Đó là ý kiến của ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn các vấn đề văn hóa và xã hội khi tham gia hiệp thương lựa chọn ứng viên cho 7 nhiệm kỳ Quốc hội.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn các vấn đề văn hóa và xã hội |
Thưa ông, đến thời điểm này, việc hiệp thương lập danh sách chính thức những người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV đã hoàn thành, tại sao ông vẫn canh cánh nỗi lo về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc trong cuộc bầu cử lần này?
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND quy định rõ, chỉ có Mặt trận Tổ quốc có quyền hiệp thương lựa chọn giới thiệu người ra ứng cử. Đó là trách nhiệm hết sức khó khăn và nặng nề, vì thay mặt cho người dân thực hiện quyền làm chủ của dân, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nên đòi hỏi mỗi đại biểu trong Đoàn Chủ tịch phải xem đó là trách nhiệm dân giao phó.
Chọn con người là khó nhất, nhà văn nổi tiếng của Nga Maxim Gorky từng nói, khoa học khó nhất trong các khoa học là xử lý mối quan hệ giữa con người và con người. Chọn các ứng cử viên đúng yêu cầu, tiêu chuẩn không phải là chuyện dễ, đặc biệt trong điều kiện phát triển kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, người ta có thể mua nhiều thứ, “chạy” nhiều thứ.
Bởi thế, trách nhiệm của mỗi người trong Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc các cấp hết sức nặng nề. Chúng tôi thường quán triệt với anh em Mặt trận Tổ quốc các cấp rằng, hiệp thương chọn người ứng cử là công việc của đất nước chứ không phải việc cá nhân. Nhà nước có mạnh hay không, một phần quan trọng là ở hiệp thương lựa chọn những người đủ đức, đủ tài, đủ tâm, đủ tầm vào Quốc hội.
Tôi đã tham gia hiệp thương về nhân sự ở Trung ương cho 7 khóa Quốc hội và nhận thấy, mỗi kỳ bầu cử, ý thức của dân càng được đề cao, đặc biệt trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc cũng được đề cao. Trước đây, đa phần Đoàn Chủ tịch đều kinh qua kháng chiến, phần lớn là những trí thức được đào tạo bài bản, đi theo cách mạng, tinh thần đấu tranh thẳng thắn, được dân mến, dân tin.
Tiếp nối tinh thần đó, với yêu cầu mới hiện nay, với chủ trương đổi mới thì Mặt trận Tổ quốc có điều kiện hơn so với trước để thực hiện quyền dân chủ của dân, nhưng cũng có những vấn đề mới mà trước đây chưa có.
Chẳng hạn, thời bao cấp thì không có chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, nhưng gần đây, tình hình đó ngày càng phổ biến hơn. Đại hội VII của Đảng đã nhận định rằng, một số cán bộ có chức, có quyền thoái hoá, biến chất, đến Đại hội VIII thì thành một bộ phận thoái hoá biến chất, Đại hội IX thì thành bộ phận không nhỏ, sang Đại hội X và XI rồi XII vẫn có chữ không nhỏ. Thành ra, công tác hiệp thương lựa chọn trong tình hình này khó khăn hơn nhiều so với thời bao cấp, đòi hỏi các vị trong Đoàn Chủ tịch phải gắn với địa bàn.
Nhưng có phải việc gì Mặt trận Tổ quốc cũng nắm hết được đâu. Khóa trước có vị đã trúng cử, nhưng rồi phát hiện mang 2 quốc tịch, sau đó không được làm đại biểu, cái đó làm sao Mặt trận Tổ quốc biết được. Rồi sau đó, nhiều trường hợp bị bãi nhiệm, miễn nhiệm đều liên quan đến vấn đề kinh tế. Vì thế, trước khi đưa danh sách lên Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan giới thiệu các ứng viên đó phải có trách nhiệm trước, nhất là trong việc kê khai tài sản, theo dõi sự biến động về tài sản.
Vậy theo ông, hiện nay, việc kê khai và công khai tài sản của các ứng viên đã đáp ứng được yêu cầu của Mặt trận Tổ quốc chưa?
Hiện nay chưa đáp ứng. Tôi đã có đề nghị bản kê khai tài sản của các ứng viên phải cung cấp cho Ủy viên Đoàn Chủ tịch, nhưng không được cung cấp, mà tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba, người của Hội đồng Bầu cử nói, ai có nhu cầu xem thì sẽ cho xem ngay tại chỗ.
Làm như thế là chưa đạt yêu cầu. Lẽ ra phải đưa bản kê khai đó trước 1-2 ngày để chúng tôi còn hỏi dân xem ứng viên kê khai có đúng hay không. Tất nhiên, không phải 100% ứng viên đều phải quan tâm sâu đến thế, nhưng với những người làm công tác tổ chức hay quản lý kinh tế, thì cần đặc biệt quan tâm đến việc kê khai và giám sát sự biến động của tài sản. Có như thế mới đáp ứng được yêu cầu chọn người đủ đức, đủ tài vào Quốc hội.
Sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba, các ứng viên sẽ bước vào giai đoạn rất quan trọng là vận động bầu cử. Theo ông, có nên đổi mới công đoạn này để cử tri có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với người mình sẽ bỏ phiếu bầu vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất?
Theo tôi, cần tiếp tục đổi mới, nhưng đổi mới là một quá trình. Tôi ví dụ, trước đây, kinh tế tư nhân bị gọi là con phe, con buôn, bây giờ kinh tế tư nhân được coi trọng. Bên cạnh giai cấp công nhân, nông dân, trí thức, thì doanh nhân cũng giữ vai trò rất quan trọng trong xã hội. Nhưng đó là kết quả của cả một quá trình, đổi mới vận động bầu cử cũng thế, cần có một quá trình.
Ông nói đến vai trò của doanh nhân. Có nhiệm kỳ Quốc hội, số doanh nhân là đại biểu đã lên tới gần 40 người, nhưng dường như càng ngày càng ít doanh nhân tham gia Quốc hội, thưa ông?
Thực tế, có rất nhiều doanh nhân có tên tuổi được Mặt trận Tổ quốc vận động tham gia ứng cử, nhưng họ từ chối. Đợt này, chúng tôi cũng vận động một số doanh nhân có tiếng, thì các anh ấy nói không dám vào vì nếu toàn tâm, toàn lực làm đại biểu thì doanh nghiệp của họ sẽ “chết” ngay. Nhưng có những doanh nhân rất muốn ứng cử song lại không đủ tiêu chuẩn.