Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến đầu năm 2014, số dư Quỹ BOG chỉ còn 169,219 tỷ đồng, mặc dù tăng khoảng 110 tỷ đồng so với 2 lần công bố trước đó, nhưng giảm đáng kể so với số dư đầu năm 2013 là 756,383 tỷ đồng.
Lý do của việc số dư Quỹ BOG bị giảm là mức trích quỹ trong 3 tháng cuối năm 2013 trên 1.094 tỷ đồng trong khi sử dụng là 983,54 tỷ đồng.
Trong tháng 5 tới, Chính phủ sẽ ban hành nghị định thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu |
Dù số dư của Quỹ BOG lúc tăng, lúc giảm, nhưng theo ông Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính, về cơ bản, Quỹ đã làm tròn được “sứ mệnh” bình ổn giá xăng dầu, không để giá xăng dầu “sốt nóng” mỗi khi thị trường xăng dầu thế giới biến động mạnh.
“Tất cả những lần yêu cầu giữ nguyên giá bán dù giá cơ sở xăng dầu (giá nhập khẩu, cộng thuế, phí, lợi nhuận định mức…) cao hơn giá bán lẻ xăng dầu trong nước đều phải “van” bình ổn giá bằng việc yêu cầu tăng/giảm mức trích vào quỹ, tăng/giảm mức sử dụng quỹ, thậm chí, nhiều lần phải yêu cầu doanh nghiệp tạm thời chưa tính lợi nhuận định mức theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP”, ông Hiếu nói.
Tuy Quỹ BOG được “gửi” tại 19 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, nhưng theo khẳng định của ông Hiếu, không có chuyện doanh nghiệp muốn sử dụng, quản lý, trích lập vào Quỹ bao nhiêu cũng được, mà doanh nghiệp trên thực tế chỉ làm nhiệm vụ “thủ quỹ”, còn việc trích bao nhiêu đồng/lít xăng dầu bán ra, sử dụng bao nhiêu đồng/lít xăng dầu bán ra đều phải thực hiện theo chỉ đạo của liên bộ Tài chính - Công thương.
Theo Nghị định 84/2009NĐ-CP, liên Bộ Tài chính - Công thương không đưa ra giá bán lẻ xăng dầu cụ thể và bắt buộc tất cả các doanh nghiệp phải bán lẻ theo giá ấn định, mà chỉ đưa ra mức giá điều chỉnh tối đa. Căn cứ vào giá trần này, các doanh nghiệp đưa ra giá bán lẻ dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố vô cùng quan trọng là sử dụng Quỹ BOG.
“Đáng mừng là gần đây, nhiều doanh nghiệp không tăng giá bán lẻ xăng dầu tối đa bằng việc tiết kiệm chi phí quản lý, điều hành, chi phí kinh doanh và sử dụng Quỹ BOG. Ngược lại, không ít doanh nghiệp, mặc dù đã tăng giá bán lẻ tối đa, nhưng vẫn trong tình trạng “càng bán càng lỗ” do Quỹ BOG không còn, đặc biệt là những doanh nghiệp bị âm Quỹ BOG”, ông Hiếu giải thích và cho rằng, Quỹ BOG, về cơ bản, đã đáp ứng được mục tiêu đặt ra.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, vấn đề sửa đổi Nghị định 84/2009/NĐ-CP đã được đặt ra từ khá lâu, do nhiều quy định không còn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn như thời gian điều chỉnh giá; tần suất điều chỉnh; quản lý, sử dụng, trích lập Quỹ BOG…
Tháng 6/2013, Bộ Công thương đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 84/2009/NĐ-CP. Tuy nhiên, góp ý của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cho thấy, còn rất nhiều nội dung trong Nghị định này cần phải được sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, trong đó có những nội dung liên quan đến Quỹ BOG.
“Chính vì vậy, chúng tôi đã soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP và đã trình Chính phủ vào tháng 11/2013, sau khi lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp”, ông Hoàng nói và cho biết, Bộ Công thương đã nhận được 26 ý kiến đồng ý của các thành viên Chính phủ về những nội dung của Nghị định thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP, trong đó có 2 ý kiến chưa thống nhất với quy định về quản lý, sử dụng, trích lập Quỹ BOG và thời gian điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu.
“Chúng tôi nhận thức rằng, việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP đặt ra hết sức bức thiết để ngày càng công khai, minh bạch công tác điều hành giá xăng dầu; quản lý, trích lập, sử dụng Quỹ BOG… Bởi chỉ có như vậy mới thuyết phục được người tiêu dùng mỗi khi tăng/giảm giá mặt hàng chiến lược này”, ông Hoàng phát biểu và hy vọng, trong tháng 5 tới, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định thay thế Nghị định84/2009/NĐ-CP.
Mạnh Bôn