Bà đánh giá thế nào về hợp tác đầu tư và thương mại giữa Việt và Mỹ trong 20 năm qua?
Thật là khó tin rằng, hai nước đã mở rộng quan hệ ở quy mô rất lớn trong vòng 20 năm qua. Chúng tôi hy vọng, thương mại hai chiều sẽ đạt khoảng 40 tỷ USD trong năm nay (từ mức 35 tỷ USD năm ngoái - PV) và xu hướng tăng trưởng này vô cùng ấn tượng.
Cùng với đó, hàng ngàn sinh viên Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ và hàng ngàn doanh nhân cũng như tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ cũng đang làm việc tại Việt Nam. Chúng ta đang sử dụng các nông sản và đi nghỉ ở các bãi biển của nhau. Thương mại đã giúp hai đất nước và hai dân tộc gần nhau hơn.
Vừa qua, cựu Tổng thống Bill Clinton sang thăm Hà Nội. Và tuần này, ngài Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ thăm chính thức Washington và hội đàm với Tổng thống Obama - một mốc son lớn nữa trong quan hệ hai nước.
Bà hình dung quan hệ hai nước trong vòng 20 năm tới sẽ như thế nào, đặc biệt dưới các tác động tích cực của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)?
Chúng ta đã hợp tác chặt chẽ với nhau về TPP và hy vọng rằng, việc đàm phán hiệp định này sẽ sớm kết thúc. Mùa hè này là thời điểm rất quan trọng khi 12 nước thành viên TPP cố gắng hoàn thành mọi thứ. TPP mang lại cơ hội cực kỳ to lớn.
Là một hiệp định thương mại tự do, TPP đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao hơn. Nhưng nếu chúng ta đáp ứng được, thì các lợi ích thậm chí còn lớn hơn. Bây giờ, điều chúng ta cần tập trung vào chính là việc liệu chúng ta đã sẵn sàng chưa; các cải cách hành chính, các hệ thống quản trị doanh nghiệp và các chuỗi cung ứng toàn cầu đã sẵn sàng chưa?
Về hợp tác thương mại và đầu tư, thách thức lớn nhất đối với hai nước hiện nay là gì, thưa bà?
Năm ngoái, Hoa Kỳ và Việt Nam ký kết văn kiện đối tác hợp tác toàn diện bao gồm 9 lĩnh vực, trong đó TPP và quan hệ kinh tế là một thành phần chủ chốt. Triển vọng cho quan hệ kinh tế hai nước là rất lớn. Nhưng chúng ta đều nhận ra rằng, điều đó nằm trong một môi trường cạnh tranh toàn cầu, với những tiêu chuẩn và kỳ vọng đang lớn lên từng ngày.
Những kết cấu hạ tầng mềm như tiêu chuẩn giáo dục, đào tạo nhân lực và kết cấu hạ tầng cứng như điện, cảng và đường sá sẽ tiếp tục quyết định quốc gia nào sẽ vượt lên trong hệ thống toàn cầu. Thách thức sẽ là phải duy trì đổi mới, nâng cao tinh thần doanh nhân và sức cạnh tranh để thực hiện các mục tiêu của Việt Nam. Nhưng tôi cho rằng, chúng ta đều cảm nhận một tương lai tươi sáng. Chúng ta có nền tảng vững chắc để tiếp tục xây dựng tương lai đó.
Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam có vai trò thế nào trong việc đẩy mạnh hợp tác hai nước?
Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam (USVTC) được thành lập năm 1989. Vào thời điểm đó, quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam vẫn đóng băng sau chiến tranh. USVTC bắt đầu hợp tác chặt chẽ với những cựu binh là các thượng nghị sỹ như Kerry và McCain. USVTC đã dành khoảng 5 năm đầu tiên làm việc về vấn đề tù binh chiến tranh/người Mỹ mất tích (POW/MIA) như một bước đầu tiên trong kế hoạch bình thường hóa quan hệ của Hoa Kỳ.
Vào năm 1994, khi chúng ta đã đủ hiểu biết lẫn nhau, Tổng thống Bill Clinton đã dỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam và vào năm 1995, hai bên đã thông báo thiết lập quan hệ ngoại giao - một ngày tuyệt vời đã diễn ra trong một nghi lễ tại Nhà Trắng. Tại Việt Nam, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã thông báo sự kiện này tại Hà Nội.
Cùng với các công ty thành viên USVTC và các nền tảng, hỗ trợ tài chính của Chính phủ Hoa Kỳ, chúng ta đã tiếp tục thực hiện những bước tiếp theo của mối quan hệ toàn diện, nhưng tập trung vào hiệp định thương mại song phương và gia nhập WTO - tiếp tục các chương trình trao đổi học bổng, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, tổ chức các chuyến thăm cho các doanh nghiệp và các nghị sỹ và nỗ lực vận động hành lang để biến những nỗ lực này trở thành hiện thực.