Ngân hàng
Quản lý ngoại hối với doanh nghiệp FDI
Thùy Linh - 28/09/2015 08:51
Bài viết này sẽ xem xét việc quản lý ngoại hối của Trung Quốc đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp ngước ngoài trong so sánh với Việt Nam.

Về quản lý ngoại hối đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIE), tại Trung Quốc, văn bản luật quan trọng nhất là Thông tư 142/2008 của Cục Quản lý Nhà nước về ngoại hối (SAFE). Theo đó, vốn đầu tư của một FIE sau khi chuyển sang nhân dân tệ (NDT) chỉ được phép sử dụng trong phạm vi các hoạt động kinh doanh đã được phê duyệt bởi các cơ quan chức năng và không được sử dụng cho các khoản đầu tư vào cổ phần.

Mỗi lần FIE muốn chuyển vốn đăng ký sang NDT đều phải được phê duyệt dựa trên việc sử dụng vốn và chỉ được cho phép dựa trên từng nhu cầu thanh toán cụ thể bằng NDT. Công ty phải xuất trình tài liệu chứng minh cho mục đích sử dụng vốn bằng NDT để được phê duyệt. Ngoại trừ một số trường hợp nhất định (như một lượng tiền mặt nhỏ hoặc tiền lương), vốn chuyển đổi thành NDT phải được thanh toán thẳng cho đối tượng được chấp thuận trong thời hạn quy định.

Gần đây, theo Thông tư 19/2015 có hiệu lực từ ngày 1/6/2015, các doanh nghiệp FIE tại Trung Quốc sẽ được phép chuyển đổi ngoại tệ trong tài khoản vốn của mình sang NDT bất cứ lúc nào, mà không cần thông qua quá trình xem xét mục đích sử dụng vốn. Do được phép chuyển đổi ngoại tệ tại bất cứ thời điểm nào có lợi về tỷ giá, doanh nghiệp FDI có thể phòng ngừa những rủi ro về tỷ giá một cách hợp lý. Tuy nhiên, để sử dụng số tiền NDT chuyển đổi này, doanh nghiệp vẫn cần cung cấp tài liệu và trải qua quá trình xem xét của các ngân hàng mỗi lần giải ngân. 

Cần chú ý rằng, Thông tư 19 không áp dụng đối với các khoản vay ngoại tệ của các FIE. Các FIE vẫn cần xuất trình hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của các ngân hàng trong mỗi lần chuyển đổi và rút vốn từ các khoản vay ngoại tệ.

Thông tư 19 cũng cho phép các FIE sử dụng vốn từ tài khoản vốn để đầu tư cổ phần trong nước một khi các thủ tục đăng ký được hoàn tất. Tuy nhiên, Thông tư vẫn giới hạn việc sử dụng vốn NDT chuyển đổi từ vốn ngoại tệ trong một số hoạt động như đã quy định tại Thông tư 142 của SAFE.

Cụ thể, Thông tư đưa ra một “danh sách cấm”. Theo danh sách này, các FIE thông thường (để phân biệt với các FIE trong lĩnh vực bất động sản, hoặc các FIE đầu tư cổ phần, v.v.)  đều bị cấm trực tiếp hoặc gián tiếp sử dụng nguồn vốn NDT thu được từ việc chuyển đổi ngoại tệ cho các mục đích nằm ngoài phạm vi kinh doanh của mình, để đầu tư chứng khoán, cho vay ủy thác bằng NDT, để trả nợ khoản vay bằng NDT hoặc mua bất động sản ngoài mục đích tự sử dụng.

Điều này giúp tăng cường việc kiểm soát dòng ngoại tệ chảy vào quốc gia dưới danh nghĩa vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhằm đảm bảo nguồn vốn này được sử dụng cho đúng các hoạt động kinh doanh cụ thể được ghi trong phạm vi kinh doanh của công ty, chứ không phải là các hoạt động kinh doanh khác.

So với Thông tư 142 và 19 của SAFE như đã đề cập ở trên, việc quản lý ngoại hối của Việt Nam lỏng hơn khá nhiều. Quy định mới nhất về vấn đề này là Thông tư 19/2014 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo đó, về việc chuyển đổi đồng tiền, các FIE chưa bao giờ bị hạn chế về việc chuyển đổi vốn ngoại tệ sang VND, mà có thể thực hiện điều này bất kỳ khi nào.

Về việc sử dụng vốn bằng VND được chuyển đổi từ vốn nước ngoài, nhìn chung, các FIE được đối xử bình đẳng như các doanh nghiệp trong nước. Theo pháp luật hiện hành, các FIE được phép làm mọi điều mà pháp luật không cấm. Điều đó có nghĩa là FIE có thể dùng vốn VND chuyển đổi từ ngoại tệ để gửi tiền có kỳ hạn tại ngân hàng, đầu tư trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu doanh nghiệp, cho vay đối với các tổ chức khác..., miễn là xuất trình đầy đủ các tài liệu liên quan cho ngân hàng. Điểm này hoàn toàn khác so với Trung Quốc.

Mục đích là Việt Nam thúc đẩy dòng vốn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Khác với Trung Quốc, cán cân thương mại của Việt Nam chưa tạo ra nhiều thặng dư, nếu không muốn nói thường xuyên thâm hụt và cán cân thanh toán phụ thuộc rất nhiều vào cán cân vốn và tài chính, trong đó FDI đóng vai trò quan trọng.

Tuy nhiên, sự kiểm soát lỏng lẻo này có thể đem lại một số vấn đề. Thứ nhất, chất lượng của số liệu thống kê về vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp bị suy giảm.

Thứ hai, cung tiền VND và tỷ giá có thể phải chịu những cú sốc lớn giống như năm 2007 khi tại một thời điểm có khối lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, và ngược lại.

Thứ ba, hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất được khuyến khích. Dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam lẽ ra để đầu tư tạo việc làm thì giờ đây họ có thể hướng dòng vốn vào tiền gửi kỳ hạn hoặc trái phiếu chính phủ để hưởng lãi suất cao với rủi ro gần như bằng không, và khi đáo hạn, chuyển số tiền đó ra USD và chuyển về nước. Do tiền đồng đã duy trì giá trị khá ổn định từ năm 2011 so với các đồng tiền khác, lợi nhuận từ tiền gửi bằng tiền đồng sẽ cao hơn rất nhiều so với tiền gửi ngoại tệ tại nước ngoài, đặc biệt khi nhiều nước có lãi suất siêu thấp hiện nay.

Kết quả là, thu nhập từ lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng của người cư trú bị giảm đi, đôi khi thấp hơn so với CPI và lãi suất mà các ngân hàng có thể thu được từ việc đầu tư vào trái phiếu chính phủ sẽ thấp hơn, buộc họ phải nâng lãi suất cho vay đối với người cư trú.

Thứ tư, tồn tại lỗ hổng để các FIE có thể thực hiện chuyển giá khi họ được phép vay từ nước ngoài bằng VND với lãi suất rất cao, làm tăng chi phí nhằm mục đích giảm thuế. Hơn nữa, việc cho vay lẫn nhau này còn chiếm mất thị phần tín dụng của các ngân hàng trong nước.

Mặt khác, dường như đầu tư trực tiếp nước ngoài đang nhận được nhiều ưu đãi so với đầu tư gián tiếp nước ngoài. Cụ thể, Thông tư 05/2014/TT-NHNN được ban hành sớm hơn 5 tháng so với Thông tư 19 của NHNN đã quy định rằng số dư trong tài khoản vốn đầu tư gián tiếp có thể được chuyển vào tài khoản thanh toán bằng VND, nhưng không được chuyển thành tiền gửi kỳ hạn hoặc tiền gửi tiết kiệm.

Tin liên quan
Tin khác