ứng dụng Internet vạn vật (IoT) dần càng có nhiều tác động tới cuộc sống hàng ngày và cách thức vận hành doanh nghiệp, từ giao thông thông minh đến nông nghiệp thông minh. Không chỉ có vậy, số hóa là một trong những yếu tố thúc đẩy đổi mới thị trường năng lượng, chuyển đổi người tiêu dùng trở thành nhà sản xuất, cho phép năng lượng tái tạo được đưa vào hệ thống điện lưới nhiều hơn.

Với tiềm năng lớn, nền kinh tế kỹ thuật số và vấn đề phát triển bền vững được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Chính phủ. Việc thực hiện chuyển đổi số bền vững trong giai đoạn 2021 - 2025 có ý nghĩa quan trọng đối với sự phục hồi của nền kinh tế cũng như bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho người dân. 

Vì vậy, trên cơ sở hợp tác thành công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và GGGI sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác, hỗ trợ Việt Nam thực hiện VGGS 2021 - 2030, đặc biệt thông qua quá trình thúc đẩy chuyển đổi số bền vững. Cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GGGI sẽ đánh giá những thách thức và cơ hội của chuyển đổi số bền vững trong bối cảnh khung chính sách hiện tại của Việt Nam và sự sẵn sàng của thị trường. Đồng thời, GGGI cam kết thúc đẩy đầu tư xanh mạnh mẽ, ví dụ thông qua Chương trình Doanh nghiệp sáng tạo xanh toàn cầu thành công trong 3 năm qua và hoạt động hỗ trợ huy động đầu tư cho các giải pháp kỹ thuật số xanh, như giải pháp tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, giao thông bền vững... Chương trình hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và GGGI cho giai đoạn 2021 - 2025 sẽ nắm bắt được thời cơ vàng, giúp Bộ thực hiện vai trò chủ đạo của mình trong các chương trình nghị sự về đổi mới và tăng trưởng xanh.

Tin liên quan
Tin khác