Tài chính - Chứng khoán
Quản lý thuế doanh nghiệp có giao dịch liên kết
Nhật Minh - 15/04/2017 15:10
Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Hiện Tổng cục Thuế đang xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về doanh nghiệp để làm cơ sở kiểm soát giao dịch liên kết. Ảnh: Thùy Linh

Nguyên tắc coi trọng bản chất và thực tiễn kinh doanh

Theo dự thảo Thông tư, bản chất giao dịch được đối chiếu giữa hợp đồng hoặc văn bản, thỏa thuận giao dịch của các bên liên kết với thực tiễn thực hiện của các bên được áp dụng như sau: Thu thập thông tin, xác định bản chất các giao dịch liên kết, quan hệ kinh tế, thương mại, tài chính và thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh, chức năng của người nộp thuế trên cơ sở rà soát, thực hiện phân tích hợp đồng, thoả thuận, văn bản của người nộp thuế với các bên liên kết, so sánh thực tiễn thực hiện của các bên liên kết trong quá trình sản xuất kinh doanh với các thoả thuận, hợp đồng đã ký trên cơ sở nguyên tắc ứng xử kinh doanh giữa các bên độc lập.


Theo dự thảo Thông tư, “Giao dịch liên kết” là giao dịch phát sinh giữa các bên có quan hệ liên kết trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bao gồm: Mua bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng máy móc, thiết bị, hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận sử dụng chung nguồn lực như hợp lực, hợp tác khai thác sử dụng nhân lực; chia sẻ chi phí giữa các bên liên kết.


Đồng thời, căn cứ đối chiếu các thoả thuận kinh tế, thương mại, tài chính trong các giao dịch liên kết của người nộp thuế là dữ liệu, thực tế thực hiện giao dịch giữa các bên liên kết để so sánh với các quyết định kinh doanh sẽ được các bên độc lập thực hiện trong điều kiện tương đồng.

Nguyên tắc đối chiếu áp dụng trong phân tích so sánh coi trọng bản chất và thực tiễn kinh doanh, rủi ro gánh chịu của các bên liên kết hơn là các thỏa thuận được dàn xếp bằng văn bản.

Dự thảo cũng hướng dẫn, quy trình phân tích so sánh bao gồm: Xác định bản chất của giao dịch liên kết (thu thập thông tin của người nộp thuế để xác minh thực tiễn của giao dịch liên kết và lựa chọn bên liên kết cần kiểm tra); Xác định phạm vi, nội dung và yếu tố so sánh (Thời gian so sánh; thông tin phân tích về người nộp thuế đối với các yếu tố so sánh về đặc tính sản phẩm, điều kiện hợp đồng, phân tích ngành, thị trường…); Tìm kiếm đối tượng so sánh, nguồn số liệu và cơ sở dữ liệu để tìm kiếm đối tượng so sánh; Phân tích mức độ tương đồng và tin cậy của các đối tượng so sánh độc lập.

Các phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập

Dự thảo nêu rõ các phương pháp so sánh xác định giá của giao dịch liên kết theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP. Phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập được áp dụng trong các trường hợp người nộp thuế mua, bán sản phẩm giao dịch phổ biến trên thị trường, có giá được niêm yết công khai trên các sàn giao dịch hàng hoá, dịch vụ trong nước và quốc tế hoặc các giao dịch xác định mức phí bản quyền, mức lãi suất cho vay và đi vay trong điều kiện tương đồng; người nộp thuế thực hiện đồng thời cả giao dịch liên kết và giao dịch độc lập với các sản phẩm không có khác biệt trọng yếu về đặc tính sản phẩm và điều kiện hợp đồng hoặc một trong các bên liên kết tham gia giao dịch có thực hiện các giao dịch tương tự với bên độc lập.

Phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập được áp dụng trên nguyên tắc không có khác biệt về đặc tính sản phẩm và điều kiện hợp đồng khi so sánh giữa giao dịch độc lập và giao dịch liên kết gây ảnh hưởng trọng yếu đến giá sản phẩm; trường hợp có các khác biệt ảnh hưởng trọng yếu đến giá sản phẩm có thể xác định các khác biệt, tính toán và điều chỉnh các khác biệt trọng yếu này.

Đối với phương pháp xác định, theo dự thảo Thông tư, giá sản phẩm trong giao dịch liên kết được điều chỉnh theo giá sản phẩm trong giao dịch độc lập tương đồng hoặc giá trị phù hợp nhất trong các giá trị của khoảng giá trị giao dịch độc lập của các đối tượng so sánh độc lập tương đồng được lựa chọn…

Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư quy định rõ người nộp thuế thực hiện kê khai thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết theo mẫu quy định; lập và lưu giữ bộ hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết và xuất trình theo yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan Thuế…

Theo Luật sư Nguyễn Hưng, Công ty Luật The Light, Nghị định 20/2017/NĐ-CP sẽ thực sự đi vào cuộc sống khi có được Thông tư hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng, minh bạch để giải quyết những hiểu lầm hay bất đồng ý kiến. Đây sẽ là cơ sở pháp lý toàn diện và đầy đủ cho thực thi Nghị định. Đồng thời, cán bộ thực hiện công tác này phải là đội ngũ tinh thông, được đào tạo và có một vốn kinh nghiệm nhất định về chống chuyển giá. Nhất là việc tuyên truyền phổ biến cho người nộp thuế và doanh nghiệp để doanh nghiệp có giao dịch liên kết phải tự kê khai và xác định giá tính thuế theo các quy định tại Nghị định và Thông tư hướng dẫn, bớt những sai sót không đáng kể gây mất thời gian cho nhiều bên.

Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo này.

Tin liên quan
Tin khác